Bernd Schuster là một trong những cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá Đức nói riêng và bóng đá thế giới nói chung ở thập niên 80, là người được người Đức “phong thánh” . Nhưng cũng chính họ lại ruồng bỏ anh mà như họ nói do “tính đồng bóng” của Bernd . Schuster đã phải rời đội tuyển quốc gia, rời quê hương gia nhập đội quân viễn chinh trên sân cỏ Tây Ban Nha suốt 13 năm trời. Ở đó anh toả sáng, người Tây Ban Nha gọi anh với cái tên trìu mến là “Thiên thần tóc vàng”.
Schuster tên đầy đủ là Bernd Schuster sinh 22 tháng 10 năm 1959 tại Augsburg - Tây Đức. Schuster làm quen với trái bóng lúc lên 4 tuổi khi được người cô tặng cho cậu một quả bóng. Cậu bé tỏ ra rất thích thú với món quà này, cậu thường chơi ở đường phố với các bạn bè cùng trang lứa. Dù không thích thú chuyện học hành nhưng sức học của cậu là không đến nỗi nào, đơn giản là niềm đam mê lớn nhất của cậu là trái bóng tròn.
{xtypo_rounded2}
Tên thật: Bernhard Schuster
Ngày sinh: 22 tháng 10 năm 1959.
Nơi sinh: Augsburg, Tây Đức
Vị trí: Tiền vệ
1980–1988: FC Barcelona 170 trận/63 bàn{/xtypo_rounded2}
Khởi đầu sự nghiệp
CLB đầu tiên trong sự nghiệp của chàng trai người Đức là tại đội trẻ của FC Augburgs và chỉ sau 2 mùa giải tại đây cái tên Bernd Schuster đã trở thành tâm điểm của giải vô địch trẻ bang Baravia và được rất nhiều đội bóng tại Bundesliga để mắt tới.
Cuối cùng thì FC Koeln đương kim vô địch Bundesliga lúc bấy giờ đã sở hữu được chàng tiền vệ trẻ tài năng của bóng đá Đức, sau cuộc tranh chấp với Bayern Munich (đội bóng thần tượng của Bernd).
Bộ đôi huấn luyện viên Loehr và Weisweiller của FC Koeln lúc đó rất nóng lòng chờ đợi sự có mặt của Bernd để bổ sung chất lượng cho đội bóng. Và quả thực họ đã không phải thất vọng bởi sự có mặt của Bernd đã giúp Koeln đoạt đĩa bạc Bundesliga và Cúp Quốc gia Đức. Chàng trai trẻ Schuster tiếp tục là cầu thủ chủ chốt của đội bóng, anh đã trở thành một siêu sao của đội bóng! Chỉ một năm rời khỏi FC Augsburg, Bernd đã bước lên một tầm cao mới.
Mùa giải 1978/79 không thành công như mong đợi của Schuster khi FC Koeln thất bại cả ở Bundesliga lẫn Cúp Quốc Gia Đức. Người thầy yêu quý Weisweiller phải ra đi để nhường chỗ cho Heddergott – một lựa chọn sai lầm cho đội bóng lẫn cá nhân Bernd. Heddergott đày Bernd lên băng ghế dự bị dù người hâm mộ phản đối kịch liệt, thậm chí nhiều người đã bật khóc yêu cầu Heddergott từ chức.
FC Koeln kết thúc mùa giải trong sự thất vọng, còn Schuster bị Heddergott đẩy xuống tập cùng đội trẻ.
Bernd tìm cách liên lạc với người thầy cũ Hennes Weisweiller, lúc này đã rời khỏi nước Đức, để đến Cosmos NY với ông ta. Các cổ động viên giận dữ với huấn luyện viên Heddergott vì lo sợ mất anh. Nhưng chủ tịch FC Koeln là một gã cáo già, ông ta đã không bán ngay Bernd mùa hè đó vì muốn “làm giá” Schuster. Khát khao sở hữu tiền vệ tài hoa còn rất trẻ này, gã khổng lồ xứ Catalan đã đặt giá cao nhất.
Ở lại FC Koeln là không thể nên ưu tiên hàng đầu của Bernd là sang Mỹ với Weisweiller, nhưng đã không có câu lạc bộ nào đưa ra đề nghị dứt khoát. Cuối cùng thì Chủ tịch Weiand cũng có được cái mà ông ta muốn: Barca trả 40 triệu pesetta cho ngôi sao trẻ này. Tháng 10 năm 1980, Bernd lên đường đến Tây Ban Nha.
