Từ Menotti, Bielsa đến Messi: Vì sao Rosario là thành phố bóng đá?

Bình luận
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Nằm cách thủ đô Buenos Aires 300 km và bất chấp thực trạng tiêu cực, Rosario – thủ phủ của tỉnh Santa Fe – xứng đáng là hòn ngọc của Argentina vì sản sinh ra nhiều tượng đài bóng đá thế giới.

Có những vùng trên thế giới, bất kể xuất phát từ nguyên nhân là những sự khác biệt về địa lý, khí hậu, sinh học - vật lý, văn hóa ẩm thực, văn hóa thể thao hay truyền thống lao động, đã trở thành những mảnh đất sản sinh ra các nhà vô địch.

Đôi lúc, sự hình thành ấy trông có vẻ tự nhiên. Chẳng hạn như Thung lũng tách giãn Lớn (Great Rift Valley) thuộc Đới tách giãn Đông Phi (East African Rift) là quê hương của hàng loạt những VĐV marathon xuất sắc thế giới. Có khi, sự hình thành này lại trở thành một thách thức với các nhà thống kê trong công cuộc đi tìm căn nguyên của vấn đề. Chẳng hạn như tỉnh có diện tích nhỏ nhất Tây Ban Nha, Gipuzkoa (thuộc xứ tự trị Basque), là nơi có tới bốn vị HLV trưởng dẫn dắt các đội bóng ở giải Ngoại hạng Anh từ mùa giải 2023-2024, gồm Mikel Arteta (Arsenal), Unai Emery (Aston Villa), Julen Lopetegui (Wolverhampton) và Andoni Iraola (Bournemouth).

Cũng riêng xứ Basque là mảnh đất quy tụ nhiều HLV nhất làm việc ở năm giải đấu hàng đầu châu Âu mùa trước, trong đó có Xabi Alonso (Bayer Leverkusen) và Jose Luis Mendilibar (Sevilla – đương kim vô địch Europa League). Thậm chí, xứ Basque nếu tính luôn cả lãnh thổ ở Pháp, còn là quê hương của Didier Deschamps.

Bên ngoài trường tiểu học General Las Heras - nơi Messi từng theo học ở thành phố Rosario, Argentina. Ảnh: AP
Bên ngoài trường tiểu học General Las Heras - nơi Messi từng theo học ở thành phố Rosario, Argentina. Ảnh: AP

Còn Rosario là quê hương của Lionel Messi. Điều này dân sành sỏi bóng đá hẳn đã biết. Và World Cup 2022 cuối năm ngoái trở thành một dịp để cái tên Rosario tái xuất trên bản đồ bóng đá thế giới.

Rosario, thủ phủ của tỉnh Santa Fe, thường được biết đến với tên gọi "cái nôi của quốc kỳ Argentina". Lý do là vào năm 1812, lá quốc kỳ tồn tại đến ngày nay của đất nước vũ điệu tango được kéo lên lần đầu tại đây. Song, nơi này cũng nên được coi là thánh địa của giới cầu thủ và HLV. Một Shangri-La của trái bóng tròn.

Sáu tháng trước, Argentina vô địch World Cup trên đất Qatar nhờ vào ba bàn trong trận chung kết trước Pháp từ "những đứa con Rosario": hai bàn từ Lionel Messi và một bàn từ Angel Di Maria. Messi trưởng thành từ Newell’s Old Boys, còn Di Maria lớn lên từ Rosario Central. Hai CLB này kình địch nhau, nhưng luôn là những ngọn cờ đầu của Rosario, thách thức sự thống trị mang tính truyền thống của nền bóng đá Buenos Aires - nơi vốn dĩ nổi danh với "ngũ hổ" gồm River Plate, Boca Juniors, Independiente, Racing Club và San Lorenzo.

"Từ Di Maria đến Messi, từ Bajada đến Perdriel, luôn là Rosario, thành phố của bóng đá!" Không phải một người Argentina, nhưng bình luận viên người Italy là Daniele Adani đã thốt lên như thế trên đài RAI khi bình luận về bàn thắng của Argentina trước Mexico ở World Cup 2022, ám chỉ những khu phố của Rosario, nơi Messi và Di Maria lớn lên.

