Eto'o, nạn nhân của một cuộc chiến?
Cả làng bóng đá Tây Ban Nha chấn động vì cơn giận dữ bộc phát của Samuel Eto'o. Barcelona, nơi vẫn được coi là thành trì của thành công, là hình mẫu của một siêu CLB của thế kỷ 21, hóa ra vẫn là vũng lầy chôn vùi những giá trị đích thực của bóng đá.
* Eto'o ''bật'' lại Rijkaard, bóc mẽ Barca
Nội chiến, chia rẽ...đó có phải là một Barcelona từng thống trị châu Âu 2 năm qua hay là bóng ma của thời Van Gaal và Nunez? Và Eto'o, anh đang là con người cách mạng hay một nạn nhân quẫn trí?
Hãy bắt đầu từ một cái tên
Không phải Samuel Eto'o. Mà là Sandro Rosell. Ông ta là ai vậy? Xin thưa, đó là Phó Chủ tịch của Barcelona, con người của bóng tối nhưng lại có một ảnh hưởng vô cùng to lớn tới từng bước đường phát triển của Barca trong suốt những năm qua.
Với những doanh nhân tầm cỡ châu lục, Rosell không phải là một cái tên xa lạ: ông từng là Tổng giám đốc phụ trách khu vực Nam Mỹ của hãng Nike danh tiếng. Ông cũng chính là tác giả của bản hợp đồng được coi là thành công nhất trong lịch sử Barca: đưa Ronaldinho từ PSG về Barcelona và nâng tiền vệ răng hô này trở thành thương hiệu cầu thủ đắt giá nhất trong thế giới bóng đá.
Giữa Rosell và Ronaldinho có những mối liên hệ bí ẩn mà không phải người nào ở Barca cũng hiểu, kể cả Chủ tịch Joan Laporta. Một sự việc minh chứng rất rõ cho ảnh hưởng của Rosell đến Ronaldinho chính là việc Laporta đã chấp nhận ''chung sống hòa bình'' với Rosell khi mới ngồi lên chiếc ghế lãnh đạo của đội bóng xứ Catalan dù bản thân theo đuổi những chính sách đối ngược hoàn toàn với người Phó nhiều quyền lực.
Frank Rijkaard thì khác đôi chút với Ronaldinho. Không phải là một con bài chiến lược của Rosell như Ronaldinho nhưng Rijkaard đóng vai trò như một ''con mã'' trong bàn cờ tướng, tức là nhân vật linh động điều hòa mối quan hệ vốn rất nhạy cảm giữa Rosell và Laporta. Khi Laporta muốn rằng tiếng nói của ông cần được tất cả các cầu thủ hưởng ứng, ông tìm đến Rijkaard. Khi Rosell cảm thấy rằng Ronaldinho cần phải được xuất hiện một cách ấn tượng hơn (vì anh ta là một thương hiệu bạc tỷ của Nike), ông tìm đến Rijkaard và nói: ''Này, sao anh không thử đưa Ronie chơi cao hơn một chút trên hàng công?''
Mùa bóng 2003/04, năm đầu tiên Rijkaard dẫn dắt Barca và cũng là năm ra mắt của Ronaldinho, hình ảnh Rijkaard xuất hiện thường xuyên trên mặt báo kèm theo những lời ca ngợi trên mây của cả Laporta và Rosell. Dĩ nhiên không phải vì mùa giải đó Barca chơi hay (họ chỉ đứng thứ 2 tại Liga và sớm bị Chelsea loại ở Champions League) mà đơn giản là Rijkaard được lòng cả 2 con người quyền lực nhất của bóng đá xứ Catalan.
Nhiều người coi đó là một hiện tượng bởi trong quá khứ không một HLV nào của Barca sống sót một cách an bình trong cuộc chiến giữa hai phe phái mà người đồng hương Louis Van Gaal của Rijkaard là một nạn nhân điển hình. Van Gaal đưa Barca vô địch Liga 2 năm liên tiếp sau 5 mùa giải trắng tay nhưng ra đi trong tủi nhục chỉ vì trót ngả về phía cựu Chủ tịch Nunez mà quên rằng quyền bính thực sự nằm trong tay Rosell.
Rijkaard đã làm tốt việc che đậy bề mặt xấu xa của Barca trong một thời gian đáng kể và giúp đội bóng gặt hái những thành công rực rỡ. Nhưng, ''cái kim trong bọc lâu ngày cũng sẽ thòi ra'', những phát biểu đầy uất ức của Eto'o như một ngọn lửa châm ngòi cho quả bom phát nổ.