Thiên thần ở Camp Nou
Mùa giải 1980/81 Barcelona thi đấu rất bết bát ở giải quốc nội, để thua quá nhiều trận và nội bộ lục đục. Huấn luyện viên Kubala cũng không thể cứu nổi đội bóng, tuy nhiên nhiều người tin rằng sự có mặt của Schuster sẽ là mấu chốt để giải quyết mọi vấn đề. Tháng 10 năm 1980, Schuster về với Barca. Ngôi sao người Áo Krankl rời đội bóng với sự tức giận: “Barca sẽ chẳng làm được gì, kể cả họ có mua được Pele!”. Tiếp đó là thay đổi trên băng ghế chỉ đạo khi Kubala một người không ưa Schuster ra đi, nhường chỗ cho Helenio Herrera. Sự có mặt của Pele sẽ là không cần thiết bởi Barca đã thi đấu tốt hơn với ngôi sao Schuster.
Nửa xấu xa trong con người của Bernd trỗi dậy. Đầu tiên là những bức ảnh của người vợ Gabi bị đưa lên mặt báo, tiếp đó là rắc rối với đồng đội Migueli. Những bàn thắng liên tục đến tỉ lệ với những chiếc thẻ vàng và các Culé luôn mong đợi một Schuster xuất-sắc-mỗi-tuần, vì họ cho rằng đây chính là ngôi sao mơ ước của họ kể từ sau thời kỳ của Cruff. Những áp lực đè nặng lên đôi vai Schuster và đỉnh điểm là vụ tiền đạo Quini – một trong những người bạn thân thiết nhất của ông – bị bắt cóc. Đó là cú sốc lớn cho cả đội bóng. Trong suốt một tháng đó, Barca thua liểng xiểng và cũng mất luôn cơ hội cạnh tranh chức vô địch Liga. Khi Quini được thả tự do thì mùa giải cũng sắp khép lại nhưng Barca cũng được an ủi bởi chiếc Cúp Nhà Vua mà họ giành được sau chiến thắng 3-1 trước Sporting Gíjon, trận đấu mà Schuster là người chơi hay nhất còn Quini ghi 2 bàn. Chàng trai trẻ mới tròn 20 tuổi đã trở thành đầu tàu của Barca và đưa đội bóng ra khỏi cơn khủng hoảng, đồng thời tạo nên một hiện tượng mới: Schustermania.
Mùa giải 1981/82, sự xáo trộn trên băng ghế chỉ đạo lại tiếp tục và nạn nhân lần này Herrera. Huấn luyện viên người Đức Lattek được chỉ định thay thế, nhưng những phương pháp huấn luyện của ông tỏ ra không phù hợp và kết quả là Barca lại tiếp tục thi đấu bết bát. Schuster cảm thấy không hài lòng và một số rắc rối khác đã đưa đội bóng xứ Catalan đến bên bờ một cuộc khủng hoảng mới. Lattek được nhìn nhận là huấn luyện viên hay nhất nước Đức thời ấy nhưng đã không thể vượt qua sức ép ở Barca. Mọi chuyện chỉ tạm yên ổn khi Schuster thi đấu với phong độ cao nhất. Nhưng điều tồi tệ nhất đã xảy ra khi ông bị Goikoetxea đốn gãy chân trong một trận đấu với Bilbao tháng 12 năm 1981. “Suốt trận đấu hắn ta đã đe dọa đốn gãy chân tôi và cuối cùng thì hắn cũng đã thực hiện được điều đó” – Schuster tuyên bố trong giận dữ sau khi trận đấu kết thúc.
Nôn nóng để sớm bình phục chấn thương Bernd đã quay về Đức rồi sang Tây Ban Nha, tìm những bác sỹ giỏi nhất để điều trị nhưng phép màu đã không xảy ra và kết quả là “Số 8” lỡ cơ hội tham dự World Cup 1982. Tháng cuối cùng mùa giải đó Barca đã phải đứng ngoài cuộc đua giành ngôi vô địch, tuy nhiên Barca cũng được an ủi đôi chút với chiếc cúp C2 và đó là dấu ấn quan trọng nhất của huấn luyện viên Lattek.
Mùa giải 1982/83 là một mùa giải đáng nhớ với các Culé bởi sự có mặt của Diego Maradona cầu thủ hay nhất thế giới lúc đó. Rắc rối đã xảy ra khi Maradona bị viêm gan và chàng trai vàng của bóng đá thế giới đã vắng mặt 2 tháng vì căn bệnh này, nhưng trước đó những bữa tiệc tùng thâu đêm suốt sáng còn nổi tiếng hơn là cái chân trái kỳ diệu của anh. Còn Bernd thì bị ảnh hưởng bởi chấn thương trước đó nên anh đã không thể tỏa sáng. Barca mất phương hướng còn “Số 8” thì mất niềm tin (và cả sự tôn trọng) ở người thầy: “Lattek là một gã nát rượu”. Sau đó Lattek bị sa thải và Menotti lên thay thế, Barca đoạt Cúp Nhà Vua nhưng chức vô địch Liga thì bị Athletic Bilbao đoạt mất.
