Pep Guardiola – Người bôi trơn cỗ máy Barca
Buổi chiều thứ 3 vừa qua đã có một tin không vui đến từ thành phố Sant Joan Despi (Barcelona). Một tổn thương vùng lưng có thể sẽ khiến một thành viên CLB Barca phải ở lại thành phố ngay trước khi họ lên đường đến Mestalla để đối mặt với đội bóng đang đứng thứ 3 trên bảng xếp hạng La Liga, CLB Valencia.
Khi hay tin Guardiola đang bị đau lưng, HLV của Valencia, Unai Emery đã cười nói:
“Người đó không thể là Messi sao?”. Emery đang nói đùa. Là một người đam mê cờ vua và chiến lược một cách cuồng nhiệt, ông có thể bàn luận say mê hàng giờ liền về các chiến thuật trong bóng đá. Hơn thế nữa, là một người ngưỡng mộ Guardiola, Emery phải là người hiểu rõ tầm quan trọng của anh ấy hơn ai hết. Nhưng vẫn có gì đó mông lung ẩn trong lời nói của ông ấy. Không phải chỉ là vì bất kì HLV bóng nào cũng đều muốn đối đầu với một Barca không Messi. Như để minh chứng cho sự nguy hiểm của Barca khi có anh trong đội hình, Messi là người đã ghi bàn mang lại chiến thắng cho Barca trong trận đấu với Valencia, và cũng chính anh là người đã kiến tạo dọn cỗ cho Seydou Keita đệm bóng ghi bàn trong chiến thắng 1- 0 của Barca trước Real Zaragoza đêm qua.
Cuối cùng thì Guardiola đã tới Mestalla. Nhưng anh chỉ ngồi đó, một cách khó khăn và lúng túng. Sau đấy, anh được đưa tới bệnh viện và nội soi cắt lớp cho thấy một chiếc đĩa đệm cột sống đã bị trượt ra khỏi vị trí của nó. Giờ đây Guardiola chỉ có thể nhìn thấy sân Camp Nou từ giường bệnh nhưng anh không thể đến được đó, cũng chưa rõ liệu anh có thể có mặt trong cuộc đối đầu với Arsenal vào thứ 3 hay chỉ có thể chỉ đạo các buổi tập chuẩn bị trước trận đấu. Nhiều người sẽ có cùng một thắc mắc như trước chuyến hành trình của Barca đến Valencia:
“Nếu thế thì đã sao? Cũng chẳng khác biệt là mấy, đúng không?” Thật là sai lầm khi nghĩ như vậy.
Chính bản thân Guardiola đã làm cho mọi người có ấn tượng đó về anh. Mỗi lần được hỏi về bí quyết thành công của mình, anh đều đáp lại:
“Các cầu thủ đang thi đấu rất tốt.” Khi Messi ghi một bàn thắng tuyệt đẹp vào lưới Real Zaragoza, Guardiola đã quay sang một fan hâm mộ và nói:
“Nếu không có Messi, có lẽ tôi đang huấn luyện ở giải hạng 3.” Tôi chẳng làm gì cả, bạn ạ.
Nhưng không ai nghĩ thế cả. Những đóng góp của Guardiola cho Barca là rất lớn và đã được ghi nhận. Mọi người ở Catalonia đều ca ngợi anh;
“Chính Guardiola đang sắp trở thành một huyền thoại,” tờ El Pais viết . Một tờ báo thể thao ở Madrid đã cố gắng châm biếm vào cái được cho là hoàn hảo của Guardiola bằng cách gửi đến một phóng viên để hỏi anh một câu hỏi bẫy. Và họ đã có được câu trả lời đúng như mong muốn.
“Có lẽ là thật,” Guardiola đáp lại,
“có thể là do tôi xịt nước hoa quá lố.”
Nhưng trong khi Guardiola xứng đáng được ngợi khen vì những gì anh đã làm cho Barca, thì vẫn còn đó những quan niệm sai lầm về lối chơi của CLB; những sự ngộ nhận. Vâng, lúc này họ đang nói rất nhiều về lối chơi của Barca:
“Chúng tôi đã giải phóng chính mình,” Rafa Marquez phát biểu. Nhưng cái “cách” mà Barca thi đấu thì lại thật đơn giản và đầy tính tự nhiên. Đó là Autóctono (bản sắc Catalan), sản phẩm của 20 năm miệt mài theo đuổi một tư tưởng bóng đá, tất cả khởi đi từ Johan Cruyff. Có một lần người thủ quân của CLB Barca dưới thời HLV người Hà Lan - Pep Guardiola đã phát biểu:
“Đội bóng này sẽ luôn tôn trọng một triết lí bóng đá duy nhất,” và thế là một người bạn của Guardiola đã cho rằng anh
“đang hưởng lợi từ bầu sữa của Johan Cruyff”. Còn Xavi thì nói về rondo [lợn con ở giữa vòng tròn (banh khỉ)] như là tảng đá góc tường cho tất cả mọi thứ.
