Bài gốc:
https://statsbomb.com/2019/12/can-r...hrive-in-the-age-of-pressing-and-transitions/
Barça và Real Madrid: Trước dòng chảy pressing và chuyển trạng thái tân thời
Barcelona và Real Madrid đã thống trị bóng đá châu Âu gần như xuyên suốt thập kỉ này dựa trên dàn sao khủng trong đội hình – là hai tinh tú Lionel Messi và Cristiano Ronaldo – với những hậu vệ và tiền vệ trung tâm làm bóng kiệt xuất thế hệ: Gerard Pique, Sergio Ramos, Marcelo, Dani Alves, Sergio Busquets, Xavi, Toni Kroos, Andres Iniesta, hay Luka Modric. Hai gã khổng lồ này với những tài năng trong đội hình của họ đã trở thành nguồn cảm hứng để bóng đá đỉnh cao châu Âu đề ra những yêu cầu ngày càng nhiều hơn với các cầu thủ phòng ngự khi có bóng. Những thủ môn dạng cân đội và những hậu vệ cánh tấn công không còn đơn giản chỉ là những sản phẩm lạ kỳ của bóng đá Nam Mỹ, trong khi những tiền vệ kiến thiết lùi sâu dần thay thế những số 10 cổ điển.
Tuy nhiên, trong những năm cuối của thập kỷ này, bóng đá dần thích ứng và phát triển nên một lối chơi mới để đối phó với thứ bóng đá kiểm soát bóng, dựa trên hình hài của những hệ thống pressing phức tạp và quyết liệt, từ hệ thống pressing định hướng vị trí của Pep Guardiola hay Thomas Tuchel, cho đến hệ thống pressing khu vực của Jurgen Klopp và những CLB thuộc Red Bull. Ngày càng có nhiều đội bóng muốn thống trị bóng đá châu Âu không chỉ dựa trên cường độ làm việc dữ dội lúc kiểm soát bóng, mà còn là sự quyết liệt và tính tổ chức lúc không kiểm soát bóng. Pressing, hay tạo ra áp lực, chính là chìa khóa giúp Man City và Liverpool giành được hơn 90 điểm ở Premier League, mà còn giúp những đại diện là Liverpool, Tottenham và Ajax ít nhất giành quyền góp mặt ở bán kết Champions League trong 3 mùa giải đã qua.
Trong kỷ nguyên mới của thứ bóng đá pressing, những tiền vệ và những tiền đạo hiện đại cần một bộ kỹ năng mới để đánh bại các đối thủ. Những tiền vệ không thể chỉ là những chân chuyền kiệt xuất nữa, mà còn phải là những cầu thủ cầm bóng luân chuyển nó xuất sắc, với khả năng rê dắt bóng vượt qua đối thủ từ những khu vực sâu nơi hàng tiền vệ. Những tiền đạo thì phải có khả năng chạy những quãng đường dài để đánh bại lớp phòng tuyến của đối thủ, vì thế mà tốc độ và kỹ năng rê dắt bóng trong không gian rộng một lần nữa trở nên quan trọng giống như kỹ năng kiểm soát và rê dắt bóng trong không gian hẹp. Hơn bao giờ hết, những tiền đạo giờ đây còn phải là lớp phòng thủ đầu tiên trong cả hệ thống. Những tiền đạo của Real Madrid và Barcelona dường như đang bị tụt hậu trong một số kỹ năng đó, vì vậy chúng tôi quyết định đào sâu dữ liệu để tìm hiểu kỹ hơn.
Phòng thủ và pressing
Hãy bắt đầu bằng việc sử dụng dữ liệu trong mùa giải 2019/20 này để so sánh các hoạt động phòng ngự của Real Madrid và Barcelona với hai đội bóng sở hữu hệ thống pressing thành thạo nhất, ổn định nhất và ghê gớm nhất của bóng đá châu Âu: Man City và Liverpool.
Nếu chỉ xét những cầu thủ có hơn 600 phút thi đấu ở giải vô địch quốc gia, chúng ta có thể thấy những tiền vệ của cả 4 đội bóng này đều có khối lượng công việc pressing gần như tương đương: một tiền vệ ở City và Liverpool trung bình lần lượt tham gia tạo ra 17 và 19 hoạt động gây áp lực mỗi trận. Trong khi một tiền vệ của Real Madrid và Barcelona trung bình lần lượt tham gia tạo ra 18 và 15 hoạt động gây áp lực mỗi trận.
