Tuổi 50 của Pep Guardiola
Hôm 18/1, Guardiola kỷ niệm sinh nhật thứ 50. Nhìn lại hành trình bóng đá từ tuổi 20, dễ thấy ông tiến hóa dần qua từng thời kỳ, tư duy bóng đá có nhiều thay đổi nhưng sự lăn xả thì vẫn vậy.
Từ một tiền vệ chơi thông minh bậc nhất thế hệ Đội hình trong mơ Barca những năm đầu 1990, Guardiola dần thành nhà chiến thuật lớn bậc nhất thế giới hiện tại. Ảnh: The Athletic
Albert Benaiges, người biết Guardiola từ khi 13 tuổi thời còn làm việc ở trường học cách La Masia chỉ 1 km, nhận xét: "Tinh thần chiến thắng, cách tổ chức công việc của cậu ấy vẫn vậy. Pep trưởng thành nhiều cả trên khía cạnh con người lẫn công việc, như tất cả chúng ta, nhưng cá tính thì vẫn còn. Vẫn là thủ lĩnh, sống chết với bóng đá, không có gì đổi khác".
20 tuổi, Guardiola ra mắt Barca trong một trận giao hữu, và bị Johan Cruyff chê là "chậm hơn cả bà tôi". Nhưng sau đó khoảng 18 tháng, chính Cruyff đã gọi Guardiola lên Barca B, chỉ năm tuần trước sinh nhật lần thứ 21 của chàng trai trẻ.
Những phẩm chất tốt đẹp nhất vẫn tiềm ẩn, nhưng sự bướng bỉnh và liều lĩnh đã phát lộ từ sớm. Vừa nhỏ con hơn, vừa nhỏ tuổi hơn đám đồng đội, nhưng Guardiola luôn là đầu trò trong thời gian ở La Masia.
Các HLV đội trẻ ấn tượng khi thấy một thằng nhóc nhỏ tí chỉ đạo đàn anh chơi đá phạt luân phiên trên sân tập của đội trẻ. Guardiola khi ấy không hề sợ sệt hay mắc cỡ trước người lớn tuổi hơn mình. "Cậu ấy dường như già trước tuổi", Guillermo Amor, bạn thân và đồng môn ở La Masia nói. "Cậu ấy thông minh, được giáo dục tốt, nhưng cũng có nhiều trăn trở về bản thân, luôn cảm thấy mình không tài năng bằng người khác nên phải học hỏi nhiều hơn, chăm chỉ hơn".
Guardiola (áo cam, hàng đứng) đã cho thấy các phẩm chất thủ lĩnh ngay từ khi còn ăn tập cùng các đồng đội trẻ ở lò La Masia.
Nhận xét này trùng khớp với những gì kí giả Marti Perarnau viết trong cuốn "Pep Guardiola: Một cuộc cách mạng", rằng ẩn sâu trong con người này là mặc cảm bản thân không đủ giỏi, nên luôn làm việc chăm chỉ gấp đôi để đạt được mục tiêu. Điều này cũng một phần ảnh hưởng từ gia đình, vốn xuất thân từ tầng lớp lao động ở Santpedor, bố mẹ Guardiola không dư dả tiền bạc để lo cho những đứa con, nhưng luôn dạy các con về sự cần thiết của lao động.
30 tuổi, Guardiola đứng giữa một ngã rẽ quan trọng. Lúc này ông đã là một cầu thủ quan trọng của Barca, nhưng năm 2001, ông chọn rời đội bóng sang Brescia, Italy. Cuộc chia tay có nguyên nhân lớn từ Chủ tịch Joan Gaspart, người không mặn mà giữ Guardiola, dù đó là cầu thủ quan trọng trong suốt 10 năm, trụ cột của Dream Team do Johan Cruyff xây dựng.
Cuộc họp báo chia tay thậm chí chỉ có một mình Guardiola, vì Gaspart đặt một chuyến đi Thụy Sỹ để lấy cớ không tham dự.
Những sự kiện thế này thay đổi cách nhìn nhận xã hội của Guardiola. Sau khi Barca hạ Sampdoria để đoạt Cup C1 châu Âu năm 1992 trên sân Wembley, Guardiola đứng trên ban công của Cung điện Generalitat, bắt chước các chính trị gia Catalonia khi hét lớn: "Hỡi các công dân Catalonia, các bạn đã có chiếc cúp này rồi đây". Lúc ấy, Francesca, người chị gái làm việc trong văn phòng chính phủ Catalonia, ảnh hưởng lớn đến quan điểm chính trị và xã hội của Guardiola , điều mà sau này khi nhắc lại, ông tự nhận rằng "tôi cứ như một thằng ngốc".
