Lionel Messi: Hành trình tiến hóa của cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử
Theo lời kể từ vị HLV đầu tiên của đứa trẻ ấy, thì cậu ta đáng lẽ ra không được góp mặt trên sân vào ngày hôm đó. Đó là trận đấu của anh trai cậu ta. Nhưng họ lại thiếu mất một cầu thủ. Salvador Aparicio nhìn quanh khán đài và thấy một cậu bé nhỏ con đang chơi đùa với quả bóng một mình. Ông đành hỏi mẹ của cậu ta rằng mình có thể mượn đứa trẻ này không, bà ấy đã bảo cậu ta không biết chơi bóng đá.
Khi đứng trước cơ hội nhận bóng đầu tiên, cậu ta chỉ đứng như trời trồng nhìn quả bóng lăn đi. Có vẻ như bà mẹ đã nói đúng. Nhưng vào lần thứ hai, phép màu đã xảy ra, khiến tất cả mọi người đều sửng sốt.
“Thằng bé kiểm soát bóng và đột phá dọc sân,” Aparicio kể. “Nó vượt qua hết tất cả những kẻ muốn cản đường."
“Tôi đã hét lên, ‘Sút đi! Sút đi!. Nhưng thằng bé không thể làm điều đó. Nó còn quá nhỏ.”
Cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá vẫn chưa sẵn sàng để thực hiện nghĩa vụ mà đấng tạo hóa đã giao cho anh. Tuy nhiên, một thứ tiềm năng khủng khiếp đã hiển hiện từ trước cả khi cái chân trái nhiệm màu của anh thực sự bước vào cuộc chơi.
MỘT CẦU THỦ CHẠY CÁNH GIỎI RÊ DẮT BÓNG
Hãy tìm xem một số đoạn video xưa cũ về học viện đào tạo cầu thủ trẻ của Newell’s Old Boys – nơi khởi đầu của Lionel Messi – và quan sát một cậu bé 8 tuổi gầy gò trình diễn khả năng rê dắt bóng, bạn sẽ ngay lập tức nhận ra cậu ta là ai.
Tiếng còi bắt đầu trận đấu chỉ vừa mới cất lên, cậu bé ấy đã đánh bại 4-5 đối thủ. Những bước chân nhanh nhẹn, lắt léo, những “nụ hôn” nhẹ vào quả bóng bằng má ngoài chân trái để khiến một tay hậu vệ ngã nhào trước khi vượt qua hắn ta. Quả bóng như thể dính chặt vào chân cậu bé, nhờ đó cậu ta có thể lạn lách hoặc lao thẳng tùy thích. Phong cách ấy không thể lẫn vào đâu được.
Từ hồi đó, Messi đã mang tinh thần quyết không gục ngã trên sân đấu. Thông thường, những cầu thủ rê dắt bóng càng giỏi thì càng thích chơi mạo hiểm, mà càng mạo hiểm thì họ sẽ càng dễ “ăn đòn” nặng từ phe phòng ngự. Nhưng cậu bé của chúng ta – trước những pha truy cản quyết liệt từ đối thủ – lại có thể giữ thăng bằng tốt đến khó tin trong các tình huống đột phá của mình.
Số lần thực hiện và tỷ lệ thành công trong những tình huống rê bóng của Messi ở từng khu vực
Bạn có biết còn ai khác rê bóng giống vậy nữa không? Câu trả lời chính là Diego Armando Maradona. Bên ngoài sân cỏ, cậu bé rụt rè người Rosario hoàn toàn khác với vị thần tượng người Buenos Aires ngổ ngáo của mình, nhưng trong sân đấu, hai người họ giống nhau đến kỳ lạ: Hai cao thủ rê bóng thuận chân trái, nhỏ con nhưng mạnh mẽ, mái tóc bù xù, phong cách đột phá tương đồng nhau, kiểm soát bóng điêu luyện như thể nó là một phần của cơ thể, vút qua mọi chướng ngại vật và tạo nên những bàn thắng không tưởng.
Trong cuộc đối đầu với đội tuyển Anh ở vòng tứ kết World Cup 1986, Maradona đã có một pha ghi bàn được nhiều người coi là đẹp nhất lịch sử. Ông nhận bóng bên phần sân Argentina, chạy hơn 64 mét, vượt qua hơn nửa đội hình của đối thủ và đưa bóng vào lưới. Bất kỳ fan bóng đá nào cũng có thể tua lại chính xác từng chi tiết của siêu phẩm đó trong đầu: Xoay người, đẩy bóng dài, lượn vào, lách ra, và dứt điểm ngay trước khi bị đốn ngã bởi một cầu thủ Tam Sư. Một tuyệt tác đẹp như mộng.
