Pep đã quá cẩn trọng
Rõ ràng là Pep có cái lý của mình khi tung vào sân đội hình đề cao yếu tố an toàn trước một đối thủ già dơ như Milan nhưng sự cẩn trọng này thực sự đã hạn chế sở trường của Barca đồng thời cũng tạo điều kiện cho Milan triển khai thế trận như họ mong muốn.
Iniesta cô độc nơi cánh trái vì Puyol đâu dám lao lên hỗ trợ tấn công khi mà hàng thủ thường xuyên chỉ là 3 người mỗi khi Alves lên cao. Trong khi Messi thường xuyên lệch phải (để phối hợp cùng Alves và Xavi) và trong một ngày tuyến tiền vệ Milan phong tỏa Messi quá tốt thì sợi dây liên lạc Xavi-Ini-Messi đã bị chặt đứt.
Có Keita, Barca có thêm chất thép nơi tuyến tiền vệ, nhưng hình ảnh đọng lại nhiều nhất cho người hâm mộ về anh trong trận này là cái nhìn thất vọng của Pep dành cho Keita. Một mình Keita cũng không thể vực dậy chất thép cho cả một hàng tiền vệ mỏng cơm như Xavi hay Busquets. Nếu coi cuộc đấu Milan – Barca hôm qua là cuộc thư hùng của hai Samurai Nhật Bản thì Samurai Milan cầm trên tay thanh kiếm cứng và sắc hơn nhiều so với đối thủ. Một nhát kiếm chém xuống, Samurai Barca giơ kiếm lên đỡ và thanh kiếm đứt ngọt làm 2 mảnh.
Điểm yếu Messi
Ngày hôm qua Messi không chơi tồi. Nhưng đây là điểm yếu chết người mà Milan đã tận dụng triệt để. Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome nhưng những con đường mà Barca chọn đêm qua đều phải đi qua giao lộ mang tên Messi. Bằng sự cơ động của hàng tiền vệ, Milan triệt mọi đường cung cấp bóng cho Messi, cũng như triệt mọi đường chuyền từ Messi tới đồng đội. Trong một vài tình huống hiếm hoi để sổng, những cầu thủ như Nesta có thừa kinh nghiệm để phạm lỗi an toàn với Messi. Trong một trận cầu như tối qua, tốt hơn hết là để Messi đá lùi và làm nhiệm vụ chim mồi là chính.
Quay trở lại với Keita, có Keita nghĩa là Cesc phải dự bị. Barca mất một cầu thủ có khả năng bấm bóng cho tiền đạo phá bẫy việt vị thoát xuống. Mất luôn một cầu thủ có khả năng thâm nhập vòng cấm và dứt điểm tốt. Hàng phòng ngự Milan ngày hôm qua không cho Barca cơ hội chọc khe hay bấm bóng nhưng tại sao Barca lại vẫn cứ trung thành cả trận với cái cách sử dụng duy nhất một bài là phối hợp nhanh, ngắn để xuyên thủng hàng phòng ngự Milan?
Dấu ấn Allegri: lấy tĩnh chế động
Sau trận đấu, người ta tự hỏi Milan bằng cách nào vẫn duy trì được thể lực cho hàng thủ đều đã suýt soát tuổi băm (Antonini, Bonera) và những lão tướng như Seedorf, Nesta, Ambrosini? Hàng phòng ngự Milan với 2 lớp (4 trên, 4 dưới) gần như đi bộ nhìn cầu thủ Barca ban chuyền bên ngoài vòng cấm địa (mà không cần phải áp sát liên tục). Khi Barca tăng tốc, ngay lập tức các bóng đỏ đen lập tức ập vào đủ nhanh, đủ dứt khoát để ngăn cản những pha dứt điểm và những đường chuyền cuối cùng. Bằng lối đá khoa học như thế, thật dễ hiểu khi hàng thủ vốn già nua của Milan vẫn trụ vững trong suốt 90 phút?
Trong khi đó, cái cách mà Barca sử dụng Iniesta và Messi đã triệt tiêu chính sự linh động trong hoán chuyển vị trí – một cách làm rối loạn hàng phòng ngự đối phương. Việc kéo Iniesta ra nghỉ và thay bằng Tello từ khá sớm chứng tỏ Pep đã nhìn ra được vấn đề rằng ông cần một mũi khoan phá nơi cánh trái để giảm sự phụ thuộc vào Messi.
Bên cạnh đó, Milan cũng đâu chỉ có phòng ngự? Hàng công Milan liên tục gây sức ép từ những đường chuyền dài từ Seedorf. Và những cầu thủ nhận bóng đều có thể hình, thể lực như Ibra hay Boateng không cho phép Pep dám mạo hiểm rút Keita để thay Cesc vào.
Cẩn trọng trước Milan như Pep cũng tốt thôi. Nhưng chiến công chỉ dành cho những người dũng cảm.
or post as a guest
Be the first to comment.