Barça tịt ngòi trước Milan: Hai mặt của sự kiêu hãnh

Champions League
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Một cảm giác ngột ngạt cho Barca khi bị Milan bủa vây ở tuyến sau trong 90 phút mà họ rất muốn ghi bàn trên San Siro. Hòa không bàn thắng trên đất khách ở Champions League vòng knock-out là điều mà Barca chưa từng trải nghiệm ở thời Pep, là điều đã không xảy ra với Barca hai năm rưỡi ở Champions League, kể từ trận hòa Rubin Kazan năm 2009.

Hoa mỹ trước bức tường!

Họ không lạ gì nhau nữa. Pep biết đối phương thiếu những chốt chặn cừ khôi, là Abate ở cánh và đặc biệt,Thiago Silva cùng van Bommel ở khu vực trung lộ. Ông cũng hiểu Milan sẽ phòng thủ khu vực như thế nào, gồm những ai. Thực tế, công cuộc bảo vệ sân nhà của Milan diễn ra y hệt hai trận vòng bảng: Allegri có những cái đầu lạnh và phán đoán cực tốt ý đồ triển khai bóng của Barca, hàng tứ vệ được hỗ trợ bởi gần như toàn bộ tuyến giữa để bọc lót cho nhau và hạn chế tối đa các khoảng trống. Cuối cùng thì Nesta cùng các vệ tinh đã có được trọn vẹn chiến tích của họ: không thủng lưới. Barca biết thế, biết từng con người của Milan để tự tin đánh phá, nhưng bất thành. Đội quân của Pep dường như bất lực trong niềm tự hào của bản thân cho đến khi những thay đổi diễn ra, những đã quá muộn để kiếm bàn.

Phải kiêu hãnh lắm khi trong một trận cầu trước Milan ở vòng loại trực tiếp thế này, các nghệ sĩ của Barca vẫn nhảy ballet ngay trước vòng cấm Abbiati. Những pha chạm bóng mượt mà, những đường ban ngắn liên tục, các pha bật tường trung lộ xuất hiện rất nhiều nhưng tất cả đều không mang lại hiệu quả như ý. Barca quá rườm rà, quá nắn nót những pha dứt điểm, quá cầu toàn trong những đường chuyền quyết định và khi những cơ hội ăn bàn rõ nét nhất trong hiệp một không thuộc về Messi, ai cũng biết xác suất thành công là không nhiều. Barca quá quen với việc sát thủ số 1 của họ làm công việc hành quyết rồi và những lúc mà Xavi, Iniesta hay Alexis đóng thế vai đó, Milan không ngại.

Họ phong tỏa Messi trong vai trò chân sút lẫn chân chuyền và đẩy anh dạt về giữa sân kiếm bóng. Các học trò của Pep đã ra sức công phá vào điểm mạnh nhất trong đấu pháp mà Allegri có thể triển khai: Tận dụng kinh nghiệm của các chiến binh lão luyện để phòng ngự khu vực. Ngạc nhiên là Barca, với niềm tin lớn lao về những bàn thắng hoa mỹ, không hề thay đổi các phương án hãm thành cho đến khi Tello vào sân. Tại sao không mở rộng mặt trận tấn công ra hai biên để tạo thêm không gian chơi bóng và Fabregas, quả đấm từ tuyến hai lợi hại nhất của Pep sao không được góp mặt? Barca rất chủ động trong các miếng đánh trung lộ nhưng khi lên bóng bất thành, đó như một lối mòn kiềm hãm sự hưng phấn của họ trong phần lớn trận đấu.

Pep cũng ngại…

Nếu không vì hoàn cảnh bắt buộc, Pep hiếm khi tung ra tới 2 tiền vệ có xu hướng phòng ngự nhưng ở Milano, Busquets và Keita đồng loạt ra sân. Có thể hiểu ông tôn trọng Milan, nhưng việc giữ Keita đến hết trận không mang lại kết quả tốt đẹp hơn trong thế trận tấn công khi anh là con số không ở những lần lên bóng . Biên trái của Barca gần như bị “liệt” với Puyol và việc Iniesta đóng vai trò tiền đạo cánh chỉ là một giải pháp dự phòng lại được áp dụng. Một hình ảnh không mấy khi diễn ra: Đôi lúc Alexis và Messi lùi về kiếm bóng và Xavi, Keita hay Iniesta săn bóng ở tuyến đầu! Pep e ngại rằng Milan sẽ phản công nhưng cả trận, những cơ hội ngon nhất của Robinho và Ibra đến từ 2 sai lầm cá nhân của Busquets – chuyền sai – và Xavi – đánh mất bóng. Không có mối nguy hiểm thường trực nào được tạo ra cho khung thành Valdes, vậy mà Pep vẫn thận trọng trong bối cảnh các hậu vệ của ông đã chơi rất ổn.

Hành trang mà Barca mang tới San Siro bây giờ là cả một bề dày thành tích đáng nể trong suốt 4 năm qua, có lẽ là đủ để họ trình diễn cách chơi đôi lúc như đá tập trước Milan. Barca muốn thách thức một quyền lực Châu Âu khác, rằng họ không chỉ có khả năng thắng mà còn phải thắng đẹp. Một ý tưởng táo bạo nhưng chưa chắc đã phù hợp trước các đại diện từ Calcio, nơi có những bậc thầy lẫy lừng về chiến thuật. Pep cho phép các học trò biểu diễu, nhưng thứ bóng đá thiếu tốc độ đó chưa làm nên chuyện khi Milan quá tập trung. Hay ông e dè rằng nếu đá nhanh, mất bóng cũng nhanh và dễ bị phản công vỗ mặt. Có điều gì đó hơi thiếu nhất quán trong tư tưởng của ông mà trận hòa 0-0 này nói lên tất cả.

Dù sao thì cơ hội để đi tiếp của Barca vẫn còn nguyên vẹn, ở Camp Nou, mọi chuyện sẽ khác nhưng đừng trói buộc chính mình trở thành tù nhân của những ý tưởng. Milan đã biết mình là ai, còn Barca? Một tuần nữa...

Huỳnh Anh (theo Thể thao Văn hoá)

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.