21 năm sau, vào mùa xuân năm 2007, Messi - giờ đây đang là một ngôi sao ở tuổi thiếu niên - đã ghi vào lưới Getafe một bàn thắng y hệt tác phẩm kinh điển của Maradona: Nhận bóng từ bên phần sân nhà, loại bỏ 2 đối thủ, vừa chạy nước rút, vừa kiểm soát quả bóng một cách tuyệt đối, cắt vào phía trong, lượn ra phía ngoài, vượt qua nốt thủ môn - giống đến từng chi tiết.
SỐ 9 ẢO
Một số cầu thủ sinh ra để ghi bàn. Một số khác sinh ra để kiến tạo. Đa số cầu thủ chơi thấp hơn và trợ giúp quá trình phát triển bóng bằng khả năng chuyền chọt và rê dắt. Thỉnh thoảng, bạn sẽ được thấy một thần đồng có thể làm tất cả những việc trên. Những cầu thủ như vậy thường mặc áo số 10.
Messi không ngay lập tức được nhận áo số 10 khi mới chơi cho đội một Barcelona. Khi ấy nó đang thuộc về đương kim cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh, Ronaldinho, một bậc thầy kiến thiết người Brazil, tuy trên danh nghĩa là một cầu thủ chạy cánh nhưng thực chất chính là “nhạc trưởng” của hàng công với sự ngẫu hứng và óc sáng tạo vô tận. Còn nhiệm vụ của cậu trai tuổi teen Messi là sắm vai một tên “tiểu quỷ” rê bóng, ghi bàn ở cánh đối diện – một tay guitar làm nổi bật “giọng ca chính” Ronaldinho.
Mùa hè năm 2008, Messi bước sang tuổi 21, Ronaldinho rời Barcelona và tân HLV trưởng Pep Guardiola đã trao chiếc áo số 10 cho tiền đạo cánh phải trẻ tuổi của mình. Đó là một bước ngoặc trọng đại trong sự nghiệp của Messi. Không còn đơn thuần là một ảo thuật gia trên sân cỏ nữa – giờ đây anh sẽ trở thành một ngôi sao mà toàn bộ hệ thống xoay quanh.
Những “cạ cứng” Messi trong xuyên suốt sự nghiệp
Ban đầu, Messi thực hiện vai trò kiến thiết lối chơi giống như Ronaldino, từ cánh phải cắt vào phía trong ở đằng sau Samuel Eto’o để đập vỡ các hàng phòng ngự. Ngay trong mùa giải đầu tiên được Guardiola dẫn dắt, anh đã có số lần góp dấu giày vào các bàn thắng (ghi bàn + kiến tạo) chỉ kém hơn 2 cầu thủ ở Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu – một trong số đó chính là Eto’o, người đã được hưởng lợi rất lớn từ Messi.
Nhưng vào tháng 5 năm 2009, trong trận El Clasico diễn ra tại Santiago Bernabeu, Guardiola đã quyết định thay đổi mọi thứ.
Tuy Messi và Eto’o vẫn nhập cuộc tại vị trí thường thấy, nhưng sau 8 phút thi đấu, họ đã đổi chỗ: Trung phong dạt ra cánh phải, còn cầu thủ kiến thiết vào chơi trong trung lộ. Ý tưởng của Guardiola là sự điều chỉnh này sẽ khiến các trung vệ Madrid rối loạn, vì giờ đây họ không thể chỉ cần lùi sâu để phòng ngự, mà còn phải ra quyết định thật chính xác khi nào thì nên dâng lên khu trung tuyến để kèm Messi. Vai trò kỳ lạ này – chẳng phải số 9 truyền thống, cũng chẳng phải số 10 chơi phía sau một trung phong – được gọi là “số 9 ảo”.
Và canh bạc này đã thành công ngoài mong đợi.
Messi chính là người kiến tạo nên bàn đầu tiên của đội khách, bằng cách dụ một trung vệ rời khỏi hàng thủ và chuyền bóng vào khoảng trống mà anh ta bỏ lại phía sau cho Thierry Henry. Sau đó, anh tự mình ghi 2 bàn và thường xuyên khủng bố hệ thống phòng ngự của Madrid ở trung lộ trong chiến thắng 6-2 của Barcelona. Guardiola đã hài lòng đến mức tái hiện chiến thuật này trong trận chung kết Champions League với Manchester United vài tuần sau đó, và Messi đã có một pha đánh đầu ghi bàn như thể một trung phong thực thụ.
Thế là kỷ nguyên số 9 ảo của siêu sao người Argentina chính thức bắt đầu.