Nằm cách thủ đô Buenos Aires gần 300 km về phía bắc, Rosario – vùng đô thị lớn thứ ba đất nước Argentina với khoảng 1,3 triệu dân – có nhiều cầu thủ từng vô địch thế giới nhất. Theo tờ El Pais (Tây Ban Nha), nơi đây là quê hương của 69 cầu thủ từng thuộc hàng ngũ các lứa đội tuyển Argentina vô địch World Cup vào các năm 1978, 1986 và 2022.

Không dừng lại ở truyền thống ấy, Julio Libonatti của Newell’s Old Boys vào năm 1925 còn trở thành cầu thủ người Argentina đầu tiên được bán sang châu Âu. Và truyền thống ấy còn được nhân rộng sang cả giới cầm quân: Cesar Luis Menotti – nhà vô địch World Cup 1978, hay Marcelo Bielsa – "thầy của các thầy" và hiện dẫn dắt tuyển Uruguay – cũng tự hào là người con của Rosario.

Bản danh sách ấy dài kinh ngạc, nếu mở rộng địa bàn, tính luôn cả vùng nội đô và ngoại ô của Rosario, vốn được gọi là Gran Rosario (Đại Rosario). Những gương mặt quen thuộc với giới mộ điệu xưa và nay, như Santiago Solari, Javier Mascherano, Giovani Lo Celso, Maximiliano Rodriguez hay nhà vô địch World Cup 2022 là Angel Correa, tất cả từng khoác áo Albiceleste và chơi bóng đỉnh cao ở châu Âu.

Từ năm 2015, tuyển Argentina được dẫn dắt độc quyền bởi các HLV đến từ Rosario hoặc rộng hơn là thuộc tỉnh Santa Fe: Gerardo Martino, Edgardo Bauza, Jorge Sampaoli cho đến Lionel Scaloni.

Người Argentina đương nhiên ý thức được niềm tự hào mang tên Rosario. Tại Buenos Aires tuần trước, một bộ phim tài liệu về bóng đá Rosario đã được ra mắt. Với tựa đề "Pelotero del mundo" (tạm dịch "Cầu thủ của thế giới"), hai đạo diễn Damian Finvarb và Ariel Borenstein đã ghi lại quá trình trưởng thành của nhiều cầu thủ trẻ lớn lên ở Rosario.

Messi (giữa), Angel di Maria (phải) thi đấu trong trận tri ân Maxi Rodríguez (trái) tại Rosario hồi cuối tháng 6/2023. Ảnh: EFE
Messi (giữa), Angel di Maria (phải) thi đấu trong trận tri ân Maxi Rodríguez (trái) tại Rosario hồi cuối tháng 6/2023. Ảnh: EFE

Vì sao Rosario là mảnh đất bóng đá trù phú? Jorge Griffa từng là một cầu thủ khoác áo Newell’s Old Boys trước khi sang Tây Ban Nha chơi bóng cho Atletico Madrid và Espanyol. Đến khi giải nghệ, ông quyết định hồi hương và tham gia công tác đào tạo trẻ ở quê nhà.

Jorge Solari cũng là một cầu thủ khởi đầu ở Newell’s trước khi chinh chiến cho nhiều CLB khác ở Argentina. Khi treo giày, ông cũng về làm huấn luyện ở Rosario.

Jorge Griffa của những năm 80 và Jorge Solari của những năm 90 trở thành những người thầy được sùng bái và kính trọng ở Argentina. Hàng trăm cậu bé từ khắp các vùng trên đất nước Argentina đều đến Rosario để theo học bóng đá, để được Griffa và Solari dạy bảo.

"Nhà hiền triết" Luis Aragones của Tây Ban Nha từng nói "Griffa đã dạy tôi cách chiến thắng". Nhưng với nền bóng đá Argentina, Griffa còn có công dạy nhiều thế hệ cầu thủ của đất nước này cách chơi bóng. Ông từng là thầy của những tên tuổi gồm Gabriel Batistuta, Jorge Valdano, Maxi Rodriguez, Abel Balbo, Americo Gallego, Gabriel Heinze, Gerardo Martino, Marcelo Bielsa, Mauricio Pochettino, Eduardo Berizzo hay Lionel Scaloni...