Đúng là vậy. Nhưng nó nghe sao mà quá đơn giản và chắc chắn. Người ta đã nói nhiều về việc Arsenal sẽ đối phó với Barca như thế nào, nhưng ở chiều ngược lại, Barca sẽ thi đấu như thế nào trước Arsenal thì liệu có mấy ai quan tâm. Tại sao vậy? À, thế là câu trả lời xuất hiện, Barca chỉ cần chơi như họ vẫn thường chơi.
Vâng. Nhưng không hẳn là vậy. Dưới thời HLV Frank Rijkaard, một thành viên trong nội bộ Barca đã quả quyết, tuy có hơi phóng đại nhưng cũng chỉ nhằm để nêu bật lên vấn đề:
“Barcelona chỉ xác định được ai sẽ ra sân vào buổi sáng trước khi trận đấu bắt đầu.” Mọi việc dưới thời HLV Guardiola cũng có thể không khác vậy là mấy. Ngay cả khi còn là một cầu thủ, Guardiola đã là một HLV, một nhà tư tưởng và là một người phát ngôn.
“Một người phát ngôn ư?” Fernando Hierro, cựu đội trưởng Real Madrid cười nói:
“Cậu ta gần như là người đã tường thuật lại các trận đấu.”
Khi Guardiola được đề nghị dẫn dắt Barca vào 2008, anh đã hỏi Tito Vilanova (trợ lí HLV và cũng là bạn thân của Pep) là liệu họ đã thực sự sẵn sàng chưa.
“Ồ,” Tito đáp,
“dĩ nhiên là rồi.” Charly Rexach (trợ lí HLV của Johan Cruyff) hồi tưởng về Guardiola
“cậu ta là người đã được chúng tôi đã giảng giải về những thay đổi chiến thuật. Nếu chúng tôi cần gì, cậu ta sẽ thực hiện điều đó.” Anh cũng đã học hỏi được nhiều điều khi còn thi đấu ở Ý và tiếp thu những kinh nghiệm của Juanma Lillo khi tới Mexico, Lillo là HLV đã huấn luyện ở La Liga trước khi ông được 30 tuổi. Chưa dừng lại ở đó, Guardiola còn tiếp tục dấn thân vào một cuộc hành hương thực sự đến miền đất thánh của bóng đá – Argentina, để tiếp xúc với Marcelo Bielsa (HLV từng dẫn dắt Argentina và cho tới tháng trước vẫn là HLV của Chile), và cựu HLV Argentina – người từng dẫn dắt Argentina đoạt chức vô địch World Cup 1978, Cesar Luis Menotti. Những cuộc đàm đạo bóng đá khi ấy có lúc đã kéo dài cả đêm.
Một số người đã cho rằng về nguyên tắc, Guardiola là một HLV tin vào sự thực dụng. Anh tạo ra phương pháp huấn luyện của mình xung quanh quả bóng. Không phải bởi anh là một người khắt khe, cho dù là vậy, nhưng là vì anh cũng muốn đội bóng của mình làm chủ trận đấu giống như những HLV khác. Như bất kì một người HLV nào, Guardiola cũng luôn lo lắng và muốn tìm ra cách thức để bảo vệ đội bóng của mình. Chỉ là phương cách Guardiola dùng để đạt được điều đó thì rất khác biệt, theo anh tấn công hay là cách phòng thủ tốt nhất. Anh sẽ tìm hiểu về lối chơi của Arsenal và băn khoăn tự hỏi làm thế nào để chống lại họ, bằng cách cố gắng tìm cách tạo ra cho họ nhiều nguy hiểm nhất có thể.
“các cầu thủ phải giữ bóng trên phần sân đối thủ càng nhiều càng tốt vì tôi luôn lo lắng khi bóng lăn trên phần sân của chúng tôi,” anh nói.
“Barca là một đội bóng tệ hại nếu không có bóng vì vậy tôi muốn các cầu thủ phải lấy lại bóng ngay lập tức và tôi thà phạm lỗi để giữ bóng trên phần sân của đối phương hơn là để nó qua phần sân của mình.” Và những số liệu thống kê đã chứng minh điều đó: số lần chạm bóng của Dani Alves trên phần sân đối phương nhiều thứ 4 ở La Liga. Trong khi anh ta chỉ là một hậu vệ cánh. Về bản chất, trong đội hình Barca chỉ có 2 trung vệ và thủ môn là chơi hơn 50% trận đấu trên phần sân nhà.
