Quique Setien chắc chắn là một trong những huấn luyện viên thú vị nhất của LaLiga. Dù nổi lên và được biết đến như một người học trò sùng đạo của Johan Cruyff sau khi dẫn dắt Unión Deportiva Las Palmas và Real Betis Balompié chơi thứ bóng đá tấn công, kiểm soát đầy cuồn hút, Setien lại có cho mình những nét đặc trưng nhất định trong việc tổ chức phòng ngự và pressing khi không có bóng. Hãy cùng FCBVN đi vào phân tích những ý tưởng đậm nét triết lý nhưng cũng không kém phần thực dụng của người đàn ông sẵn sàng đánh cờ bằng những cầu thủ triệu Đô này.
Với Betis, hệ thống Pressing của Setien không được đánh giá quá cao bởi các cầu thủ thường rất bị động trong việc theo bóng. Trong những trận đấu mà Betis nằm ở “cửa dưới”, các cầu thủ Betis sẽ không liên tục áp sát với cường độ cao và định hướng theo từng khu vực như thường thấy ở Atlético de Madrid mà thay vào đó sẽ chờ những “tín hiệu” nhất định để bắt đầu triển khai pressing. Những tín hiệu ở đây sẽ là những đường chuyền về, hay những tình huống nhận bóng quay lưng của đối phương. Cách Pressing này là đơn giản và dễ vận hành hơn bởi các cầu thủ sẽ luôn biết khi nào thì cần phải can thiệp. Tuy nhiên, vì bị động, các cầu thủ Betis sẽ phải cực kỳ tập trung và phải phản xạ đủ nhanh để theo được nhất cử nhất động của người mình đang theo kèm, trong lúc vẫn giữ được ý thức vị trí của mình. Vì vậy, khi gặp phải những đội bóng có khả năng và tốc độ luân chuyển bóng đủ tốt, Betis sẽ bối rối trong việc chọn mục tiêu theo kèm và mất định hướng đội hình bởi các cầu thủ của Setien hoặc không có đủ chất lượng để theo kèm đối phương hoặc thiếu sự ăn ý trong việc định vị và kết nối với đồng đội.
Vậy Setien đã thay đổi điều gì khi đến Barça?
Ở FC Barcelona, với một loạt ngôi sao tấn công trong tay, việc đội bóng của Setien luôn tìm được cách ép đối thủ của họ lùi sâu về sân nhà là rất thường gặp, kể cả khi có bóng hay không bóng. Với việc những công thần trụ cột như Leo Messi, Luis Suarez, sergiobusquets đều đã “có tuổi”, Setien cũng nhận thức được rằng không thể để những cầu thủ đầu 3 này liên tục tham gia vào tất cả những tình huống pressing mà thay vào đó nên để dành thể lực của họ cho mặt trận tấn công. Chính vì vậy, trong các tình huống đối phương bắt đầu triển khai bóng từ dưới lên, một trong 3 tiền vệ, tuỳ vào vị trí bóng, sẽ dâng cao để tăng quân số cho lớp pressing đầu tiên(bộ 3 tấn công), góp phần khoá chặt các lựa chọn chuyền gần, từ đó ép đối phương phải chơi bóng dài và đồng thời giúp cho những Messi và Suarez chạy ít lại. Với những trung vệ như Clément Lenglet và đặc biệt là Gerard Piqué, tranh chấp bóng bổng là lợi thế. Cụ thể các thông số của Pique dưới thời Setien đang là rất tốt, với 4.88 pha can thiệp mỗi trận và tỷ lệ chiến thắng trong các pha không chiến là 72%.
Tuy nhiên, chiến thuật Pressing tầm cao này không phải sẽ luôn đưa ra một kết quả như kịch bản nói trên. Khi bị ép thì ngoài phương án phất dài, các trung vệ của đối thủ có thể lựa chọn tìm đến các phương án khác, tuỳ vào vị trí của các cầu thủ trên sân. Vì vậy, khi cách bố trí của Setien không thể buộc đối phương chơi bóng dài, ông sẽ yêu cầu các học trò của mình phải làm mọi cách để hoặc phải ép các trung vệ đối phương đưa bóng đến vị trí của các hậu vệ biên của họ hoặc mạo hiểm hơn là phải chuyền về cho thủ môn. Với tình huống đối phương vẫn có thể đưa bóng đến cho hậu vệ biên, Setien đã dăng sẵn một cái bẫy Pressing khi luôn luôn đặt hai tiền đạo cánh của mình đứng ở vị trí ngay giữa trung vệ và hậu vệ biên ở từng cánh. Với việc bố trí như vậy, Messi và một tiền vệ đã dâng lên để hỗ trợ sẽ ngay lập tức áp sát cầu thủ đang có bóng nhằm gây áp lực và chặn các khe chuyền bóng đến các vị trí gần nhất, trong khi hai tiền vệ còn lại sẽ theo kèm 1-1 với các tiền vệ gần tình huống bóng nhất của đối phương.