Anh đã trở thành một siêu tân tinh. Cho đến thời điểm đó, sau 8 thập kỷ đã trải qua, kỷ lục ghi bàn trong một mùa giải của La Liga là 38, được chia sẻ bởi Telmo Zarra (năm 1950) và Hugo Sanchez (năm 1990). Từ năm 2009 đến 2013, Messi đã ghi trung bình hơn 40 bàn mỗi mùa! Đỉnh cao chính là mùa 2011-12, khi anh ghi tới 50 bàn, đồng thời đạt thành tích kiến tạo đứng thứ hai tại Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Thế là 4 Quả Bóng Vàng liên tiếp đã đến với Messi như một lẽ tất yếu.
Còn Barcelona, sau khi chinh phục hết mọi đấu trường mà mình tham dự vào mùa giải 2008-09, họ đã 3 lần giành chức vô địch La Liga trong 4 mùa giải tiếp theo và thêm 1 lần đăng quang ở Champions League vào năm 2011.
Bí quyết phía sau thành công này là giao cho Messi đảm nhiệm cùng lúc 2 công việc: Anh hoạt động như một tiền vệ trong quá trình triển khai bóng, đóng góp 8% số đường chuyền của Barcelona trong các tình huống mở, cùng Xavi, Andres Iniesta và Sergio Busquets tạo nên một bộ tứ huyền ảo, bên cạnh đó, siêu sao người Argentina cũng luôn tìm ra cách để trở thành người dứt điểm trong vòng cấm, số pha ghi bàn của anh chiếm tận 50% tổng số bàn thắng của Barcelona trong các tình huống mở vào thời chơi số 9 ảo.
Giống như những màn biểu diễn ảo thuật, điểm mấu chốt chính là khoảnh khắc mất tập trung của khán giả. Messi lùi sâu, sắm vai một số 10, một cầu thủ kiến thiết. Anh chuyền quả bóng đi. Bạn rời mắt khỏi anh ta trong chốc lát. Úm ba la, anh ta biến thành một trung phong, một tay săn bàn. “Đừng cố viết về Messi, đừng cố miêu tả cậu ấy,” Guardiola nói với các nhà báo. “Hãy chỉ chiêm ngưỡng cậu ấy mà thôi.”
Tài năng của chàng trai này là độc nhất vô nhị.
WIDE PLAYMAKER (CẦU THỦ KIẾN THIẾT CHẠY CÁNH)
Có thể nói, ít ai ảnh hưởng đến sự nghiệp của Messi – theo cả 2 hướng tích cực và tiêu cực – nhiều hơn Neymar.
Với sự xuất hiện của thiên tài người Brazil tại Barcelona vào năm 2013, vai trò số 9 ảo của Messi đã chẳng còn phù hợp nữa khi mà trong đội có một tiền đạo cánh thích cầm bóng đâm vào phía trong từ cánh trái, làm chậm trận đấu và đẩy anh vào thế bị vây chặt trong trung lộ. Mùa giải đầu tiên họ chơi cùng nhau cũng là mùa giải tệ nhất của Messi trong nhiều năm trời: Chỉ ghi 28 bàn và có 11 pha kiến tạo, đứng thứ 3 tại top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Thế là Barcelona quyết định chiêu mộ siêu tiền đạo Luis Suarez của Liverpool, qua đó đưa Messi về lại cánh phải.
Một hàng công được tạo nên bởi Messi-Suarez-Neymar chẳng khác nào chơi Grand Theft Auto mà dùng “cheat code” cả. Barça đã giành cú ăn ba thứ hai vào mùa giải 2014-15, với một thứ bóng đá biến ảo hơn, trực diện hơn so với thời tiki-taka trong khi để bộ ba siêu sao của họ được hoạt động với sự tự do trên sân đấu. Dĩ nhiên Messi lại tiếp tục là cái tên rực sáng hơn hết, liên tục hủy diệt các đối thủ từ cánh phải. Mùa xuân năm 2015, trong trận chung kết Copa del Rey, anh đã ghi một trong những bàn thắng nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của mình: Tự thân đi bóng đánh bại toàn bộ sườn trái của hệ thống phòng ngự Athletic Bilbao trước khi đưa nó vào lưới.
Nhưng trong khi hàng công của Barcelona đã đạt đến một tầm cao mới, thì trung tuyến phía sau họ lại đang có những biến động đáng lo ngại.