Sau đó là đến khả năng kiểm soát bóng: 9 chân chuyền hàng đầu ở La Liga đều là cầu thủ Barca. Nhưng đó không chỉ là một phương án tấn công, trong đó còn bao gồm cả sự phòng thủ.
“Trong bóng đá, không có điều luật nào quy định rằng bạn phải chuyển giao quyền giữ bóng hay là phải dứt điểm sau một khoảng thời gian cụ thể nào đó như trong môn bóng rổ, vì thế “tấn công” và “phòng thủ” đều không tồn tại trong bóng đá,” Lillo đưa ra quan điểm của mình. Ít nhất điều đó đã đúng trong mô hình của Barcelona. Vì với các cầu thủ Barcelona, tấn công cũng chính là phòng thủ; khi họ thua Arsenal trên sân Emirates, Guardiola đã tức giận với Alves không phải vì anh lên tấn công quá nhiều mà là vì anh đã tấn công không có hiệu quả. Việc Barcelona thất bại vì họ bị đeo bám trên sân là những gì bạn đã được đọc trên các tờ báo; còn theo quan điểm của Guardiola, nếu Barca tận dụng được các cơ hội thì họ đã không bị đối phương lợi dụng được sơ hở.
“Barcelona là đội bóng duy nhất phòng thủ với bóng trong chân; họ là đội bóng duy nhất nghỉ ngơi bằng cách giữ bóng,” Lillo nói.
“Các cầu thủ Barca giữ banh quá tốt, họ di chuyển rất gắn bó. Vì thế mà bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi và rời khỏi vị trí của mình khi phải chạy theo lấy bóng, thế là ngay lập tức bạn sẽ bị họ trừng phạt.” Lillo biết rõ điều đó vì đội Almeria của ông đã bị Barca đánh bại 8-0 ngay trên sân nhà của mình.
HLV của CLB Mallorca, Michael Laudrup đã phát biểu sau trận thua trước Barca gần đây:
“Họ di chuyển bóng quá nhanh đến nỗi khi bạn tới đó nó đã đi mất rồi. Kết quả là bạn kiệt sức và tuyệt vọng.” Như Rexach đã từng đề cập, thậm chí các cầu thủ Barca còn câu giờ bằng cách giữ bóng. Hầu hết các đội bóng khác đều sẽ dồn bóng vào góc sân của đối thủ, còn các cầu thủ Barca thì có khuynh hướng cầm banh giữa các nhóm cầu thủ.
Để đạt được sự vượt trội đó, khả năng kĩ thuật của mỗi cá nhân là một điều không thể thiếu, cũng giống như sức ép chính là nỗi ám ảnh lớn nhất của mỗi người HLV vậy. Nhưng việc chọn vị trí trên sân cũng quan trọng không kém. Lối chơi của Barca tất cả là nhằm để tạo ra thật nhiều về số lượng cũng như mở ra những góc độ thuận lợi cho các đường chuyền.
“Chúng tôi tập luyện rất nhiều các bài tập về vị trí,” Vilanova cho biết.
“Điều đó cung cấp cho cầu thủ những sự lựa chọn và tránh đi những nỗ lực không cần thiết.” Hành động cầm banh chạy, như câu nói nổi tiếng của Rexach,
"là dành cho những kẻ hèn nhát”.
“Đá với Sevilla, anh phải kiếm tìm bóng,” Keita chia sẻ.
“Và đây, thế là nó đến chân anh.”
Nhưng đề cao những bài tập cơ bản đó không có nghĩa là coi nhẹ sự linh hoạt hay tính sáng tạo. Cũng không phải vì lòng tin vào bản sắc của mình mà Barca coi thường những đội bóng khác. Guardiola bị chỉ trích là đã phạm những sai lầm chiến thuật trong trận đấu với Jose Mourinho mùa giải trước hay là với Wenger trên sân Emirates mới đây. Nếu điều đó là đúng, đó không phải là vì anh đã thiếu suy nghĩ. Guardiola là một dạng HLV bị ám ảnh về mọi thứ giống như Rafa Benitez (cựu HLV Liverpool).
“Bạn sẽ không nghĩ vậy đâu,” thủ môn dự bị của Barca, Pinto tiết lộ,
“Guardiola quan tâm đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất của trận đấu.” “Mỗi một quyết định được đưa ra là tùy theo đối thủ,” một cộng sự của Guardiola cho biết.
“Mọi quyết định đều được thực hiện như vậy.”
