Ernesto Valverde: Đen hay dở?

Bình luận
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

FC Barcelona cần phải chia tay Ernesto Valverde, đó chắc chắn là điều mà số đông mong muốn. Nhưng cũng đừng vì thế mà phủ nhận rằng huấn luyện viên người xứ Basque là một huấn luyện viên giỏi, hay ít nhất: ông là huấn luyện viên phù hợp với FC Barcelona trong suốt 2 mùa giải qua.

Phần lớn những đòi hỏi xung quanh Valverde là vô lý

Khi chứng kiến Lionel Messi bất lực nhìn Valencia ăn mừng chức vô địch Copa del Rey không lâu sau khi anh ở trong trạng thái tương tự tại Anfield trước Liverpool, chúng ta hiểu rằng Barcelona là một đội bóng có vấn đề, và vấn đề không còn đơn giản gói gọn trong phương diện chiến thuật hay lối chơi. Và Ernesto Valverde chỉ đơn giản là nạn nhân của một sự sụp đổ dây chuyền tiềm tàng từ ít nhất hai đời huấn luyện viên trước đó, thậm chí việc ông cùng Barça bảo vệ được danh hiệu La Liga và giành 1 Copa del Rey trong hai năm qua là một minh chứng cho sự phù hợp mà Valverde đã có dành cho FC Barcelona.

Nhưng khi không thể vồ được con mồi ngon nhất, khỏe nhất, những con chó săn sẽ bắt con mồi già yếu nhất. Đó là cách mà dư luận đang "tế sống" Valverde.

Những quyết định chuyển nhượng kém nhất của FC Barcelona thực tế được thực hiện dưới thời Tata Martino và Luis Enrique, những cầu thủ - đến bây giờ mới tỏ ra không phù hợp - được mang về từ nhiều năm trước, để đến ngày Ernesto Valverde ngồi vào chiếc ghế nóng của Camp Nou, ông phải đối mặt với một bài toán về sự già nua, thiếu sức sống của đội hình hiện tại và cả những cá nhân có dấu hiệu no nê danh hiệu.

"The dressing room want Valverde to stay" (phòng thay đồ muốn Valverde ở lại). Phòng thay đồ ở đây - chỉ các cầu thủ, trong đó chính Lionel Messi là người có tiếng nói lớn nhất - muốn Valverde ở lại.

Khoan hãy nói về sự tiêu cực của việc "the dressing room want abcxyz", chúng ta hãy nói về mặt tích cực của nó. Khi bạn nhìn sang những đội bóng "có vấn đề" với huấn luyện viên của họ, như Chelsea, như Manchester United, như Real Madrid,... mùa này mà báo giới châu Âu đã không ít lần đề cập, bạn sẽ thấy giá trị của việc cả tập thể ủng hộ huấn luyện viên của họ là lớn nhất thế nào. Đó chắc chắn là một tập thể đoàn kết, và nó chứng minh rằng Ernesto Valverde đang làm quá tốt công việc quản lý nhân sự, ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất của đội.

Nhiều người cười khẩy khi Pep Guardiola công khai đứng ra bênh vực Valverde, và khen ngợi huấn luyện viên người Basque đang "làm tốt công việc của mình", cho rằng đó là xã giao. Hơn ai hết, Pep hiểu Barça, dù ông không còn làm việc ở Camp Nou cũng sắp được 1 thập kỷ, nhưng những cầu thủ mà ông từng dày công vun đắp cho tương lai của họ vẫn còn ở đó, những người mà ông biết rõ từng cá tính vẫn ở đó. Pep hiểu, ngay cả là ông, cũng chưa chắc có thể làm tốt hơn Valverde bây giờ.

Tiếp đến là Agusti Benedito, người đứng sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm gần nhất đối với Bartomeu, và đang có ý định tái khởi động nó. Người đàn ông có quyết tâm rất lớn này khẳng định Valverde không phải là vấn đề của FC Barcelona, mà đó là Ban Lãnh Đạo hiện tại. Tất nhiên ở một chừng mực nào đó, việc Benedito công kích Bartomeu là điều dễ hiểu, nhưng giá trị mà những lời phát biểu tôn trọng mà ông dành cho Valverde là giá trị của sự khẳng định: ông đang làm tốt công việc của mình.

Ở mùa giải thứ hai mà FC Barcelona thi đấu dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên người Basque, đội bóng kết thúc mùa giải tồi tệ hơn với hai thất bại trước Liverpool và Valencia, chỉ giành được chức vô địch La Liga. Nhưng sẽ thế nào nếu chúng ta nhìn nhận đây là mùa giải thành công hơn của Valverde so với năm ngoái - khi chúng ta ít ra còn giành được cú đúp quốc nội?

Cho đến trước trận lượt về trên sân Anfield, FC Barcelona vẫn còn nguyên cơ hội giành cú ăn ba lịch sử. Đó là một điều kinh khủng bị xem thường. Nếu chúng ta giành cú ăn ba năm nay, và đem đội hình hiện tại so với hai mùa giải 2014-15 và 2008-09, những mùa giải mà chúng ta cũng ăn ba, các bạn sẽ thấy đó chẳng khác nào là một thứ... kỳ tích. Leo Messi là lý do duy nhất khiến chúng ta "trông có vẻ" là mạnh nhất châu Âu, nhưng khi bạn nhìn ra bình diện lớn hơn, chúng ta có một đội hình già cỗi, sự chênh lệch về trình độ giữa đội hình chính và dự bị là cực lớn, và có những cá nhân đã chinh chiến qua nhiều năm, với cảm giác no nê danh hiệu tồn tại trong người. Mùa giải thứ hai ở Barcelona là mùa giải ghi nhận sự học hỏi đáng nể của Valverde, với những thay đổi chiến thuật quan trọng trong cuộc đua đường dài và nhiều thời điểm khác nhau của những trận đấu cụ thể. Sự tối ưu hóa khả năng của những vị trí cần thiết là điều thông minh trong quá trình thiết lập hệ thống mà Valverde đặt ra ở FC Barcelona. Barcelona cũng hoàn toàn làm chủ những trận El Clasico, điều mà 10 năm trước cules mơ tương đương việc mong mỏi chức vô địch Champions League.