Tình cảm thiên lệch với Catalonia, với Guardiola ở tuổi 30, là điều xuẩn ngốc, khi ông nhận thấy mình không nên thể hiện thái độ chính trị trước đông người như vậy, trong khi vẫn kết bạn, chơi thân với nhiều đồng đội ở tuyển Tây Ban Nha.
Guardiola là trụ cột trong đội hình Bara của Johan Cruyff đoạt Cup C1 năm 1992. Ảnh: EFE
Giai đoạn này, tư duy bóng đá hơn người của Guardiola bắt đầu bộc lộ rõ qua các bài báo. World Cup 1994 ở Mỹ, ông cộng tác với tờ El Pais trong mục bình luận. Guardiola viết nhiều bài xuất sắc về thể thao, với các nhân vật yêu thích như ngôi sao bóng rổ Michael Jordan, thần tượng thuở nhỏ người Pháp Michel Platini. Một số bài dạng này vẫn còn lưu trữ trên kho tư liệu của El Pais, nếu ai đó chịu khó dùng Google lục lọi. Guardiola viết rất có nhịp điệu, nhiều ví von và hóm hỉnh. Ví dụ về Michel Platini, thần tượng mà ông được chứng kiến từ thuở còn là một cậu bé nhặt bóng ở Camp Nou, khi Juventus làm khách của Barca trong một trận đấu, Guardiola viết thế này:
"Về trận đấu, không có gì đặc biệt. Về ông ấy, tôi có thể viết cả một cuốn sách. Ánh mắt tôi nhìn chằm chằm về một hướng, dính chặt vào ông ấy. Juventus thua. Có lẽ bởi ông ấy không ký tặng tôi. Ngày đó tôi còn mông lung, nhưng giờ tôi đã hiểu vì sao. Hồi đó tôi là cậu bé nhặt bóng, bây giờ tôi làm cầu thủ".
Guardiola bắt đầu mộng tưởng về chiến thuật, nghĩ ngợi và nghĩ ngợi, mọi nơi mọi lúc. "Tôi phát mệt với Pep trong suốt cả ngày dài", Laurent Blanc kể lại trong cuốn sách "Một cách thắng khác" của tác giả Guilem Balague. "Pep suốt ngày hỏi về cái này cái kia trong phòng thay đồ, khiến đầu óc tôi quay cuồng".
Louis van Gaal kể: "Tôi chọn Pep làm đội trưởng Barca giai đoạn đó bởi cậu ta biết cách nói chuyện về bóng đá. Cậu ấy có thể nói y như một nhà cầm quân, điều mà không nhiều cầu thủ làm được. Pep bảo tôi nên chọn một cầu thủ lão luyện hơn cho băng thủ quân, nhưng tôi nói: 'Cậu là người duy nhất đủ trình nói chuyện ngang hàng với tôi'".
Van Gaal sớm nhận thấy những phẩm chất của một HLV vĩ đại ở Guardiola. Ảnh: AP
Guardiola bắt đầu bị ám ảnh với những câu hỏi về bóng đá, trò truyện với tất cả mọi người quanh chủ đề trái bóng, hết HLV, các chuyên gia thể lực, đồng đội, đến những người không liên quan. Nhưng cho dù là người hết lòng như thế, ông trở thành nạn nhân của trò bẩn hậu trường tại Barca. Chủ tịch Josep Lluis Nunez bắt các bác sĩ tìm ra lý do khiến Guardiola phải nghỉ thi đấu dài hạn do "có bệnh ở đầu". Tệ hơn, chính nguồn tin nội bộ bắn ra rằng Guardiola có xu hướng tình dục đồng giới, giọt nước tràn ly khiến ông rời CLB trước khi hết hợp đồng.
"Đó là giai đoạn khó khăn. Pep cảm thấy mệt mỏi khi là đích đến của mọi lời lăng nhục. Cậu ấy không đáng phải chịu điều đó", cựu HLV Barca Carles Rexach nhớ lại.
Bất chấp tất cả, năm năm sau ngày rời Barca cho một chuyến phiêu lưu vắt qua ba châu lục là Âu - Á - Mỹ tới ba quốc gia Italy, Qatar và Mexico, Guardiola trở về Barca trong giai đoạn mà những ý niệm chiến thuật của ông đang sơ khai. Về mái nhà xưa, Guardiola bám theo triết lý của La Masia để dạy cầu thủ những gì mà chính ông được dạy khi lớn lên từ lò đào tạo này. Nhưng trước khi nhận việc, quá trình học hỏi của Guardiola có thể nhìn thấy rõ trong những bài báo trên El Pais, đợt World Cup 2006, mà ông cộng tác với vai trò tóm lược cách bóng đá thế giới vận động.