Sự khác biệt lớn giữa cách phòng ngự của các đại diện nước Anh với các đại diện Tây Ban Nha xuất hiện khi nhìn vào dữ liệu tạo ra áp lực của các tiền đạo. Với cả hai đội bóng Anh, các tiền đạo của họ dẫn đầu về khoản gây áp lực, với con số trung bình nhỉnh hơn so với các tiền vệ. Một tiền đạo ở City và Liverpool trung bình lần lượt tham gia tạo ra 18 và 20 hoạt động gây áp lực mỗi trận. Con số này gần như cao gấp đôi so với các đồng nghiệp ở Real Madrid và Barcelona – một tiền đạo ở đây xét trong khoản này trung bình có con số là 9 và 11 lần lượt.
Sự khác biệt trong cường độ tham gia phòng ngự của các tiền đạo được phản ánh thông qua nỗ lực pressing của cả hệ thống. Nếu như Liverpool và City bao phủ toàn bộ khu vực 1/3 cuối sân (trên sân đối phương) với tấm chăn pressing ở mức cường độ trung bình trở lên, thì ngược lại, Real Madrid và Barcelona lại chỉ “dùng” những tấm chăn loang lổ, để trống nhiều không gian hơn cho đối thủ tịnh tiến quả bóng xuyên qua khu vực hàng tiền vệ.
Khi những tiền vệ ở hai gã khổng lồ của bóng đá Tây Ban Nha phải bù đắp cường độ pressing cho những tiền đạo ở phía trên, họ buộc phải dâng cao hơn để có mặt trên phần sân đối phương và tìm cách gây áp lực, vì thế những khoảng trống lớn phía sau lưng hàng tiền vệ cũng dễ dàng bị khai thác.
Một ví dụ gần đây cho thấy điều đó, trong trận đấu cuối tuần qua giữa Real Sociedad và Barcelona. Sergio Busquets – người vẫn là chân chuyền quan trọng của đội bóng ở tuổi 31 – luôn thường trực di chuyển phía sau lưng Messi và Luis Suarez để gây áp lực lên khâu triển khai bóng của đối phương. Trong khi, Ivan Rakitic cũng đã 31 tuổi thường xuyên di chuyển dạt sang biên phải để pressing hậu vệ cánh trái đối thủ, hòng gánh vác thay phần việc này cho Messi. Chính những hoạt động phòng ngự đó của hai lão tướng để lộ ra những khoảng trống sau lưng họ, trong khi bản thân Busquets và Rakitic đều không còn đủ sức lực và sự nhanh nhẹn để kịp thời lùi về một khi bị đối phương qua mặt. Real Sociedad sở hữu bộ ba tiền vệ kỹ thuật là Ander Guevara, Mikel Merino và Martin Odegaard, cho phép họ đánh bại nỗ lực pressing của Barcelona một cách thường xuyên, rồi từ đó giúp bộ ba trên hàng tấn công là Alexander Isak, Mikel Oyarzabal và Cristian Portu đánh chiếm những không gian phía sau lớp pressing của Barcelona. Real Sociedad nhờ đó tung ra đến 19 pha dứt điểm, so với 9 của Barcelona.
Barcelona chật vật giành 1 điểm trước Real Sociedad nhờ vào màn trình diễn phòng ngự chói sáng trong vòng cấm của Gerard Pique, trong khi Antoine Griezmann, Suarez và Messi tận dụng xuất sắc những cơ hội ít ỏi có được trước đối thủ.
Chuyển sang Real Madrid, Los Blancos hạn chế những vấn đề trong công tác phòng thủ nhờ vào: (trước tiên) là khối phòng thủ ít quyết liệt và (thứ hai) là những nỗ lực phòng ngự xuất sắc của Fede Valverde – cầu thủ pressing chủ động nhất đội – và Casemiro. Cả hai tiền vệ này sở hữu tốc độ và sự linh hoạt mà vốn dĩ hàng tiền vệ Barcelona còn thiếu. Do đó, ngay cả khi bị đối thủ vượt qua hoặc nếu có mắc sai lầm khi theo kèm đối thủ, hai tiền vệ này vẫn có thể tìm cách thu hồi lại bóng.
