Cho tới tận bây giờ cái tên Michael Laudrup vẫn không thể phai nhạt trong lòng người hâm mộ Barcelona. Đơn giản bởi vì anh là người có đóng góp đáng kể vào thành công của Barcelona trong những năm đầu thập kỉ 90, khi mà Dream Team lên ngôi. Và cũng thật đơn giản anh là người phản bội lại Barcelona khi anh sang thi đấu cho đội bóng kình địch Real Madrid và góp sức cho đội bóng này qua mặt Barcelona.Tuy nhiên những gì đóng góp của anh là không thể phủ nhận. Người ta tự hỏi Barcelona có chiếc cúp C1 không nếu không có anh, Barça có thua Ac Milan trong trận chung kết cúp C1 không nếu như anh có tên trong đội hình xuất phát.
{xtypo_rounded2}'Michelino' Laudrup
Quốc tịch: Đan Mạch
Sinh nhật: 15-6-1964
Mùa giải khoác áo: 1989-1994
Số trận thi đấu: 288
Số bàn thắng: 93
Danh hiệu:
1 cúp Châu Âu (C1) (91/92)
1 siêu cúp châu Âu (1992)
4 La Liga (90/91, 91/92, 92/93, 93/94)
1 Copa Del Rey (89/90)
2 siêu cúp TBN (1991 & 1992)
2 Copa Catalunyas (90/91 & 92/93)
1 chức vô địch Hà Lan cùng Ajax, 1 chức vô địch Seri A, 1 cúp quốc gia Italia cùng Juventus{/xtypo_rounded2}
Trước khi đến với Barcelona, sự nghiệp cầu thủ của Michael Laudrup không được nổi bật cho lắm. Ở Seri A anh đã từng được kỳ vọng tại Juventus và Lazio, thế nhưng đấy không phải là môi trường phù hợp để anh phát huy tài năng. Sự kèm cặp của các hậu vệ đã không cho anh phát huy những phẩm chất kỹ thuật của mình. Sau những thất vọng đó Michael Laudrup đã quyết định tìm một môi trường bóng đá mới mà ở đó hội tụ những kỹ thuật để anh có thể phô diễn. Thời điểm đó đã có 1 câu lạc bộ đáp ứng được yêu cầu của anh - đó là FC Barcelona. Barcelona thời điểm đó được dẫn dắt bởi Johan Cruyff, 1 huấn luyện viên ưa lối chơi đẹp mắt mang đậm chất tấn công. Và Michael Laudrup đã không phải luyến tiếc vì lựa chọn của mình. Những năm tháng sung sức nhất của mình M.Laudrup đã toả sáng rực rỡ dưới bầu trời FC Barcelona.
Ở Italia, dù được khen là Michael "nhỏ" ( So với Michael "lớn" - Michael Platini) nhưng chưa bao giờ Laudrup gây được ấn tượng đặc biệt. Môi trường Juve quá khô khan, gò bó. Vì thế khi đến với Barcelona, Laudrup đã thoả chí anh hùng.
Laudrup tới Camp Nou khi Cruyff bước vào huấn luyện CLB năm thứ 2 ở đây. Ngay lập tức anh đã trở thành nhà đạo diễn trận đấu của đội hình trong mơ mà Cruyff tạo dựng. Michael Laudrup chơi rất ăn ý với cầu thủ xứ Basque - Beguristain ở tuyến giữa và anh chàng khó tính Stoichkov ở tuyến trên. Laudrup không phải vì thế mà không biết ghi bàn, mỗi mùa bóng trung bình anh ghi được 13 tới 14 bàn ở tất cả các mặt trận. Nhưng cái làm đối phương sợ hãi chính là những đường chuyền quyết định và thông minh của anh. Và mỗi khi Laudrup di chuyển, đối phương không biết đường nào mà lần: Thoắt ẩn, thoắt hiện, lúc bên phải, lúc bên trái, xông lên rồi lại lùi về... Những pha băng lên của Laudrup luôn làm hàng thủ đối phương rối loạn sợ hãi. Một HLV đối phương từng phải giơ nắm đấm mà quát lên: "Thằng quỷ Laudrup".