Vai trò thu hút của Messi được sử dụng lần đầu tiên vào năm 2009 nhằm làm xáo trộn đội hình Real Madrid. Và kết quả là Barcelona đã giành chiến thắng 6-2 trong trận siêu kinh điển năm đó, Christoph Metzelder (hậu vệ của Real Madrid khi đó) đã chia sẻ:
“Các cầu thủ trung vệ không thích bị lôi kéo ra khỏi vị trí của mình và chúng tôi chỉ đơn giản là không biết liệu có đeo bám cậu ta hay không.” Giống như một trợ lí HLV của Guardiola đã diễn tả điều đó một cách rất hình ảnh:
“Nếu không có “Số 9” trên sân, các trung vệ đội bạn sẽ dẫm phải chân nhau.” Giờ đây Messi đã thường xuyên giữ vai trò đó (tiền đạo ảo) nhưng mọi thứ không hoàn toàn là bất di bất dịch. Một phần là vì lí do chiến thuật, phần khác tùy thuộc vào ý muốn của chính tiền đạo người Argentina. Một giải pháp khác là dùng Zlatan Ibrahimovic, nhưng vấn đề này đã bị dở dang vì những vấn đề cá nhân.
Và điều đó có nghĩa là Barca không có phương án B, vì nếu muốn thực hiện phương án B bạn cần phải có một “gã khổng lồ” trong đội hình. Nhưng nó lại mang đến cho Barca những sắc thái và biến thể khác trong lối chơi của CLB: đó là các phương án C, D, và E. Ngoài ra, nhìn nhận sự am hiểu chiến thuật của một người HLV bằng những thay đổi về nhân sự trong một trận đấu đang diễn ra chỉ là một cách để đánh lạc hướng vấn đề; Guardiola có xu hướng thay đổi thế trận của trận đấu trước rồi mới tiến hành thay người; một HLV thành công hóa ra lại là một HLV ít can thiệp vào trận đấu nhất. Trong trận đấu với Athletic Bilbao, anh đã truyền đạt cho các học trò ngay tại đường biên, 4 cầu thủ Barca đứng thành hàng ngũ quanh cầu môn đội mình để nhận bóng từ Victor Valdes.
“Chúng tôi biết rằng họ (Athlectic Bilbao) sẽ gia tăng sức ép để khiến chúng tôi dễ bị cuốn vào lối chơi bóng bổng và họ chắc chắn sẽ giành phần thắng,” Guardiola nói. Mỗi pha di chuyển dài gần 110m. Nhưng nếu đó là việc phải làm, vậy thì hãy thực hiện nó.
Trong trận đấu với Valencia tuần trước, hàng thủ Barca đã bố trí tới 3 trung vệ và 2 hậu vệ cánh. Trong vòng 5 phút, các cầu thủ Barca cũng đã tung ra 5 đường chuyền dài chéo sân không phải đặc trưng của CLB. Ý đồ ở đây là bắt buộc các cầu thủ Valencia phải thận trọng nếu muốn dâng cao đội hình để gây sức ép lên Barca. Kế hoạch đó tỏ ra không hoàn toàn hiệu quả – mặc dù Messi đã có vô số cơ hội – và lần này thì Guardiola (đang bị đau thần kinh tọa) đã thực hiện những sự thay đổi. Pedro vào sân. Messi có được bàn thắng; đường kiến tạo đến từ chân Adriano, cầu thủ không ai ngờ tới và đang nằm trong danh sách “ưu tiên” được thay người kể từ đầu trận đấu.
Có một triết lí Barcelona mà tất cả chúng ta đều có thể nhận thức được. Đó chính là một phong cách - phong cách Guardiola, một HLV có những biểu hiện gợi lên cho chúng ta sự khắt khe và tính bảo thủ cục bộ. Ấn tượng đó không hoàn toàn là sự thật. Khi Guardiola bôn ba tới Nam Mĩ, HLV Menotti kể lại rằng ông đã được tiếp xúc với một chàng trai
“ biết nghiên cứu, học hỏi, lắng nghe, và cho thấy một khả năng quan sát lớn lao”. Và khả năng quan sát đó giờ đây anh đang dùng để chống lại các đối thủ của mình. Guardiola chỉ biết được Barca sẽ thi đấu ra sao khi anh hiểu rõ được lối chơi của đối thủ. Vào lúc này, mọi người đều đang tự hỏi liệu Arsenal sẽ ra sân với đội hình chiến thuật như thế nào trong trận đấu trên sân Camp Nou tuần này. Và Pep Guardiola cũng không phải là một ngoại lệ.
PDDK1987 (Dịch theo bài viết của Sid Lowe)
--------------
P/s: Những bài bình luận của Sid Lowe thường rất sắc sảo và chứa nhiều thông tin thú vị. Tuy nhiên việc dịch được trơn tru những bài viết của anh thì rất khó, vì vậy nếu có đôi chỗ khó hiểu mong mọi người thông cảm. Đây là link bài gốc để mọi người tham khảo: http://www.guardian.co.uk/football/2011/mar/06/barcelona-pep-guardiola