'Barça' đã đánh bại Barça

Champions League
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Trận đấu đã trôi qua được gần 2 ngày. Kết quả cuối cùng cũng đã được ấn định. Nhưng với tôi, nỗi buồn và sự day dứt dường như vẫn lẩn khuất quanh đây mà không có cách nào có thể chối bỏ được. Trước trận đấu, mọi thông tin khách quan lẫn chủ quan dù có khác nhau nhưng đều cùng hội tụ tại một điểm. Nếu Barça không thắng thì một trận hòa sẽ là một kết quả tất yếu. Có lẽ sẽ chỉ có những fan Arsenal yêu đời nhất mới có thể nghĩ ra được điều ngược lại.

“Không ai tắm 2 lần ở một dòng sông”. Vẫn là trận đấu đó: Arsenal – Barça như một năm về trước, và xa hơn nữa là trận chung kết giữa một Barça – DreamTeam đệ nhị và Arsenal vào năm 2006. Vẫn là SVĐ đó: Wembley (giờ là Emirates). Nhưng nay kết quả đã khác, bảng tỉ số tái hiện khoảnh khắc lịch sử đánh dấu chiếc cúp CL thứ 2 trong lịch sử CLB: 2 – 1. Có điều kẻ thắng lần này không phải là Barça. Đó vẫn là một trận đấu hay, nếu không muốn nói là rất đẹp mắt và đầy tính cống hiến như nhiều người ca ngợi. Nhưng với một Cule như tôi, Barça đã đánh mất chính mình. Hay nói cách khác, Arsenal, trong một đêm Emirates huyền diệu, họ đã chơi với một tinh thần còn “Catalan” hơn cả gã khổng lồ được sinh ra từ vùng đất Catalan thực sự.


Đón nhận một thất bại của CLB mình yêu quí không bao giờ là một điều dễ dàng với mỗi người hâm mộ trái bóng tròn. Đặc biệt là khi CLB đó đang trong một kỉ nguyên được coi là thành công nhất trong lịch sử hơn 100 năm thành lập và phát triển của mình. Có lẽ đó cũng là lí do làm cho những Cule như chúng ta trong những ngày vừa qua luôn sống trong một tâm trạng bứt rứt khó chịu. Nhưng đây không phải là lần đầu tiên DreamTeam đệ tam gặp thất bại dưới triều đại của Pep. Nó cũng chẳng phải là thất bại đầu tiên trong mùa giải này của Barça. Có lẽ điều làm cho thất bại này trở nên sâu sắc như vậy là bởi vì trong thâm tâm của nhiều người trong chúng ta, ít nhiều cái tên “Những đứa trẻ nhà Wenger” đã trở thành một phần của Arsenal cũng như slogan “Mes que un Club” đã quá nổi tiếng của Barça.

Người ta đã gọi Arsenal bằng cái tên đó từ bao giờ tôi không biết. Điều tôi hiểu là họ muốn ám chỉ đến bản lĩnh và kinh nghiệm thi đấu của các chàng trai pháo thủ. Những cầu thủ có thể chơi thăng hoa trong vài trận đấu với một lối đá rất kĩ thuật và đẹp mắt. Nhưng cũng chính những cầu thủ đó lại trở thành những “đứa trẻ” khờ dại trong những trận đấu lớn, những khoảnh khắc cần đến bản lĩnh và kinh nghiệm của mỗi cầu thủ. Bản lĩnh để có thể chịu đựng sức ép trong những trận đấu lớn. Kinh nghiệm để tỏa sáng trong những phút giây quyết định.

Cả 2 yếu tố đó, trong trận đấu này Arsenal đều đã thể hiện được. Bản lĩnh thể hiện ở sự thi đấu ấn tượng của các cầu thủ Jack Wilshere, Nasri, Koscielny hay ít nhiều là Theo Walcott. Còn kinh nghiệm ư? Không phải nó đã quá rõ ràng trong 2 bàn thắng của Van Persie và Arshavin rồi hay sao?