Ông ca ngợi đội tuyển Mexico lúc đó đã biết triển khai bóng từ hàng thủ, khi các hậu vệ chuyền qua lại cho nhau. Ông viết một lá thư gửi đến HLV Luis Aragones của đội tuyển Tây Ban Nha, nói rằng dù cá nhân không quen Aragones ngoài đời, nhưng rất muốn thấy đội bóng quê hương "tổ chức mọi thứ quanh trái bóng", như tư tưởng của Johan Cruyff mà ông được học. Và ông viết về 15 phút thi đấu của Lionel Messi trong màu áo Argentina ở kỳ giải trên đất Đức một cách hóm hỉnh như thế này: "Ngày hôm qua, Messi như chiếc kẹo bơ mà mẹ vẫn giữ trong túi, bọc lại cẩn thận, trước khi đưa ra để dỗ dành những đứa con khỏi khóc nhè. Cách này luôn hiệu quả, dù chiếc kẹo chỉ tồn tại trong 15 phút".
Cũng trong những bài báo này, Guardiola nhắc mọi người nhớ rằng Messi, 18 tuổi, và Iniesta 22 tuổi, là những tài năng của tương lai. Sự thật sau đó thế nào không cần nhắc lại.
Guardiola, từ khi về Man City, không còn cứng nhắc với tư tưởng bóng đá La Masia theo ông từ đầu sự nghiệp. Ảnh: AP
Ở tuổi 50, Guardiola là HLV thành công bậc nhất mọi thời đại, không còn là người áp dụng triết lý bóng đá thuần khiết của La Masia. Ông đã hình mẫu HLV có thể thích nghi với các ý tưởng và nguyên tắc chiến thuật mới.
Trong những tháng đầu tại Bayern, Guardiola muốn họ đá như Barca. Giai đoạn đó không quá tệ, Bayern vẫn thống trị bóng đá Đức và đi sâu ở Champions League, dù không giành được danh hiệu châu lục nào, và không phải người Bayern nào cũng đồng ý với cách làm đó. Sang Man City, Guardiola cũng đã chứng minh rằng thứ bóng đá tấn công kiểu Barca hoàn toàn phát triển được tại Anh. Nhưng nảy sinh một thay đổi.
"Bạn phải thích nghi với cầu thủ mà bạn có, đó là điều quan trọng nhất", Guardiola nói gần đây. "Trong mùa đầu ở Man City, chúng tôi phải làm quen với các yếu tố như trọng tài, thời tiết, các sân bóng, thể lực, các pha bóng hai. Nhưng quan trọng nhất vẫn là hiểu rõ cầu thủ của mình".
Đó là khác biệt giữa Guardiola của tuổi 40 và 50: Từ chỗ nằng nặc rằng mọi đội bóng đều phải đá kiểu Barca, ông của hiện tại mềm dẻo hơn, theo hướng chiến thuật xoay quanh con người, thay vì ngược lại. Kinh nghiệm cũng là một yếu tố, như Guardiola thừa nhận: "Rõ ràng tôi hoàn thiện hơn, kinh nghiệm chinh chiến rất có ích, đặc biệt với dân nhà nghề".
15 danh hiệu với các CLB từ sau thời kì giành 14 cúp với Barca là minh chứng sống cho sự thích nghi tuyệt vời của Guardiola với sự phát triển của bóng đá. Khi để ý rằng thứ bóng đá hiếm thấy của Barca thời Guardiola năm xưa giờ đã được phổ cập. Các "thủ môn quét" xuất hiện dày đặc, xây dựng bóng từ hàng thủ kiểu Mexico mà Guardiola tâm đắc năm 2006 đã trở thành phổ cập, Tây Ban Nha của Luis Aragones đã đá đúng kiểu Barca của Guardiola trong giai đoạn tột đỉnh vinh quang (2008-2012)... sẽ thấy rằng, trong 10 năm qua, gần như tư tưởng của Guardiola đã bao trùm sự phát triển của trò chơi.
Nhưng quan trọng nhất, như Guardiola nói: "Trước khi nghĩ về việc giải nghệ, tôi đang nghĩ có thể mình sẽ về hưu muộn hơn dự kiến". Guardiola từng nói ông không thể làm được như Alex Ferguson, tiếp tục làm việc ở tuổi gần 70. Nhưng tâm sự lần này có vẻ như Guardiola cảm thấy còn quá nhiều mảnh đất và yếu tố cho ông nghiên cứu. Ông nói thế nghĩa là Guardiola vẫn háo hức với những thử thách mới mẻ trước mặt, như 10-20 năm trước, thuở ông mới vào nghề.
Đỗ Hiếu (theo The Athletic)