Có được những người thầy giỏi là một chuyện, cơ hội giao lưu và chơi bóng đóng vai trò then chốt đối với sự trưởng thành của những cầu thủ trẻ. Ở đây, chúng ta đang nói về quy mô và cả tầm vóc của nền bóng đá Rosario.

Tại Argentina, Liên đoàn Bóng đá Argentina (AFA) chỉ công nhận đúng một chi nhánh duy nhất và đó là Liên đoàn Bóng đá của thành phố Rosario, có tên Federación Rosarina. Federación Rosarina vốn dĩ được thành lập từ tận năm 1913, sau khi tách khỏi một liên đoàn khác lâu đời hơn cũng của Rosario là Liga Rosarina de Fútbol (ra đời từ năm 1905).

Tờ El Pais liệt kê, nếu chỉ tính các hạng đấu cấp thấp của Federación Rosarina – các giải đấu dành cho nam, nữ và futsal – đã có tới 92 CLB trực thuộc, quy tụ 985 đội bóng và khoảng 37.000 cầu thủ ở Rosario. Đấy là chưa kể nhiều đội bóng nhỏ lẻ nằm ngoài sơ đồ tổ chức chính thức, ví dụ như Grandoli – một đội bóng cấp "khu phố" – nơi Messi từng chơi trước khi chuyển đến lò đào tạo của Newell’s.

Chơi bóng gần như là nhịp sống thường nhật của những đứa trẻ ở Rosario, bởi riêng thành phố này thôi đã tổ chức đến tám giải đấu khác nhau và đồng thời hàng năm dành cho các lứa trẻ. Một số giải đấu mang tính thân thiện, một số khác cạnh tranh hơn.

Trẻ em trên một sân bóng ở Rosario. Ảnh: AFP
Trẻ em trên một sân bóng ở Rosario. Ảnh: AFP

Ký giả Nicolas Galliari, tác giả của quyển sách mang tên "Rosario: Cái nôi của những ngôi sao – Vì sao những tài năng của bóng đá Argentina lại tập trung ở thành phố này?", đã nêu bật ba nguyên nhân tạo nên hiện tượng đó.

"Thứ nhất là tính cạnh tranh mà những cầu thủ đã làm quen từ khi mới lên 4 tuổi, khi có hàng trăm CLB bóng đá khác nhau trong thành phố", ông viết. "Tiếp đến, từ thập niên 60 trở đi, Rosario luôn có những người thầy giỏi, như Jorge Griffa, Marcelo Bielsa, Jorge Solari, Miguel Ignomiriello, Carlos Timoteo Griguol hay Angel Tulio Zoff. Và thứ ba, bóng đá là một lĩnh vực được chú trọng của cả đất nước, những đứa trẻ theo học bóng đá đều được đào tạo bài bản và được nuôi dưỡng đàng hoàng; bản thân các CLB cũng có một nền tảng trong khâu đào tạo. Tất cả những điều này cứ tiếp thêm đam mê và tình yêu dành cho bóng đá, giúp nó được nuôi sống ở Rosario".

Từ những năm 80, Rosario đã tự mình thay đổi cách phát hiện những nhân tài trong bóng đá. CLB Renato Cesarini – được đặt theo tên của một cố cầu thủ người Italy – nơi làm nên những Javier Mascherano, Martin Demichelis hay Augusto Solari, là một điển hình. Với khuôn viên có 56 sân và 700 cậu bé từ 4 tuổi trở lên theo học, Renato Cesarini được lập ra chỉ để đào tạo cầu thủ. Thay vì đợi những cậu bé tìm tới và thi sát hạch đầu vào, CLB bắt đầu đi khắp nơi để tìm kiếm những tài năng địa phương triển vọng.

Chính phương pháp đó đã được Marcelo Bielsa tiếp thu và hoàn thiện cho Newell’s Old Boys vào đầu những năm 1990. Câu chuyện về việc "El Loco" đi ô tô hàng nghìn cây số khắp đất nước Argentina để tìm kiếm các thần tượng bóng đá tương lai là có thật. Ngày nay, những ông lớn như River Plate hay Boca Juniors cùng phần còn lại vẫn làm vậy.