Phải, Barça đã thất bại và chúng ta cảm thấy rất khó chịu. Nhưng đó là vì những lí do tự bản thân chúng ta chứ không phải là vì những nỗ lực tuyệt vời của Arsenal. Đội bạn đã chơi một trận đấu có thể nói là hay nhất trong các mùa giải gần đây ở đấu trường CL. Barça vẫn là một đội bóng nắm quyền kiểm soát phần lớn thời gian trận đấu. Nhưng người làm chủ được các khoảnh khắc quyết định lại chính là Arsenal.

Bất kì đội bóng nào dù là tầm thường nhất đều có thể chơi cực hay trong một vài trận đấu của mùa giải. Nhưng đối với những đội bóng lớn, những nhà vô địch thực thụ, điều đó phải là một thói quen. Hay nói cách khác đó chính là sự ổn định. Ngay trước trận đấu với Arsenal, Barça vừa tạo ra và cũng vừa kết thúc một kỉ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử La Liga. Chúng ta đã giành 16 trận thắng liên tiếp, một con số cực kì ấn tượng trong bóng đá hiện đại. Và đó chính là định nghĩa hay nhất về sự ổn định của một đội bóng.

Tôi không có thói quen rút ra những nhận định về một CLB dựa vào những suy đoán chủ quan. Những con số thống kê chính là món ưa thích của tôi. Dù còn rất nhiều yếu tố khác hiện diện trong bóng đá, vô hình cũng như hữu hình. Nhưng những con số thống kê khô khan vẫn là một trong những phương cách đáng tin cậy nhất để đánh giá sự thăng tiến của một CLB. Nếu xét về phương diện này, Barça của năm nay rõ ràng là vừa tiến bộ và vừa không tiến bộ. Tiến bộ thể hiện qua con số bàn thắng, những kỉ lục, đặc biệt là sự ổn định như được đề cập ở trên. Tuy nhiên có một vấn đề đã tồn tại trong 3 mùa giải liên tiếp dưới sự huấn luyện của Pep Guardiola. Đó là một hội chứng mà tôi đặt tên là “Nỗi buồn tháng 2” và nỗi buồn đó không có dấu hiệu dừng lại trong mùa giải này. Ngoài ra trên bảng những vấn đề cần khắc phục của Barça còn có một thành tích không lấy gì làm tốt đẹp của một đội bóng lấy tấn công làm tôn chỉ: chúng ta đã trải qua 3 mùa giải liên tiếp không biết đến mùi chiến thắng trong các trận đấu lượt đi (vòng đấu loại trực tiếp) trên các sân cỏ Châu Âu. Thay vào đó là 5 trận hòa và 2 thất bại.

Tuy vậy, tôi cũng hiểu một điều là khi bạn đã đạt tới một đẳng cấp gần như hoàn hảo. Việc tiến những bước cuối cùng để với lấy danh hiệu hoàn hảo kia là việc khó khăn gấp trăm ngàn lần những tiến bộ trước đó nếu không muốn nói là không thể. Tôi không có ý nghi ngờ năng lực của Pep, người gần như sẽ là HLV vĩ đại nhất trong lịch sử Blaugrana. Nhưng như người ta vẫn thường nói “nhân vô thập toàn” huống chi là một đội bóng “khổng lồ” như Barça. Việc đó đối với Pep hay bất kì HLV bóng đá nào khác có thể là điều không thể, nhưng tôi cho rằng trong bản thân cái điều không thể đó vẫn còn có rất nhiều những điều có thể. Tôi không muốn chỉ trích Pep và tôi cũng còn chưa có nổi một tấm thẻ thành viên của CLB nói gì đến việc biết được nội tình đội bóng. Nhưng có những điều chúng ta có thể quan sát được đặc biệt là khi nó cứ tái đi tái lại nhiều lần. Đó chính là các quyết định thay người và việc sử dụng cầu thủ. Đến bây giờ tôi vẫn không thể hiểu được tại sao Pep lại thay Villa – tiền đạo nguy hiểm của chúng ta bằng Keita – một tiền vệ thủ hay hơn công, trong một thế trận mà chúng ta đang cần thêm bàn thắng để bảo toàn một kết quả có lợi trước trận lượt về. Hãy nhìn vào bảng thời gian diễn tiến và chúng ta có thể dễ dàng nhận ra bước ngoặt trận đấu đã xảy ra vào lúc nào.