Barca đã lộ mặt. Bây giờ thì câu hỏi là ''Liệu đó có phải là chủ ý của những người trong cuộc?''
Tương lai không Rijkaard, không Ronaldinho
Sẽ là một sự phi lý cùng cực nếu những ai yêu mến Barca cố tình phủ nhận một sự ngẫu nhiên đáng kinh ngạc rằng những ung nhọt của Barca cứ lộ dần theo tiến trình thành công của đội bóng trên sân cỏ, chính xác hơn là thành công của Rijkaard và Ronaldinho.
Vào tháng 5/2006, khi Barca kiêu hãnh nâng cao chiếc cúp vô địch Champions League trên SVĐ Stade de France, Chủ tịch Joan Laporta xuất hiện nghẹn ngào trên tờ Sport với câu nói trứ danh ''Thời đại của Barca bây giờ mới bắt đầu''. Nhưng cũng chỉ một ngày sau, trên tờ El Mundo Deportivo xuất hiện một phát biểu rất nhỏ của Sandro Rosell trong bài tường thuật chiến thắng ''Điều quan trọng là chúng ta có duy trì được một cơ cấu vận hành thành công như hiện nay hay không?''.
Vào thời điểm đó, lời nói bóng gió của Rosell chìm nghỉm trong dòng thác những mỹ từ ca ngợi vinh quang và những người tinh ý nhất cũng chỉ nhận định một cách mơ hồ rằng Rosell chưa thực sự thoải mái với Laporta (khi đó sắp bước vào cuộc tái bầu cử) chứ không có ý định gì sâu xa.
Nay thì khác. Chỉ 3 tháng, chính xác là 2 tháng 23 ngày sau khi Barca đăng quang, xuất hiện tin đồn đầu tiên về việc Rijkaard và Ronaldinho có thể rời bỏ đội bóng Catalan để đến một đội bóng khác. 2 tuần sau, cái tên được nêu đích danh là AC Milan, khi đó đang trong cơn rối loạn vì sự bê bối của Serie A, sự ra đi của Shevchenko và sự bất tín nhiệm với Carlo Ancelotti.
''Mưa dầm thấm lâu'', tần suất xuất hiện của những tin đồn về một cuộc đào tẩu đến Milan ngày càng nhiều hơn trên báo chí và tiến dần đến những hành động thực tế.
Khi AC Milan ký hợp đồng với Oliveira, một tiền đạo ''thương binh'' bị Real Betis đẩy về Brazil, sự nghi hoặc càng tăng. Đơn giản là vì Oliveira chính là thân chủ của Roberto Assis, anh trai của Ronaldinho và nhiều người nói thẳng ra rằng Milan mua Oliveira là để lấy lòng anh trai Ronaldinho để sau này được thuận lợi hơn trong việc lôi kéo siêu sao răng hô về sân San Siro.
World Cup 2006 là một kỷ niệm buồn với Ronaldinho nhưng cũng chính là một quãng thời gian lý tưởng để cầu thủ được Paolo Maldini đánh giá ngang với Maradona tạm lui vào phía sau sân khấu và bàn tính những kế hoạch dài hơn cho tương lai.
Liga mùa bóng mới bắt đầu và Ronaldinho chơi xuất sắc trong những vòng đầu tiên như thể muốn chứng minh World Cup chỉ là một ''tai nạn''. Nhưng rồi Eto'o chấn thương và phong độ của Ronaldinho cũng tụt dốc theo với những biện hộ rất mơ hồ về chấn thương. Từ chỗ chỉ là những nghi hoặc trong ý nghĩ, nhiều thành viên Barca bắt đầu bức xúc phát biểu công khai trên báo chí về việc ''có những người không toàn tâm, toàn ý vì đội bóng''.
Không nói ra nhưng ai cũng hiểu, đó là Rijkaard và Ronaldinho. Và tất nhiên, Sandro Rosell là người đứng sau.
Eto'o, anh thực sự ở đâu?
Trên sân cỏ, Ronaldinho - Eto'o (cùng với Messi và Deco) là một sự kết hợp trong mơ giữa kỹ thuật và sức mạnh. Đáng tiếc, điều đó lại không được thể hiện ngoài sân bởi Samuel Eto'o là một cá tính khác hẳn Ronaldinho.
Luis Aragones, hiện là HLV trưởng ĐT Tây Ban Nha và là người từng dẫn dắt Eto'o trong những ngày đầu chập chững tại Real Mallorca, nhận xét như sau về cậu học trò ưng ý nhất của ông: ''Eto'o thực sự là một người đàn ông, với đủ sự ngang tàng và bất trị''.