Cách áp sát này ép cầu thủ có bóng buộc phải mở một đường bóng bổng ra một trong hai biên (tuỳ vào vị trí đứng), nơi có ít nhất một hậu vệ biên đang không bị theo kèm hoặc phải lựa chọn phất dài về phía khung thành Barça. Đây chính là khoảnh khắc cái bẫy pressing sẽ được kích hoạt khi hai tiền đạo cách của Barça, những người tưởng như đang theo kèm các trung vệ sẽ ngay lập tức quay ngược ra biên và gây sức ép lên hậu vệ biên chuẩn bị nhận được đường chuyền.
Ở ảnh trên Arturo Vidal và Antoine Griezmann giữ khoảng cách giữa cả hậu vệ biên và trung vệ của SSC Napoli và sẵn sàng áp sát một trong hai. Tuy nhiên ở tình huống này Messi đã chặn hướng chuyền về phía bên trái của thủ thành Ospina và buộc anh hoặc phải dùng bóng dài hoặc phải đưa bóng đến hậu vệ cánh phải, người đang ở một vị trí khá trống trải, bằng một đường chuyền bổng. Ở đây Ospina phải chơi bóng bổng cho hậu vệ cánh phải của Napoli là bởi lẽ Griezmann đã chủ ý đứng trám vào khe chuyền bóng đến chân hậu vệ này. Điều này đồng nghĩa với việc bóng sẽ mất một khoảng thời gian nhất định để tìm đến chân hậu vệ đó và các cầu thủ Barça sẽ có một khoảng thời gian nhất định để phản xạ và chuyển hướng tấn công cầu thủ này trong lúc bóng vẫn trên không. Khoảnh khắc Ospina chuyền bóng đến cho hậu vệ cánh phải nói trên, Griezmann sẽ ngay lập tức quay ngược lại và gây sức ép lên cầu thủ này, cùng với sự hỗ trợ của một tiền vệ phía trong. Mục đích của việc ép bóng ra cánh chính là gây áp lực tối đa lên những hậu vệ biên, những người sẽ chỉ có khoảng trống trước mặt để xử lý còn sau lưng là đường biên. Cho dù ở tình huống này không cướp được bóng, Griezmann, cùng với một người đồng đội khác, sẽ làm mọi cách để phạm lỗi với hậu vệ biên này hoặc ép bóng phải ra ngoài sân, bởi điều này sẽ làm chậm lại quá trình triển khai lối chơi của Napoli và đặc biệt ở các tình huống ném biên, cơ hội đoạt lại bóng cho Barça sẽ cao hơn.
Bên cạnh đó, khi phân tích hệ thống Pressing, chúng ta cũng không thể bỏ qua những khoảnh khắc chuyển trạng thái (từ có bóng sang không bóng) sau những mất bóng bất ngờ của các cầu thủ Barça, hay dạo gần đây nhất là Leo Messi. Khi bị mất bóng, các cầu thủ Barça sẽ cố gắng lao vào và áp đảo quân số ở khu vực xung quanh cầu thủ vừa cướp được bóng càng nhanh càng tốt.
Ở ảnh trên, khi Messi vừa bị cướp bóng sau một pha đột phá bất thành, Arthur và Vidal sẽ ngay lập tức áp sát 2 cầu thủ trước mặt Isco, người đang có bóng. Điều này vừa giúp đóng lại những lựa chọn chuyền gần để thoát bóng của Isco, vừa giúp Messi tránh khỏi một pha chạy theo bóng khi các cầu thủ Real có cơ hội phối hợp nhỏ với nhau. Như chúng ta có thể thấy trong ảnh 3, và trong rất nhiều trận đấu khác của Barça mùa này, hai hậu vệ cánh của Barça dâng lên rất cao, ngang với hàng tiền vệ. Điều này giúp cho chiến thuật áp đảo nhân sự nói trên của Setien thành công hơn khi sẽ luôn có hai cầu thủ sẵn sàng ập vào hỗ trợ tuyến trên để bịt các khe chuyền bóng và đồng thời ghìm 2 hậu vệ cánh của đối phương xuống thấp. Chung quy lại, cách làm của Setien là bóng ở đâu, vây lại ngay lập tức ở đó và ép đối phương chơi bổng rồi chỉ việc tin tưởng vào hai ông thần trung vệ làm công việc của mình. Nếu không ép được đối phương chơi bóng dài thì sẽ cố ép bóng ra biên để dễ cướp lại hơn.
Tuy nhiên, ý tưởng là vậy, nhưng để biết cách vận hành này có thực sự hiệu quả hay không, chỉ có các số liệu và những ví dụ từ các tình huống cụ thể hơn có thể trả lời được.
or post as a guest
Be the first to comment.