Cho đến nay nhiều người vẫn cho là bất công khi Laudrup không giành được 1 danh hiệu cá nhân nào. Anh chính là linh hồn của Barcelona khi giành được cúp C1 Châu Âu năm 1992 và nhiều danh hiệu khác. Nhưng chẳng ai tôn vinh riêng anh cả. Mãi đến gần đây năm 1998 người ta mới công nhận Michael Laudrup là " Cầu thủ nước ngoài thi đấu xuất sắc nhất tại Liga trong vòng 25 năm qua", thế nhưng đó là quá muộn và chỉ mang ý nghĩa an ủi thôi.
Trong năm thứ 5 ở Camp Nou, mọi thứ không còn đẹp đẽ với Laudrup. Sự xuất hiện của Romario từ Eindhoven và luật quy định chỉ ba cầu thủ nước ngoài được ra sân khiến HLV Johan Cruyff bắt đầu sử dụng luân phiên các cầu thủ. Laudrup không hài lòng chút nào, bởi anh cho rằng với vai trò của mình, anh xứng đáng có mặt trong đội hình chính trên tất cả các mặt trận. Một chấn thương tai ác đã khiến Laudrup phải nghỉ thi đấu 1 tháng và khi anh quay trở lại đã không được Johan Cruyff trọng dụng và ưu ái như trước nữa. Trong trận chung kết cúp C1 năm 1994 với Ac Milan, giọt nước cuối cùng đã làm tràn ly khi Laudrup bị gạt khỏi danh sách, và đội hình xuất phát (có lẽ vì vậy mà Barcelona bại trận chăng?).
Laudrup đã quyết định rời Camp Nou. Ngày anh ra đi có đến hơn 20.000 người cùng ký vào 1 bức thư để mong anh ở lại. Họ không muốn anh ra đi, họ không muốn mất anh, không muốn mất một trong những cầu thủ hào hoa lịch lãm nhất trong nền bóng đá thế giới. Thế nhưng những tình cảm yêu thương ấy bỗng chốc biến thành thù hận bởi Laudrup đã quyết định chuyển tới Real Madrid - đội bóng kình địch của Barcelona. Và cũng như Schuster trước đây và Luis Figo sau này, anh bị các cổ động viên của Barcelona coi là "Judas phản bội". Những năm tháng thi đấu dưới màu áo Real Madrid anh đã đóng góp tới 50% các bàn thắng vào lưới Barça, thử hỏi như vậy thì làm sao các cổ động viên Barcelona không tức giận và chửi bới la ó mỗi khi anh trở lại sân Camp Nou.
Những năm cuối cùng của sự nghiệp anh thi đấu cho Ajax, và ở Nhật. Sự nghiệp quốc tế dang dở (do mâu thuẫn với HLV, anh không có mặt trong đội hình Đan Mạch vô địch Châu Âu năm 1992), cuối cùng cũng kết thúc ngọt ngào khi anh cùng người em mình là Brian Laudrup đã giúp Đan Mạch vào tới tứ kết, và chỉ chịu dừng lại trước Brazil xuất sắc của Rivaldo ở World Cup năm 1998. Treo giày anh trở thành bình luận viên bóng đá, và theo học lớp HLV để dẫn dắt các thế hệ sau này.
Dù rất thất vọng trước cách đối xử của Johan Cruyff nhưng Laudrup vẫn coi trọng công lao của ông. Anh đã dành những lời tốt đẹp của mình để dành cho Cruyff - Người đã chắp cánh ước mơ cho anh trong những ngày tháng đẹp đẽ nhất của sự nghiệp, trên thảm cỏ xanh của sân Camp Nou huyền thoại.
or post as a guest
Be the first to comment.