Năm nay, cả Real Madrid và Barcelona xem ra đều đã biết và thích ứng với những hạn chế trong khâu phòng thủ của tuyến tiền đạo. Những radar thống kê cho thấy, cả hai đội thực sự đều đã cải thiện hơn mùa giải trước ở khoản bàn thua kỳ vọng nhờ vào việc sử dụng khối phòng ngự ít quyết liệt (hệ số Quyết liệt của StatsBomb đánh giá của Barcelona là 0,23 so với 0,29 mùa trước và của Real Madrid là 0,22 so với 0,27 mùa trước). Cả hai đều có chọn lọc hơn khi “đưa” các tiền vệ của mình dâng cao pressing.
Nếu như các con số về phòng ngự đều cải thiện, tại sao chúng ta lại còn tỏ ra không hài lòng với các con số về pressing của Real Madrid và Barcelona? Pressing tầm cao hay phòng ngự lùi sâu, phải chăng chỉ là sự lựa chọn về phong cách chơi? Đến thời điểm này của mùa giải, Real Madrid đang có con số bàn thua và bàn thua kỳ vọng ít hơn Liverpool và Man City. Nếu hệ thống phòng ngự ít quyết liệt đang hoạt động tốt, liệu có vấn đề gì với các tiền đạo không chịu làm công việc phòng ngự? Thú vị thay, vấn đề của cách tiếp cận ít quyết liệt mà Real Madrid và Barcelona đang áp dụng lại ảnh hưởng đến khâu tấn công hơn là khâu phòng ngự.
Những đội thu hồi bóng ở sâu trên phần sân nha của mình luôn cần có một hàng công tốc độ hơn, lắm mưu mẹo hơn và cơ động hơn để có thể đe dọa khung thành đối phương từ những khoảng cách xa. Những cầu thủ này sẽ phải chạy những quãng đường dài 30, 40 hay 50m mà vẫn đủ thể lực và sự tỉnh táo để đặt bản thân vào những vị dứt điểm tốt và kết thúc chính xác.
Messi, Suarez, Karim Benzema và Gareth Bale đều là các nhân tố lợi hại của những tam tấu từng hủy diệt các đối thủ được đánh giá cao, nhờ vào khả năng phản công nhanh dựa trên sự kết hợp của tốc độ và kỹ thuật. Nếu bạn là fan của Bayern Munich, bạn sẽ hiểu điều tôi đang nói. Khoảng nửa thập kỷ đã trôi qua từ sau những trận đấu như vậy, không một cầu thủ nào của những chân sút nói trên còn duy trì được sự bùng nổ như thế trong đôi chân của họ. Messi vẫn có thể tự mình đột phá rê dắt để vượt qua hệ thống phòng ngự trước mặt anh, nhưng những khoảnh khắc như vậy ngày càng hiếm dần.
Hàng công Barcelona và sự bùng nổ hạn chế
Barcelona đã cố gắng để bù đắp cho một Messi đang lớn tuổi cùng sự ra đi của Neymar bằng việc mang về Ousmane Dembele, nhưng cầu thủ này lại không thể đáp ứng được kỳ vọng và tiềm năng của chính anh ta vì những chấn thương trong suốt 2 năm qua. Mùa hè vừa qua, thay vì mang về thêm một tiền đạo cánh tốc độ, lắt léo và biết săn bàn có thể thi đấu bên cạnh Messi, Barcelona lại lựa chọn Griezmann, một tiền đạo được biết đến nhờ vào sự chính xác, khả năng dứt điểm và khôn ngoan thay vì tốc độ và khả năng rê dắt. Vị trí sở trường và khu vực ảnh hưởng trên sân của tiền đạo người Pháp lại giống với Messi. Điều này dẫn đến việc, bộ ba Messi, Suarez và Griezmann – những người có thể cùng nhau ghi rất nhiều bàn thắng, nhưng lại thiếu đi yếu tố bùng nổ để đe dọa hàng thủ đối phương.
Vì lẽ đó, không quá ngạc nhiên khi Blaugrana đón nhận một cách nồng nhiệt làn gió mới trên hàng công mang tên Ansu Fati 17 tuổi, một sản phẩm mới của lò đào tạo La Masia, cầu thủ ghi bàn trẻ nhất trong một trận đấu ở Champions League. Dù mới chỉ thi đấu có 327 phút ở La Liga mùa giải này, và mặc dù mẫu so sánh vẫn còn hạn hẹp, nhưng sẽ thật bất công nếu phủ nhận rằng chính tốc độ và khả năng rê dắt của Ansu Fati đang giúp anh trở thành một phương án phù hợp hơn Griezmann bên hành lang cánh trái trên hàng tấn công Barcelona.