Mùa giải 1983/84 rất được các Culé chờ đợi bởi Menotti đang được yêu mến nhờ triết lý tấn công đẹp mắt và hy vọng ông sẽ giúp Maradona sớm lấy lại phong độ. Thế nhưng ước mơ vẫn chỉ là mơ ước. Goikoetxea có lẽ là cái tên bị các Culé nguyền rủa nhất bởi chính anh đã tiếp tục thẳng tay “loại bỏ” cái chân trái của Maradona trong một trận đấu cũng với Bilbao. Thêm 4 tháng “số 10” phải ngồi ngoài để điều trị chấn thương. Bilbao thì bảo vệ thành công ngôi vô địch Liga đồng thời đoạt luôn Cúp Nhà Vua khi đánh bại chính… Barca trong một trận chung kết nổi tiếng bạo lực. Một cuộc chiến thật sự đã diễn ra bên ngoài sân cỏ sau đó với các pha “karate” của Migueli và Maradona. Kết quả là Menotti rời khỏi đội bóng và kéo theo đó là Maradona khi anh quyết định về với Napoli, nơi anh tìm lại phong độ đỉnh cao của mình.
Mùa giải 1984/85 cũng không khá hơn. Các Culé thì mất niềm tin sau sự ra đi của Maradona, nhưng Schuster thì không: “Không cần Diego, tôi sẽ thực hiện các quả penalty và làm chủ tuyến giữa. Barca sẽ có chức vô địch Liga”. Dưới thời Venables, Bernd đeo băng đội trưởng đồng thời được chơi tự do và sáng tạo hơn. Chức vô địch đã về với Camp Nou sau nhiều năm, còn Schuster thì giành Quả Bóng Đồng Châu Âu và là cầu thủ hay nhất Tây Ban Nha thời điểm đó.
Mùa giải 1985/86, Barca hướng tới chức vô địch Liga tiếp theo và cả Cúp Vô địch Châu Âu nữa. Tuy vậy, rắc rối vẫn không buông tha Bernd khi “số 8” mâu thuẫn với Venables và cả Chủ tịch Nuñez. “Đây không phải là Châu Phi”, Schuster đã hét lên khi thấy Nuñez cò kè tiền thưởng với các cầu thủ. Giải quốc nội thì không còn hy vọng nhưng Barca đã lọt vào trận chung kết Cúp C1 Châu Âu với Steaua Bucuresti sau khi đánh bại Juventus. Đương nhiên tất cả mọi người đều đặt cửa cho đội bóng xứ Catalan, nhưng trên sân cỏ thì Barca đã không thể chiến thắng Steaua Bucuresti ở Seville. Venables quyết định sẽ rút Schuster ra nghỉ sau 73 phút và thay thế “số 8” là Moratalla. Bernd hết sức giận dữ và cho rằng Venables muốn giành chiếc Cúp này mà không cần đến mình. Bernd rời khỏi sân vận động và về nhà với gia đình, chứng kiến qua tivi Barca gục ngã trước Steaua ở loạt đá luân lưu (Barca sút hỏng 4 quả). Venables thất bại và cả Bernd nữa. Khách quan mà nói thì thật không logic khi Venables thay thế Bernd bởi anh là mẫu cầu thủ có thể một mình xoay chuyển cục diện trận đấu bằng một pha bóng. Nhưng Schuster sẽ không bao giờ có cơ hội đó, Barca đá hỏng 4 quả penalty và đương nhiên Bernd không thể chối bỏ trách nhiệm. Chủ tịch Nuñez và huấn luyện viên Venables chỉ trích Bernd thậm tệ và một nửa số Culé tin vào điều đó. Họ cho rằng với đẳng cấp của mình mỗi khi ra sân Schuster phải chơi hay nhất, tốt nhất. Thậm chí Chủ tịch Nuñez còn mạnh mồm tuyên bố: “Bernd sẽ không bao giờ có cơ hội khoác lên mình chiếc áo của Barca nữa” sau khi biết Schuster đã rời khỏi sân vận động. Đó là một cú sốc thật sự với tất cả những người yêu bóng đá.