Tháng 8 năm 2022, trong một cuộc phỏng vấn với tờ El Pais, Jorge Griffa từng thuật lại: "Tôi thật sự không thể nhớ nổi mình đã đào tạo nên bao nhiêu cầu thủ. Quy mô đào tạo của Newell’s lớn dần nhờ vào việc CLB chủ động tìm kiếm cầu thủ, thay vì chờ đợi họ đến với mình. Chúng tôi lùng sục khắp các vùng nội địa đất nước, chọn những cầu thủ có sự cố gắng, hy sinh và chăm chỉ ở mỗi tỉnh thành."

"Tôi và Bielsa từng thực hiện một vài chuyến đi cùng nhau, khi ông ấy còn làm bóng đá ở các giải trẻ. Cùng với nhau, chúng tôi phát hiện ra Mauricio Pochettino ở giải vô địch thị trấn Murphy, phía nam Santa Fe. Chúng tôi thích Mauricio và đến tận nhà cậu ấy để mang về. Tôi không nhớ lắm, lúc đấy tầm khoảng 2h sáng hay nửa đêm gì đấy. Nhà cậu ấy không có chuông và chúng tôi phải gõ cửa. Cha của Mauricio nói rằng con trai ông ấy đã chọn đến một CLB khác, là Rosario Central. Chúng tôi mới hỏi ‘Thế ông đã ký hợp đồng chưa?’ và ông ấy đáp ‘Chưa’. Rồi chúng tôi tìm cách thuyết phục: ‘Cứ cho cậu bé đến chơi một giải đấu cùng Newell’s, chơi xong rồi quyết định ở lại hay sang Central đều được’. Ông ấy đồng ý và Pochettino cuối cùng vô địch giải đấu đó cùng chúng tôi. Đến khi về nhà, cậu ấy nói rằng muốn ở lại Newell’s."

Bielsa (phải) được mệnh danh là thầy của những bậc thầy của bóng đá đương đại, dù không giành được nhiều danh hiệu. Ảnh: AFP
Bielsa (phải) được mệnh danh là "thầy của những bậc thầy" của bóng đá đương đại, dù không giành được nhiều danh hiệu. Ảnh: AFP

Ở một khía cạnh khác, Rosario còn là một "người" kể chuyện bóng đá giỏi nhất, theo đúng nghĩa đen. Roberto Fontanarrosa sinh ra ở Rosario. Bình sinh, ông là họa sĩ truyện tranh và viết truyện bóng đá kỳ tài của Argentina. Nhân vật huyền thoại trong các tác phẩm của Roberto là Tomas Felipe ‘El Trinche’ Carlovich, người gần như dành toàn bộ sự nghiệp bóng đá ở CLB Central Cordoba của Rosario và thuộc giải hạng tư của Argentina. Năm 2020, ông qua đời sau khi bị hành hung bởi kẻ trộm chiếc xe đạp. ‘El Trinche’ luôn được xem là cầu thủ vô danh xuất sắc thế giới.

HLV huyền thoại Cesar Luis Menotti của Argentina vào năm 2017 từng đúc kết trên tờ Tiempo Argentino rằng: "Bóng đá ở Rosario là một thực thể văn hóa không thể tưởng tượng nổi. Luôn có một niềm đam mê bất tận và khó dứt đối với trái bóng. Ở Buenos Aires, bóng đá không khép kín và gần gũi như ở Rosario. Vì thế, cách thức giao tiếp với bóng đá ở thủ đô cũng khác. Ở Rosario, bóng đá trở thành một cuộc tranh luận hàng ngày. Ngoài ra, chúng tôi ở đây chơi bóng giỏi hơn, vì người Anh không đến Rosario và đặt nền móng bóng đá, thay vào đó là người Scotland và họ thì chơi thứ bóng đá chuyền bóng nhiều hơn người Anh."

Kết luận của Menotti lại là một câu chuyện lịch sử khác. Sử gia bóng đá người Scotland gốc Mỹ Latin, Ian Campbell Whittle từng kể lại trên BCC vào năm 2014 về sự ra đời của CLB bóng đá đầu tiên ở Rosario, chính là Rosario Central. Theo đó, người Anh thực tế có đặt chân đến Rosario, nhưng họ không đặt nên nền móng đầu tiên cho nền bóng đá của thành phố này.