Cái ngang tàng và bất trị đó đã giúp Eto'o đứng vững trên sân cỏ với tư cách là một trong những chân sút xuất sắc nhất thế giới còn khi ra ngoài đời, nó lại biến anh thành một con người khó thỏa hiệp, đôi lúc còn bị coi là gàn dở.
Trong những tháng ngồi ngoài sân vì chấn thương, cũng là những tháng mà Barca ''trày da, tróc vảy'', sự gàn dở đó chứng kiến sự lặp đi lặp lại của cái gọi là ''tinh thần hết mình vì CLB'' nhưng lại chạy lờ đờ trên sân của người đá cặp ưng ý nhất của anh - Ronaldinho. Theo logic tâm lý, lẽ dĩ nhiên Eto'o mong mỏi được tự tay thực hiện trách nhiệm với CLB hơn là ngồi ngoài chứng kiến người khác làm hộ và rồi nói hộ cả những suy nghĩ của mình.
Cách Eto'o từ chối ra sân từ ghế dự bị khi trận đấu với Santander chỉ còn vài phút có thể gây sốc với nhiều người nhưng là điều dễ hiểu với những ai từng thân thiết với Eto'o. Như Victor Valdes chẳng hạn. Khi Frank Rijkaard kết tội đó là một ''hành động đáng xấu hổ'' thì Valdes lại bênh vực và cho rằng Eto'o làm thế chỉ vì anh ''luôn cống hiến hết mình vì đội bóng nên không muốn xỏ giày vào sân để rồi ngay lập tức dàn hàng ngang để chào khán giả''.
Eto'o luôn là thế và hẳn là cả Rijkaard lẫn Ronaldinho đều biết điều đó. Vậy tại sao họ lại phản ứng một cách dữ dội đến thế khi kết tội cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho Barca trong 2 mùa giải qua là ''kẻ không hết lòng vì đội bóng''? Phải chăng vì họ cảm thấy khó chịu trước một cách hành xử xem ra là ''mã thượng'' hơn cách mà họ vẫn thể hiện?
Barca sẽ ra sao?
Khi những tin đồn về việc ra đi của Rijkaard và Ronaldinho đến Milan ngày càng nhiều, Chủ tịch Joan Laporta ban đầu tìm mọi cách phủ nhận. Nhưng rồi khi không thể bịt hết miệng lưỡi thế gian, ông chuyển sang xoa dịu ''Barca cũng có một người khác đủ sức làm biểu tượng không kém gì Ronaldinho, đó là Eto'o''.
Chiếu theo những tiết lộ mà Eto'o vừa nói (rằng ở Barca tồn tại 2 phe nhóm) thì câu nói đó được xem như lời tuyên chiến chính thức giữa 2 phe, một bên là Rosell với vũ khí là Ronaldinho (và Rijkaard) với một bên là Laporta với ''thanh gươm'' Eto'o.
Dù cho Rijkaard và Ronaldinho không ít lần thề thốt rằng đang hạnh phúc với Barca và sẽ gắn bó dài lâu với CLB thì bóng đá hiện đại không cho phép che đậy một sự giả dối mà nhiều người muốn che đậy rằng đôi khi tiền mới là tất cả chứ không phải màu cờ sắc áo.
Milan đã dám nói họ ''có thể bán Kaka'', người được xem là bất khả xâm phạm tại San Siro, thì cũng có nghĩa là họ dám tung ra bạc tỷ để được chứng kiến Ronaldinho khoác lên mình chiếc áo Đỏ - Đen và Frank Rijkaard ngồi trên băng ghế huấn luyện. Barca có thể trả Ronaddinho 12 triệu euro 1 năm nhưng liệu họ có dám tăng 1,5 hay 2 lần con số đó như Milan (và một vài đội bóng khác) sẵn sàng làm? Một câu hỏi khó nhưng dường như đã có câu trả lời.
Cho đến cuối mùa bóng này, khó có thể hy vọng sẽ có những thay đổi lớn lao tại Barca dù những phát biểu của Eto'o đã thực sự đẩy đội bóng vào một cuộc khủng hoảng mới. Barca vẫn cần chiến đấu, vẫn cần có những danh hiệu và cả 2 phe Rosell lẫn Laporta đều hiểu rằng nếu họ đẩy cuộc chiến đi đến cùng trong thời điểm này thì cả hai sẽ đều là những người bại trận.
Trong 4 tháng nữa, sẽ là một Barca với đầy biến động. Và một cuộc cách mạng sẽ chỉ đến trong mùa hè.
Và như thế, Barca của mùa giải sau sẽ là sàn diễn của Eto'o, cộng thêm 1 siêu sao khác. Cristiano Ronaldo chẳng hạn...!