Tại sao tôi chọn Barça: Nước cộng hòa sản xuất niềm vui

Champions League
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Tôi là người trung lập trong trận CK Champions League ở Roma này, không yêu ai, cũng chẳng ghét ai và vì thế cái tít bài này có thể khiến các CĐV M.U không thích thú cho lắm. Nhưng bài viết này là sự cảm nhận của riêng người viết về cái hay trong góc độ xã hội của Barcelona. Chuyên môn và chiến thuật ư? Xin để dành cho các chuyên gia.

 

Một nhà bình luận bóng đá nổi tiếng của Italia đã viết thế này trong cuốn sách của mình: “Nói Barcelona là một đội bóng cũng không khác gì bảo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) là một hãng vận tải! Barca còn hơn cả một đội bóng”. Sự thật là người Ý gần gũi với người TBN có gốc Latin hơn là người Anh dòng dõi Anglo-Saxon, và cái chất bất cần ngạo nghễ của xứ Catalunya có cái gì đó giống chất phá phách và cục bộ địa phương của người Italia, nhưng sự ưu ái trên là hoàn toàn có cơ sở và những lời khen ngợi kia là chuyện đương nhiên.

Người viết bài này lại nhìn trận CK dưới góc độ ngoài bóng đá: Barcelona-M.U là cuộc đối đầu giữa 2 cách làm bóng đá hoàn toàn khác nhau, nhưng đều có cái đích cuối cùng là chiến thắng. M.U là cỗ máy làm tiền, làm nên danh hiệu và các ngôi sao dựa trên sức mạnh thương mại và truyền thông. Barcelona giống như một khái niệm về một nhà nước dân chủ. Nhưng cái đích cuối cùng của bóng đá mà họ cùng làm là hướng tới chiến thắng bằng cái đẹp.

Nước cộng hòa của dân, do dân và vì dân

Barcelona là gì? Một nước cộng hòa được thành lập do nhân dân. Đội bóng có một chủ tịch, mà không phải cứ có tiền là có thể ngồi lên trên chiếc ghế ấy, không phải tung tiền ra là có quyền lực. Ông ta cần phải chiến thắng trong một cuộc bỏ phiếu mà những người quyết định cuối cùng không phải là các thế lực chính trị hay các tài phiệt mà là các hội viên. Hiệp hội ấy giống như một quốc gia không biên giới, không phân biệt giới tính, giai cấp, màu da hay quan điểm chính trị. Chỉ cần bỏ ra một khoản tiền nhất định là sẽ có thẻ hội viên, và sau đó, người hội viên ấy có trách nhiệm giống như một cử tri, có quyền bỏ phiếu, có thể mua vé vào cửa với giá hạ để vào sân Camp Nou khổng lồ cho mỗi trận đấu sân nhà của Barcelona.
Cái sân khấu với những hàng ghế dài tít tắp lên phía trên ấy là nơi thể hiện tính cách của người Barcelona: họ không bao giờ chịu khuất phục, họ phất những lá cờ Catalunya để tìm mọi cách phân biệt với chính quyền trung ương, họ không có thói quen miệt thị đối thủ. Từ ngữ phê phán kinh khủng nhất mà họ dành cho kẻ thù chỉ là “Gitano” (Đồ Digan). Chỉ vậy thôi, không gì hơn thế. Người ta đâu có đến Camp Nou để thể hiện sự bất mãn với chính trị hay là để trút nỗi ấm ức vì bị vợ mắng lên đầu kẻ thù!
Tác giả và 1 CĐV Barca trước tấm pano quảng cáo cho trận chung kết ở Roma

Barcelona là gì? Nước cộng hòa của nhân dân và người đứng đầu quân đội của nhà nước ấy, vị tổng tư lệnh Guardiola, cũng xuất thân từ nhân dân mà ra. Chính sách của Barca là lọc ra từ lò đào tạo trẻ La Masia những chú nhóc hay nhất để rồi sau đó biến chúng thành những nhà vô địch. 6 trong số 11 cầu thủ xuất phát của Barca được sinh ra từ trại trẻ đó, từ thủ môn Valdez, hậu vệ Puyol và Pique, các tiền vệ Iniesta và Xavi cùng với Messi, cầu thủ nhập cư sang TBN từ tấm bé và cũng được thừa hưởng tất cả những quyền dân chủ như những người khác (nghĩa là đem đến cho công chúng những niềm vui sướng bất tận).
Một chú bé đến Camp Nou cùng bố hoàn toàn có thể mơ một ngày nào đó được bay nhảy trên sân như họ và bố của chú sẽ giải thích cho cậu theo kiểu Barca giống như một nhà máy, không sản xuất gì khác ngoài những giấc mơ. Khái niệm ấy không khác so sánh Barcelona với một thế giới không tưởng (utopia) không bao giờ tồn tại trong đời thực. Nhưng với Barcelona, giấc mơ ấy tồn tại và hiện thực. Trên đất Ý đang cằn cỗi vì khủng hoảng tài chính và thiếu vắng nhân tài, cùng với những thất bại trên sân cỏ, người ta cũng mang trong mình những giấc mơ Barca.