Đó là những gì xảy ra ở phút thứ 68 và 69. Việc Villa ra – Keita vào bên phía Barça và Alexandre Song ra – Arshavin vào bên phía Arsenal đã đảo ngược thế trận. Hay nói một cách khác, lúc này Barça và Arsenal đã đổi vai trò cho nhau. Barça đã trở thành một “Arsenal chơi phòng thủ” và Arsenal đã trở thành một “Barça trong tấn công”. Chúng ta phòng thủ vụng về và lóng ngóng như những “cậu bé” trong khi họ lại chơi tấn công dồn ép với tất cả nhiệt huyết như những chiến binh Catalan đích thực. Kết quả cuối cùng là một sự đền đáp xứng đáng. Đừng vội đổ lỗi cho những nguyên nhân khác. Chúng ta đã thua vì không còn là chính mình. Đây là một trận đấu loại trực tiếp ở đấu trường Châu Âu chứ không phải quốc nội. Trong những trận đấu như thế này, bỏ qua cơ hội cũng đã có thể phải trả giá chứ chưa nói gì đến việc phạm sai lầm (phần lớn những cầu thủ trụ cột của Barça đã chơi dưới sức mình). Đã có những thời khắc Barça có thể quyết định số phận trận đấu nhưng chúng ta đã không làm được. Vậy là chúng ta thất bại, đơn giản chỉ là thế.

Chúng ta đã thua “Barça”. Nhưng Arsenal đã không dùng Tiki – Taka. Họ dùng cái khác, đó chính là gây pressing toàn sân và giữ bóng thông minh, những nguyên tắc chính của Tiki-Taka đích thực. Cộng với chút đặc trưng của bóng đá Anh – những pha phản công thần tốc. Phần còn lại đã trở thành nỗi ám ảnh của chúng ta. Rõ ràng Pep đã nói đúng. Khi không có bóng, Barça chỉ là một đội bóng tầm thường.

Nhưng cuộc chơi vẫn chưa kết thúc. Ba tuần nữa cả 2 sẽ lại gặp mặt. Lúc này các chàng trai Arsenal sẽ phải rời xa mái nhà Emirates. Còn gã khổng lồ Barça sẽ trở về đất mẹ Camp Nou, nơi đã chôn vùi không biết bao nhiêu kẻ thù lớn bé. Trận đấu đó Pique sẽ bị treo giò và với sự trở lại của Puyol (dự kiến), có thể Barça sẽ ra sân bằng một đội hình có mặt cả 2 tân binh Mascherano và Adriano. Và đó sẽ không phải là một tin vui với Arsenal, Mascherano không lạ gì với họ còn Adriano dù ít dù nhiều cũng có tốc độ hơn Maxwell. Tôi cho rằng nếu Pep thay Villa bằng Mascherano kết quả trận đấu trên sân Emirates có lẽ đã khác. Là một fan của EPL không ai không biết Mascherano chính là một “con quỷ trung tuyến” ở giải đấu này. Lối đeo bám dai dẳng và rất khó chịu của anh sẽ là thứ khiến các cầu thủ của Arsenal phải chùn bước. Những thứ đó cộng với quyết tâm chứng tỏ mình sẽ khiến cho Mascherano trở nên cực kì đáng sợ. Không biết có phải chủ quan hay không nhưng tôi cho rằng thành bại của trận lượt về sẽ phụ thuộc ít nhiều vào anh ấy.

