Hãy tin vào King Leo

Champions League
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Một cú đánh trời giáng làm gục ngã đối thủ, cướp súng, thiêu hủy toàn bộ căn cứ quân sự của quân khủng bố trên biên giới Nga. Cuối cùng anh đã trở về an toàn trên chiếc SU tối tân sau màn vật lộn trên máy bay và tránh hỏa tiễn từ 1 máy bay khác đang truy đuổi.

Chỉ 1 mình anh đã chiến thắng tất cả, để lại đống hoang tàn, hàng chục xác chết và chiến công lẫy lừng khiến trung tâm chỉ huy của MI6 thán phục vỗ tay. Đó là James Bond trong siêu phẩm Tomorrow Never Dies. Còn ở ngoài đời, chẳng ai có thể làm được như vậy, kể cả Pierce Brosnan. Thế giới này chẳng bao giờ có chỗ cho những câu chuyện mà ở đó 1 người hùng chiến thắng tất cả. Bóng đá cũng vậy, và Messi cũng thế.

Tại San Siro đêm qua, một Milan thực dụng, khắc khổ nhưng hợp lý đã nhấn chìm Barcelona, đội bóng được coi là mạnh nhất thế giới hiện tại. Thì hôm nay, trên các mặt báo, những cụm từ “Messi vô hại”, “Allegri đã bắt chết Messi”, “Cần xét lại khái niệm vĩ đại của Messi” đã nhan nhản trên các mặt báo. Cuộc đời là vậy, đôi khi sự bất công mang trong nó tính “hợp lý” cho dù khi theo dõi kỹ trận đấu, Messi không đáng phải nhận những lời đánh giá khắt khe đến vậy.

Khi cả hệ thống phòng ngự của người Ý gồm 9-10 đấu sĩ được gói gọn trong 1 hình chữ nhật 50m x 30m, thì với cách vận hành quá cầu toàn của tiqui taca: các hậu vệ biên, tiền đạo cánh quá thiếu những pha chạy chỗ chiến thuật, chồng cánh, hoàn toàn đâm đầu vào bức tường đã dựng sẵn, việc phá vỡ hình chữ nhật này là không thể. Hệ quả là các pha phối hợp trên hàng công của Messi và các đồng đội gần như không mang đến cơ hội thành bàn. Hình ảnh Messi luôn bị theo sát bởi 2 cầu thủ sau lưng và từng đó cầu thủ trước mặt luôn được lặp đi lặp lại, những pha lừa bóng khéo léo, che bóng thông minh cũng chỉ dừng lại ở trước khung thành 30m mà thôi. Thiết nghĩ trên thế giới này, liệu có tồn tại một người hùng nào làm tốt hơn Messi trong tình cảnh như vậy? Ronaldo ư? Có lẽ là không, dù anh có thể bật nhảy gần 1m đánh đầu tung lưới MU, nhưng đứng trước khối bê tông của người Ý, e rằng anh không thể giữ nổi quả bóng trong chân chứ chưa nói đến việc kiến thiết, làm bóng hay ghi bàn.

Bóng đá luôn được biết đến như môn thể thao tập thể, việc Barcelona có trận đấu không như ý không có nghĩa Messi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước kết quả đó, hay anh đáng bị nghi ngờ, bị “xét lại” toàn bộ những gì đã làm cho bóng đá. Với một người xem bóng đá có hiểu biết, không khó để nhận ra hình ảnh của Messi lui về làm bóng, dạt cánh thu hút đối phương, làm tường cho đồng đội bằng những pha khống chế bóng tinh tế, nỗ lực đi bóng, kiến tạo (dù bất thành) trước cả dàn cầu thủ đối phương đã là tiệm cận cho khả năng của một cầu thủ vĩ đại rồi. Vậy thì chúng ta, hãy nhìn hình ảnh Messi ngã xuống trước sự truy cản quyết liệt của Mexes, Ambrosini, hay Boateng như một khúc bi hùng trong thất bại của cả tập thể Barça trong một đêm nhạt nhòa tại San Siro mà thôi.

Cuộc sống như một guồng quay không ngừng nghỉ, vị đắng của thất bại sẽ không bao giờ là dư vị cuối cùng và càng không thể là trở ngại cho cuộc chinh phục những thử thách phía trước. Sự vĩ đại của một con người đôi khi được nhìn nhận từ cái cách họ đứng lên sau thất bại. Nhất là với Messi – Leo King.

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.