Nhưng Ernesto Valverde là một người đàn ông... số đen

Tất cả những bài học mà Valverde rút ra, áp dụng, tất cả những cố gắng, nỗ lực, tất cả những quyết định sáng suốt và thông minh của ông sụp đổ sau thất bại thảm họa ở Anfield. Tất cả thành công dừng lại ở một chữ nếu, và việc đánh mất chức vô địch Copa del Rey vào tay Valencia đơn giản chỉ là một cú đấm "ân huệ" vào một vết thương còn đang rỉ máu.

Valverde đã thất bại như vậy đấy. Nhưng đó là trong mắt những CĐV Barcelona - những người ngày ngày vẫn comment hashtag #Valverde_out vào từng post trên trang chủ FC Barcelona. Còn với những người như Messi, như Pep Guardiola, Agusti Benedito và nhiều cầu thủ Barcelona khác, họ hiểu rằng Valverde đã thành công như thế nào. Nhưng đáng tiếc: họ không phải là số đông.

Sự giận dữ dành cho Ernesto Valverde là có lý, khi chứng kiến Barça thất bại một cách bạc nhược ở Anfield và kết thúc mùa giải thiếu khát vọng ở Seville. Nhưng khi chúng ta bình tĩnh nhìn lai hai thất bại mang tính quyết định ấy, khi chúng ta ước gì trên băng ghế chỉ đạo của Barça là Klopp, là Conte, là những người "thét ra lửa" thúc giục các học trò, chúng ta quên mất rằng thi đấu cho FC Barcelona trên sân không phải là những người trẻ trung, đầy tinh thần chiến đấu và khát vọng, mà quá nửa là những... ông già.

Sự trầm lặng của Ernesto Valverde đơn giản chỉ là làm tệ hơn một vấn đề vốn dĩ đã... tệ

Vấn đề của Barcelona nằm ở từng cầu thủ trên sân, nằm ở khát vọng của họ, và nằm ở "the dressing room want..."

Chúng ta đang sống trong cái thời đại bóng đá gì vậy?

"The dressing room want..." lần đầu tiên xuất hiện, nó vẽ nên một bức tranh tươi đẹp về một tập thể đoàn kết. Lần thứ hai, nó vẫn đẹp, Barça vẫn đoàn kết. Nhưng lần thứ ba, người ta bắt đầu cảm thấy có gì đó không đúng ở một CLB vĩ đại. Lần thứ tư, chúng ta tự hỏi vai trò của BLĐ ở đâu, CLB này là gì mà mọi quyết định lớn bé, nhỏ to đều được quyết định bởi việc "the dressing room want..."

Trước hai thất bại ở Anfield và Seville, trong khi Ernesto Valverde nhận hết trách nhiệm về mình, thì Josep Maria Bartomeu lại phủ định lỗi lầm đó của Valverde. Ông tất nhiên có cái lý của mình, mà đám đông giận dữ ngoài kia thì chẳng mấy ai đồng ý.

Barça dẫn trước Liverpool 3-0 sau trận lượt đi, vậy điều gì sẽ xảy ra nếu Lionel Messi quyết đoán hơn trong tình huống mà sự lưỡng lự trong tích tắc của anh đã làm mất đi một bài thắng sớm cho Barça trong trận lượt về? Sẽ thế nào nếu Gerard Piqué và Marc-André ter Stegen không mất cảnh giác như những cầu thủ hạng hai trong cú phạt góc quyết định của Alex Arnold? Sẽ thế nào nếu Ousmane Dembélé không bỏ lỡ cơ hội ấn định chiến thắng 4-0 ở Camp Nou. Tất cả cũng dừng lại ở chữ nếu, nhưng nó cho thấy rằng Barça đã có nhiều hơn một kết cục tốt đẹp thay vì thảm hại ở Anfield, chứ hoàn toàn không phải sự bất lực của Valverde ngoài đường biên mới là tất cả vấn đề.

Và rồi thì sao, “the dressing room” không trách Jordi Alba, không trách Pique hay Stegen, cũng chẳng trách Dembélé, “the dressing room” bảo vệ Valverde, đó là một lối mòn.

Nhưng thất bại ở Anfield hay Rome còn bị tồi tệ hoá một cách đáng kinh ngạc vì hệ quả của nó. Barça bị Roma ngược dòng và kết thúc mùa giải năm đó, Real Madrid vô địch châu Âu, điều không làm bất kỳ culer nào cảm thấy dễ chịu. Thất bại trước Liverpool thì lại khác, lần này, Madrid đã bị loại, nhưng Liverpool lại vô địch. Chưa kể đến việc Barça chính thức bị “Lữ đoàn đỏ” vượt mặt ở số danh hiệu Champions League, thì Virgil van Dijk - đối thủ có lẽ là lớn nhất của Messi trong cuộc đua Quả bóng vàng năm nay nâng cao chiếc cúp bạc danh giá nhất châu Âu rõ ràng là lý do để nhiều người tỏ ra phẫn nộ.

Dăm mười năm trước, nếu Frank Rijkaard có “lỡ” thua liên tục 2 năm theo kiểu này, dư luận chắc chắn chẳng phản ứng tiêu cực hơn bây giờ.

Đen.

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.