Theo bước chân Guardiola

Giấc mơ ấy của người Ý còn có tên Guardiola, người trong nay mai sẽ tạo ra cả một xu hướng trong calcio thiếu vắng sức trẻ và sự quả cảm. Guardiola mang đến cảm hứng và kích thích sự vươn lên. Alex Ferguson thì khác. Ông gợi lên sự kính trọng và nể phục. Nhưng ông quá to lớn, về bề dầy kinh nghiệm, tuổi tác, cả đống danh hiệu. Không ai có thể bắt chước ông. Nhưng Guardiola thì có thể. Anh là ai? Người đi lên từ La Masia, đã giành mọi danh hiệu ở Nou Camp, trước khi di cư khắp nơi, đã từng chơi ở Brescia (Ý) cũng như Qatar (“Đồ di gan”) và sau đó giải nghệ chấn thương và vì trót dại sử dụng quá nhiều nandrolone (một chất kích thích bị cấm) khi còn đá ở Italia. Kinh nghiệm làm HLV của anh ra sao? Chẳng gì hết, ngoài một năm với đội Barca B. Thế nhưng người ta vẫn giao đội bóng cho anh, người không vật nài Ronaldinho ở lại, không khóc lóc vì Deco ra đi, hay vặn vẹo chân tay trước chủ tịch Laporta để đòi bỏ ra vài chục triệu euro mua sắm cầu thủ mới. Anh tin tưởng hoàn toàn vào đội ngũ trẻ trung, cho phép họ làm những gì họ muốn trên sân cỏ, còn trên khán đài, các khán giả tha hồ hát “Ole”.

Cái anh chàng Guardiola ấy đã bắt đầu sự nghiệp và bắt đầu các trận đấu lớn ra sao? Rất tệ, nhưng mọi công trình vĩ đại hầu như đều được bắt đầu từ những sai lầm. Một bàn thua nhận chìm họ trong ngày mở đầu Liga với Numancia. Rồi một bàn nữa trên sân Bernabeu. Và ở lượt về BK Champions League, suốt 90 phút trước Chelsea ở Stamford Bridge, họ bị đối phương dẫn 1 bàn. Lúc ấy, Guardiola làm gì? Không gì hết, ngoài việc nói với các học trò mà một số người anh chỉ hơn vài tuổi, rằng hãy cứ tiếp tục như thế, bóng trong chân, di chuyển, giữ tốc độ và khoảng cách, và cuối cùng, kiểu gì cũng đưa bóng cho Messi. Anh không hò hét, quát mắng và động tác duy nhất là đứng dậy trong 10 phút cuối, khi nguy cơ bị loại đã rõ rệt, trong khi ở phía bên kia, Hiddink, vị HLV lang bạt khắp 3 châu lục (“Đồ Digan”) đang khoan khoái chờ đợi thắng lợi. Thế rồi, Messi. Thế rồi Iniesta cho cú sút gần như duy nhất trong cả trận. Thế rồi, bây giờ Barca-M.U. Và Guardiola-Ferguson. Tại Roma.

Vĩ thanh

Tất cả những đứa trẻ đang lớn lên đều nhìn thấy trong đôi chân của Ronaldo và Messi những động tác đầy ma thuật, thấy trong trận CK ấy chất Latin rực lửa Nam Âu kết hợp với sự thận trọng và tinh quái của một con cáo già trước một kẻ mới lần đầu trên đỉnh cao. Nước cộng hòa TBN đối đầu với đế chế Anh. 90 phút hoặc hơn thế nữa sẽ đầy hấp dẫn trên một đấu trường mà những võ sĩ giác đấu không mang giáp mà mặc quần đùi. Viva football (bóng đá muôn năm!)
 
Anh Ngọc
Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.