Mùa giải 1986/87 là một mùa giải đáng quên với Bernd. Hughes và Lineker được mua về để thay thế cho Archibald và chính Bernd. Chủ tịch Nuñez giữ đúng “lời hứa” và Bernd đã không được ra sân một lần nào suốt mùa giải. “Bà đầm già thành Turin” Juventus rất quan tâm đến ngôi sao 26 tuổi này và muốn “giải thoát” cho Bernd, nhưng Barca không chịu bán. Không khí u ám bao trùm Camp Nou. Không Cúp, không danh hiệu và một nửa số cổ động viên mong “số 8” trở lại. Bernd thì buồn bã và chán nản bởi anh muốn ra đi khỏi “địa ngục Catalan” càng sớm càng tốt. Cảm xúc bị dồn nén và “số 8” quyết định sẽ thực hiện nốt năm cuối cùng trong hợp đồng với đội chủ sân Camp Nou.
Mùa giải 1987/1988 là mùa giải cuối cùng Bernd mặc chiếc áo của Barca. Luis Aragones – một người rất hâm mộ lối chơi của Bernd – lên nắm quyền thay Venables và tìm cách khôi phục lại sự hứng khởi trong Bernd. Dù rằng Bernd đã rất nỗ lực nhưng những gì “số 8” có thể làm được cho Barca chỉ là một chiếc cúp Nhà Vua sau thất bại ở Liga và ở Cúp UEFA (thua Leverkusen). Cuối mùa giải Schuster quyết định sẽ về đầu quân cho Real Madrid – kình địch của Barca – và quên đi “địa ngục Camp Nou” để bắt đầu một chương mới trong sự nghiệp.
Đội tuyển Quốc gia: Tài năng bị lãng quên
Năm 1979 - một năm trước khi Euro diễn ra – tuyển Đức đang trong thời kỳ khủng hoảng khi những ngôi sao lớn tuổi đã không mang lại nhiều hy vọng cho người hâm mộ. Một thế hệ cầu thủ trẻ đã được trình làng ở World Cup 1974 đang sẵn sàng gánh vác trọng trách quốc gia. Cựu ngôi sao Vogts và chuyên gia tìm kiếm tài năng Derwall tiến cử Schuster cho đội tuyển quốc gia. Lúc này Bernd đã 20 tuổi và được trợ lý Loehr miêu tả có “phong thái gợi nhớ Beckenbauer ở vị trí libero”. Cuối cùng Schuster, Mathaeus, Immel và Junghans được đôn lên đội hình A. Trận đấu đầu tiên trong màu áo đội tuyển quốc gia Đức là vào tháng 5 năm 1979 ở Dublin.
Thế hệ tài năng mới của Đức rất được chờ đợi ở giải Vô địch Châu Âu 1980 diễn ra tại Ý. Bernd là một trong những cầu thủ trẻ được huấn luyện viên Derwall lựa chọn để thế chỗ Bonhof bị chấn thương. Bernd được đưa vào sân từ băng ghế dự bị sau khi Derwall nhận thấy Cullmann chơi không tốt trong trận đấu với Hà Lan. Đức đã hạ gục Hà Lan với tỉ số 3-2 trong đó Schuster kiến tạo cả 3 bàn! Đó mới chỉ là điểm khởi đầu, bởi lúc này cả Châu Âu đã biết đến anh. Trận đấu tiếp theo với Hy Lạp, Bernd không được ra sân và thế là Đức hòa 0-0 đầy bế tắc. Trận chung kết với Bỉ, Schuster đã trở lại và ngay lập tức Đức giành chiến thắng với tỉ số 2-1. Đức lên ngôi vô địch với ngôi sao Rummenigge và những bàn thắng của Hrubesch, nhưng Schuster mới là cầu thủ xuất sắc nhất kỳ Euro đó. Tinh tế, mạnh mẽ, nguy hiểm, chín chắn, trẻ trung, tài năng… không biết còn bao nhiêu mỹ từ mà các phóng viên đã dùng để ngợi ca anh sau một kỳ Euro tuyệt vời.
Euro năm đó cũng là lần duy nhất Bernd thi đấu cho đội tuyển Quốc gia tại một giải đấu lớn. Cá tính đặc biệt; những mâu thuẫn với đồng đội cũng như HLV đã khiến anh bỏ lỡ những giải đấu lớn sau này cùng với đội tuyển.
Sự nghiệp của Schuster ở đội tuyển Quốc gia có thể viết thành một cuốn tiểu thuyết ly kỳ. Với nhiều người thì Bernd là cầu thủ xuất sắc nhất của Đức sau thời kỳ Beckenbauer, còn với chính “Hoàng đế” Franz thì Bernd “chỉ đơn giản là một đứa trẻ đồng bóng” mà ông không ưa!
Lần cuối cùng Schuster thi đấu cho đất nước - khi đó là Tây Đức, là trận thắng Bỉ 1-0 tạI Brussels ngày 29-2-1984. Trận giã từ này diễn ra vào cái ngày 4 năm mới có 1 lần (năm nhuận) đã biểu trưng cho sự nghiệp bóng đá không thuận lý của Schuster.
or post as a guest
Be the first to comment.