Griezmann thích chơi trong vai trò tiền đạo cánh trái bằng việc không-chơi-theo-kiểu-một-tiền-đạo-cánh-trái. Anh không phải là cầu thủ rê dắt bóng, vì thế Griezmann bù trừ bằng khả năng di chuyển thông minh khắp mặt sân, đánh vào những khoảng trống nơi hàng thủ đối phương. Điều này có thể dẫn đến việc tiền đạo người Pháp giẫm vào vùng ảnh hưởng của Messi và do đó trở nên dư thừa.
Trong khi ngược lại, khả năng rê dắt bóng của Fati cho phép anh có thể bám biên trái và không giẫm vào các vị trí của Messi lẫn Suarez, nhưng vẫn tìm cách để bó vào trong vòng cấm và tung ra các pha dứt điểm.
Hàng công Real Madrid và khâu săn bàn hạn chế
Real Madrid thì không chỉ bỏ qua sự suy giảm tốc độ và kỹ năng rê dắt bóng của hàng tiền đạo trong vài năm qua, mà vào mùa hè 2018, họ còn bỏ qua cả sự thiếu hụt trong khâu săn bàn sau sự ra đi của Ronaldo khi không thay thế anh bằng một chân sút tầm cỡ thế giới khác. Mùa hè vừa qua, họ đã tìm cách may vá lại bằng việc chiêu mộ tiền đạo giàu triển vọng Luka Jovic và siêu sao rê dắt bóng Eden Hazard, nhưng vẫn chưa thể khắc phục hết các vấn đề hàng công.
Zidane muốn xây dựng đội bóng xung quanh ngôi sao rê dắt số 1 của họ là Hazard và chân sút ghi bàn số 1 của họ là Benzema, nhưng việc sử dụng thường xuyên hệ thống 4-3-3 đã dẫn đến việc Jovic phải ngồi dự bị vì chân sút người Serbia không có tốc độ để hoạt động trong vai trò một tiền đạo cánh bên cạnh Benzema ở trung tâm. Trong bối cảnh đó, Benzema đang phải gánh vát phần lớn trong trách săn bàn của toàn đội. 45% số bàn thắng kỳ vọng (và 52% số bàn thắng thực tế) của Real Madrid ở La Liga đang được ghi hoặc được kiến tạo bởi Benzema.
Với sự hòa nhập tương đối chậm vì chấn thương đầu mùa giải này, Hazard đang trải qua hiệu suất đóng góp bàn thắng và kiến tạo thấp nhất tính từ mùa giải 2015/16, con số bàn thắng kỳ vọng không tính penalty và kiến tạo kỳ vọng mỗi 90 phút hiện đang là 0,27.
Bale thì lại tốt hơn xét ở khoản này, với hiệu suất bàn thắng kỳ vọng không tính penalty + kiến tạo kỳ vọng mỗi 90 phút đạt 0,47. Nhưng những màn trình diễn của anh một lần nữa bị thử thách bởi chấn thương và niềm tin vào sự cống hiến. Cứ mỗi năm trôi qua, cầu thủ 30 tuổi này ngày càng chậm đi và ít còn có thể hiện diện ở những vị trí dứt điểm lý tưởng.
Trong nỗ lực tìm kiếm sự bù đắp đó, Real Madrid đang đặt niềm hy vọng vào những cầu thủ U20 trong đội hình: Vinicius Jr. 19 tuổi và Rodrygo Goes 18 tuổi.
Sau mùa giải vượt vũ môn 2018/19, Vinicius tiếp tục là một trong những chân rê dắt hàng đầu La Liga, nhưng anh sẽ cần phải khổ luyện hơn nữa ở khả năng săn bàn. Nếu như Hazard hạn chế dứt điểm, thì Vinicius lại tích cực làm điều đó, và điều này dẫn đến các vị trí dứt điểm ít hiệu quả. Chất lượng dứt điểm bóng sống của Vinicius chỉ là 0,08 bàn thắng kỳ vọng mỗi pha dứt điểm, thấp hơn mức trung bình La Liga, và hiện đang là thấp nhất trong số các tiền đạo của Real Madrid.
Nhưng Vinicius lại đóng góp những thứ mà không một đàn anh nào ở hàng công làm được. Hazard thường nhận bóng ở phần sân nhà, rồi tìm cách rê dắt hoặc phối hợp với các đồng đội để giúp đưa quả bóng tịnh tiến về phía trước vượt qua khu vực hàng tiền vệ.