Đó sẽ chỉ là những dự đoán cũng như là hi vọng của tôi, không có gì chắc chắn là một HLV nổi tiếng với những quyết định bất ngờ như Pep cũng sẽ suy nghĩ như vậy. Nhưng có một điều tôi dám chắc, đó sẽ không phải là một trận đấu dễ dàng như mọi người tưởng. Tạm thời gạt qua một bên tình hình nhân sự, cũng như sự tiến bộ của từng cầu thủ mùa giải năm nay so với năm ngoái vì những yếu tố đó rất khó có thể đoán định được. Vẫn còn có ít nhất là 3 nguyên nhân nữa khiến tôi tin rằng đây sẽ không phải là một trận đấu dễ dàng cho Barça. Thứ nhất là sau khi đã “nếm mật nằm gai” gần một năm sau thất bại thảm hại trước Barça năm trước, hẳn Giáo sư cũng đã ít nhiều rút ra được những bài học cho riêng mình. Thứ 2 là tình thế năm nay sẽ buộc Arsenal phải chăm lo phòng thủ nhiều hơn là năm ngoái, khi họ bắt buộc phải tràn lên để ghi bàn thắng trên sân khách nếu muốn đi tiếp. Còn thứ 3? Hãy nhìn vào lịch thi đấu của 2 đội từ đây đến lúc đó thì sẽ rõ.

Lịch thi đấu của Barça trước trận lượt về:
Barcelona - Athletic Bilbao 2/20/11 8:00 PM GMT >> nghỉ 3 ngày
Mallorca - Barcelona 2/27/11 12:00 AM GMT >> nghỉ 6 ngày
Valencia - Barcelona 3/2/11 12:00 AM GMT >> nghỉ 2 ngày
Barcelona - Zaragoza 3/6/11 12:00 AM GMT >> nghỉ 3 ngày
Barcelona - Arsenal 3/8/11 7:45 PM GMT >> nghỉ 1 ngày


Còn đây là của Arsenal:
Leyton Orient - Arsenal 2/20/11 4:30 PM GMT >> nghỉ 3 ngày
Arsenal - Birmingham 2/27/11 4:00 PM GMT >> nghỉ 6 ngày
Arsenal - Sunderland 3/5/11 3:00 PM GMT >> nghỉ 5 ngày
Barcelona - Arsenal 3/8/11 7:45 PM GMT >> nghỉ 2 ngày


Ba lí do trên cùng với hằng hà sa số những lí do khác: “tinh thần”, “khát vọng”, “trưởng thành”… tất cả đều có cùng đáp số là một trận đấu khó khăn cho Barça nếu muốn chứng tỏ mình. Nhưng rất may là chúng ta không cần phải chứng tỏ điều gì cả (điều hiển nhiên), hoặc nếu có thì chỉ cần một thứ, đó chính là “Ens hi deixarem la pell” – tinh thần thi đấu đến chết mà Barça đã thể hiện trước Inter năm ngoái. Phần còn lại chúng ta chỉ cần là chính mình. Barça chỉ cần là “Barça” và chúng ta sẽ toàn quyền định đoạt số phận của mình. Không có gì phải lo sợ, không có gì phải lo âu. Vinh quang không bao giờ là điều dễ dàng. Chính trong lúc gặp khó khăn và bị nghi ngờ nhiều nhất, chúng ta càng phải mạnh mẽ nhất.


Viết đến đây những hình ảnh hào hùng và những khoảnh khắc không thể nào quên trên con đường chinh phục cú ăn sáu lại hiện về trong tôi. Đã không còn tâm trạng bứt rứt và sự lo lắng khi tôi đặt bút viết bài này. Thay vào đó là một sự tự tin, một tâm trạng nhẹ nhàng và bình thản. Có lẽ đây chính là lúc mà tôi có thể hiểu được những phát biểu của Pep và các cầu thủ Barça ngay sau khi trận đấu với Arsenal kết thúc. Tuy không cùng một cách, nhưng họ đều nhắn gửi tới Arsenal một thông điệp: “Tạm biệt London, chúc mừng và hẹn gặp lại các bạn ở Camp Nou. Chúng tôi đã sẵn sàng.”

 pddk1987 (FCBVN)

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.