Từ những năm 1860 đến 1890, Rosario trải qua hai làn sóng xây dựng đường sắt, đầu tiên là nối thành phố đến vùng nội địa gần như bỏ không của Argentina, và thứ hai là kết nối đến Buenos Aires. Những người đã thực hiện công cuộc đó là các kỹ sư và thợ máy người Anh. Nhu cầu giải trí và rèn luyện sức khỏe của những người Anh này là tiền đề cho sự ra đời của CLB thể thao Rosario Athletic. Song, Rosario Athletic chỉ chủ yếu chơi cricket và bóng bầu dục.

Một số người thợ khác lại muốn chơi bóng đá, vốn bấy giờ đang dần trở thành trào lưu ở khắp nước Anh. Kỳ Giáng sinh năm 1889, những người Anh mê bóng đá này tổ chức một cuộc gặp tại một quán bar ở phía bắc Rosario. Cuộc gặp đó là để quyết định xem liệu CLB chuẩn bị được khai sinh nên tập trung vào bóng đá hay cricket. Người mang đến tiếng nói lớn nhất kêu gọi các thành viên lựa chọn bóng đá là Colin Bain Calder, một người Scotland. Thế là CLB bóng đá đầu tiên của thành phố được ra đời, mang tên Central Argentine Railway Athletic Club, tức tiền thân của Rosario Central ngày nay.

Đó là hạt giống cho bóng đá đâm chồi ở Rosario. Để đến đầu những năm 1900, Newell’s Old Boys – CLB khởi đầu của Messi – cũng được thành lập. Và vào năm 1905, như đã nói, Liên đoàn Bóng đá Rosario (Liga Rosarina de Fútbol) cũng hình thành.

Nếu tìm đến cẩm nang du lịch Tripadvisor, có một chủ đề về thành phố Rosario từng được nhắc tới, đó là "Vì sao Rosario được xem là Chicago của Argentina?". Có thể xem đấy là một nỗi xấu hổ của người Argentina. Trong biên niên sử của cảnh sát Argentina, Rosario của năm 1932 được gọi là thành phố Chicago của đất nước vì nạn tội phạm, với những cuộc chiến băng đảng giữa hai nhóm tội phạm gốc Italy là Juan Galiffi cùng đối thủ Francisco Morrone. Ngày nay, Rosario trở thành trụ sở buôn bán ma túy lớn nhất Argentina, lý giải cho việc tỷ lệ giết người ở thành phố này cao gấp bốn lần so với phần còn lại của đất nước.

Khi đồng đạo diễn Ariel Borenstein của phim tài liệu "Cầu thủ của thế giới" được hỏi về tác phẩm này, ông nói: "Rosario còn là cảng xuất khẩu đậu nành và các nguyên liệu thô khác của đất nước Argentina. Chúng tôi muốn thông qua bộ phim tài liệu này cho thấy cách quản lý bóng đá không quá khác biệt so với quản lý một đất nước".

Phát biểu ấy của Borenstein nghe chẳng liên quan và toát lên được cái tinh túy gì cho phim bóng đá của ông. Song, đấy là tiếng lòng của một người đau đáu về thực trạng Rosario.

Rosario không chỉ là "Chicago của Argentina", không chỉ là trụ sở buôn ma túy lớn nhất Argentina, mà còn là cảng xuất khẩu đậu nành chính của đất nước và cụm từ "Pelotero del mundo" không chỉ đơn giản là "Cầu thủ của thế giới", mà còn là "Cầu thủ của World Cup", tức ám chỉ Messi. Đấy là niềm tự hào. Và "cách quản lý bóng đá không quá khác biệt so với quản lý một đất nước" là một sự so sánh để cất tiếng than vãn.

Rosario còn là thành phố bóng đá.

"Chicago của Argentina"? Không. Thành phố ấy mang tên "Fútbol".

Hoàng Thông - VNExpress

Write comments...
or post as a guest
Loading comment... The comment will be refreshed after 00:00.

Be the first to comment.

Top Bloggers

  • Sample avatar

    Bằng Nguyễn

    Cựu Chủ tịch FCBVN

  • Sample avatar

    Hoàng Thông

    Nhà báo

  • Sample avatar

    Mạnh Hiển

    Bí thư xã