Vinicius cũng có những tình huống rê dắt và chuyền bóng về phía trước, nhưng những nỗ lực của anh chủ yếu tập trung ở phần sân đối phương. Vinicius không chỉ muốn vượt qua hậu vệ đối phương, mà anh còn thường xuyên sẵn sàng có những pha chạy chỗ sau lưng hàng thủ đối phương. Bale, Benzema và Hazard đều không thường có những pha di chuyển như thế.
Ở cánh phải, Rodrygo đang cạnh tranh với Bale cho một suất đá chính trong đội hình. Anh không phải là cầu thủ rê dắt hàng đầu như Vinicius, nhưng Rodrygo tìm cách bù đắp bằng sự khôn khéo và chính xác. Rodrygo không dứt điểm thường xuyên nhưng rất cẩn thận trong lựa chọn vị trí dứt điểm, và đang nắm giữ con số bàn thắng kỳ vọng trên mỗi cú dứt điểm (chất lượng dứt điểm) trung bình cao nhất những tiền đạo của Real Madrid. Trong khi Bale ngày càng tỏ ra thoải mái hơn ở những tình huống ôm biên và tạt bóng vào trong vòng cấm, Rodrygo lại có xu hướng thích tấn công vào vòng 16m50 đối phương, điều này được phản ánh qua tần suất chạm bóng cao hơn trong vòng cấm, cũng như cả số bàn thắng kỳ vọng.
Một ví dụ điển hình cho sự chính xác và bình tĩnh trong dứt điểm của Rodrygo chính là bàn thắng đầu tiên của anh vào lưới Osasuna. Rodrygo khống chế bóng dễ dàng sau đường chuyền 40m từ Casemiro, anh xâm nhập vòng cấm, đợi đến thời cơ chín muồi để cắt chéo bằng cái chân phải và ghi bàn. Câu chuyện thú vị về cặp đôi người Brazil này chính là Vinicius và Rodrygo có những thứ mà người còn lại thiếu, và ngược lại.
Kết luận
Real Madrid và Barcelona đang sở hữu những đội hình cực kỳ tài năng, nhưng những cầu thủ của họ lại không bổ trợ hợp lý cho nhau, điều này dẫn đến những hạn chế trong chiến thuật của hai đội. Điều này xuất phát từ việc hai CLB siêu cường của bóng đá Tây Ban Nha mua tài năng trên thị trường chuyển nhượng chỉ vì nhu cầu phải mua, thay vì dựa trên triết lý cụ thể hay kế hoạch lối chơi rõ ràng. Điều đó dẫn đến những sự tương phản lớn trong suốt 3 năm qua giữa Real Madrid và Barcelona với Man City và Liverpool. Hai CLB nước Anh, dựa trên đường lối quản lý và huấn luyện khoa học, họ xác định lối chơi theo đuổi rồi từ đó mua sắm cầu thủ thật sự cần thiết để phù hợp với ý tưởng và nhân sự trong đội hình. Bằng cách xây dựng bền vững đó, Liverpool và Man City tạo ra những tập thể có thể giành được hơn 90 điểm ở giải vô địch quốc gia, cũng như vô địch cả Champions League mặc cho trong đội hình không có Messi hay Ronaldo.
Song, tôi cũng dám tin rằng những tiền đạo của Real Madrid và Barcelona, những người vốn không tham gia nhiều vào các hoạt động phòng ngự ở tuyến đầu, sẽ dốc hết sức lực và quyết tâm hơn để làm điều đó một khi họ đối đầu trước Man City hay Liverpool.
Real Madrid và Barcelona có thể tiếp tục mang về những cầu thủ chất lượng bất cứ khi nào họ muốn, nhưng họ sẽ lại tiếp tục gặp phải những vấn đề về tính kết nối của đội hình cho đến khi tự rút ra bài học, từ đó xác định lại danh tính rồi mới nghĩ đến việc mua sắm. Ít nhất thì Real Madrid có thể tuyên bố họ sẽ không bao giờ đi theo cách tiếp cận đó, vì chiến thắng mới là bản sắc của đội bóng này. Nhưng Barcelona thì lại khác, một CLB vốn luôn tự hào với triết lý bóng đá của mình, nhưng đội hình hiện tại của họ thì lại không cho thấy một triết lý rõ ràng.
José Pérez (statsbomb)
Hoàng Thông (JBtheCule dịch cho trang fanpage Baller)