Thành công có một mặt trái: nó khiến ta nghĩ những gì đúng trong quá khứ cũng có thể mang ra áp dụng với hiện tại. Barça đã "chết" ở lượt đi vì suy nghĩ như vậy. Thú vị là lượt về, đến lượt Milan cũng gục ngã theo cách ấy. Dùng một chiến thuật đã cũ, Milan thảm bại trước những nhát kiếm nhanh như chớp giật của đối thủ.
Điều chỉnh nhỏ, khác biệt lớn
Jordi Roura (với sự giúp đỡ từ Tito Vilanova) đã dùng David Villa ngay từ đầu, trả Cesc Fabregas lại ghế dự bị và sử dụng Javier Mascherano ở trung tâm hàng thủ thay cho Carles Puyol. Chỉ 2 thay đổi này, Barça tạo ra một trời cách biệt về mặt lối chơi.
Thứ nhất, đội hình của họ được thay đổi hết sức linh hoạt giữa 4-3-3 và 3-4-3 bởi chỉ cần Busquets lùi về, Barça sẽ đá với 3 trung vệ là Busquets, Pique và Mascherano, để cho Daniel Alves và Jordi Alba tự do tung tẩy ở 2 cánh và hỗ trợ tối đa cho tấn công.
Thứ hai, Villa là một tiền đạo thực thụ, khác xa với cách chơi kiểu "số 9 ảo" của Cesc. Khác với Pep, Roura (hay Vilanova) không dùng Villa để khai thác khoảng trống ở cánh mà cho anh đá như một trung phong cắm. Cặp trung vệ Mexes - Zapata buộc phải để mắt đến Villa, thế là Messi rảnh chân hơn nhiều so với lượt đi. Đấy là chưa kể việc Alves và Alba liên tục khuấy đảo 2 cánh cũng khiến cho đội hình của Milan bị kéo giãn cực đại, giúp Messi có thêm khoảng trống hoạt động ở trung lộ.
Dùng Mascherano trận này là một nước cờ hay. Vốn là một tiền vệ phòng ngự, Mascherano có xu hướng đánh chặn ngay từ giữa sân hơn là đặt mình vào tình huống năm ăn năm thua với đối thủ. Và vì vừa có 2 trung vệ, vừa có 2 tiền vệ trung tâm (Busquets và Mascherano) mà Barça đã ngăn cản rất nhiều những pha phản công của đối thủ ngay từ trứng nước. Cũng cần chú ý thêm: do dâng đội hình lên cao, chấp nhận phòng ngự bằng tiền vệ nên Barça đã dùng bẫy việt vị và họ rất thành công.
Tốc độ là yếu tố quyết định
Tiqui-taca sẽ trở nên vô nghĩa nếu thiếu tốc độ và thi triển cách xa khung thành. Barça đã nhìn ra điều đó. Trong Tiếu ngạo giang hồ, Tịch tà kiếm pháp không phải là thứ kiếm pháp toàn bích, chẳng qua người ta không kịp nhìn thấy điểm yếu bởi người sử kiếm thi triển chiêu số quá nhanh.
Nhận ra yếu quyết ấy, Barça đã đẩy tốc độ trận này lên mức cực đại. Ở đây đang nói đến 3 thứ tốc độ: tốc độ di chuyển, tốc độ chuyền bóng và tốc độ suy nghĩ. Barça di chuyển rất nhanh cả khi có bóng trong chân (tấn công) lẫn mất bóng (phòng ngự). Thống kê cho thấy Barça chuyền nhiều gấp 3 Milan nhưng tổng quãng được bóng lăn chỉ dài hơn đối thủ có... 1 mét. Đấy cũng là một chi tiết cho thấy tốc độ luân chuyển bóng của Barça.
Còn tốc độ suy nghĩ chính là sự quyết đoán. Dẹp bỏ sự cầu toàn, Barça sẵn sàng sút ngay khi có cơ hội chứ không cố chuyền cho thật gần gôn nữa. Xavi và Andres Iniesta đều có những cú sút bóng khiến Christian Abbiati và các tifosi vãi hết mồ hôi. Cả 4 pha ghi bàn của Barça trận này đều nói lên được thứ tốc độ khủng khiếp. Lấy pha mở tỷ số làm ví dụ: thời gian Messi chặn bóng rồi đưa ra quyết định dứt điểm có lẽ chưa đến... nửa giây.
Nói một cách dễ hiểu. Lượt đi Barça như một khiếm khách múa kiếm chậm rì, lại cách xa đối thủ nên Milan không khó để dùng Thái cực kiếm đánh vào chỗ sơ hở. Lượt về Barça tiến gần đối thủ hơn, lại vung kiếm loạn xạ đến hoa cả mắt. Milan luống cuống bảo vệ thân thể còn chưa xong, lấy đâu thời gian để nhìn điểm yếu hay phản khích.
Chết vì bất biến
Barça thay đổi để làm nên lịch sử trong khi Milan lỡ hẹn với lịch sử (là kẻ chôn vùi tiqui-taca) bởi sự bất biến. Thắng trước 2-0, họ có quá nhiều cách nhập cuộc, nhưng Allegri lại bê nguyên bài vở của trận lượt đi, chỉ thay Pazzini bằng Niang và thay Muntari bằng Flamini. Thế trận cho thấy dù đá gần như với đội hình trận lượt đi, Milan cũng khó trụ được khi tiqui-taca đạt tầm sát thương cực đại, huống chi Niang và Flamini lại là 2 cầu thủ chơi tồi nhất trận này, nhưng lại được giữ sang đến tận hiệp 2.
Messi - không có nổi cú sút trúng đích ở lượt đi - mở tỷ số chỉ sau 5 phút, đấy là sự cảnh báo không thể rõ ràng hơn cho Allegri. Vậy nhưng ông vẫn không thay đổi gì với niềm tin sắt đá vào thứ chiến thuật tuyệt vời ở lượt đi. Thế là catenaccio sụp đổ bởi tiqui-taca, như cái cách Italia sụp đổ trước Tây Ban Nha ở chung kết EURO 2012 vậy. Lần đầu tiên trong lịch sử, một đội thua với khoảng cách 2 bàn, lại không có bàn sân khách làm vốn, lội ngược dòng và đi tiếp. Allegri đã đánh vào sự bất biến của đối thủ để thắng, nhưng lại chết bởi sự bất biến của chính mình. Âu đó cũng là số mệnh. Kiếm quyết tiqui-taca vẫn chưa chết như mọi người chờ đợi.
Thu Trang
or post as a guest
Be the first to comment.