Tiền vệ nhạc trưởng kỳ cựu của họ là Xavi đã ra đi vào năm 2015 ở tuổi 35, và Iniesta cũng nối bước theo sau 3 năm sau đó, ở tuổi 34. Họ đã được thay thế bằng những tiền vệ cơ bắp chơi thiên về hướng “công nhân” thay vì “nghệ sĩ”, chạy và phòng ngự thay cho Messi trong khi trách nhiệm sáng tạo của anh trở nên lớn hơn trước rất nhiều.
Một Messi già dặn trong vai trò wide playmaker đã không còn sự ngông cuồng của cậu tiền đạo cánh trẻ tuổi thuở xưa. Càng lớn tuổi, cách chơi của anh càng trở nên tối giản, gọn ghẽ hơn – dễ đoán hơn, nhưng đồng thời cũng nguy hiểm hơn.
Khi Messi nhận bóng ở cánh phải, ai cũng biết rằng anh sẽ cắt vào trong, nhưng kỹ năng của siêu sao người Argentina đỉnh đến mức dường như cách duy nhất để ngăn chặn điều đó là tập trung toàn tâm toàn ý vào việc phòng ngự hướng 9 giờ của anh và chấp nhận để lộ ra một con đường dẫn thẳng tới khung thành.
Còn nếu không, anh sẽ đi bóng vào phía trong sân đấu, băng ngang qua hàng thủ và đưa ra sự lựa chọn từ một menu những cách thức để làm tan nát trái tim họ. “Sát chiêu” thường thấy là những pha phối hợp đập nhả nhanh với các đồng đội rồi tung ra một cú cứa lòng đẹp mắt. Nhưng nếu một trung vệ dâng lên để truy cản Messi, thì anh sẽ tung ra một pha kiến tạo sắc lẹm để trao cơ hội cho Suarez hoặc chuyền ngang cho một tiền vệ đang được tự do ở phía cánh trái.
Một trong những “chiêu thức” yêu thích của Messi là thu hút hàng phòng ngự đối thủ về phía mình rồi tung ra một đường chuyền chéo sân đưa bóng vào đường chạy của một đồng đội đang thoát ra phía sau họ từ bên cánh trái. Hậu vệ trái Jordi Alba đã trở thành một trong những chân kiến tạo xuất sắc nhất của Barcelona thông qua việc học cách đón lấy những đường chuyền này của Messi thật nhuần nhuyễn và tiếp tục căng ngang hoặc trả ngược cho một đồng đội đang lao tới khung thành – thường thì người đó chính là Messi!
Năm 2017, vì quá chán nản với việc đứng sau cái bóng quá lớn của Messi, Neymar đã quyết định chuyển đến Paris Saint-Germain, còn Barcelona thì thu về một khoản tiền khổng lồ, và nhanh chóng phung phí chúng vào những bản hợp đồng đắt đỏ nhưng không phù hợp với hệ thống. Trong 4 năm tiếp theo, khi Messi đã bước sang tuổi tam tuần, sự phụ thuộc của Barça vào anh đã lớn đến mức trở thành một căn bệnh trầm trọng được giới truyền thông Tây Ban Nha gọi là “Messidependencia”.
Hàng công của Barça vẫn tạo ra được các bàn thắng, nhưng chủ yếu là nhờ tài “gánh team” tuyệt vời của Messi. Đôi chân nhanh nhẹn và khả năng đọc vị các hậu vệ tốt phi thường đã cho phép siêu sao người Argentina có thể dứt điểm trong những tình huống mà không nhiều cầu thủ làm được điều đó. Anh đã liên tục đoạt Pichichi từ năm 2016 đến 2021, và đứng đầu châu Âu về số pha lập công 3 trên 5 mùa giải đó.
Theo mô hình “bàn thắng kỳ vọng” của Statsbomb, trong suốt sự nghiệp chinh chiến ở Top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, số bàn thắng mà Messi đã ghi nhiều hơn tận 44% so với con số mà một chân sút trung bình có thể tạo ra từ những cơ hội tương tự nhau – thật không tưởng! Đã thế, vào giai đoạn nửa sau của sự nghiệp, anh đã tiến hóa thành một chuyên gia sút phạt hàng đầu thế giới.
Sở trường của Messi là những cú sút tầm thấp, mạnh và chính xác vào một trong hai góc dưới của khung thành.
TIỀN VỆ SÁNG TẠO LÙI SÂU
Giữa độ tuổi tam tuần, đôi chân Messi đã trở nên nặng nề. Dù vẫn rê bóng ở một đẳng cấp hiếm ai sánh bằng, nhưng giờ đây các tình huống qua người của anh chỉ còn là những pha đột phá quãng ngắn để tìm tới khoảng trống thay vì một chuyến tàu tốc hành băng băng lao tới khung thành. Để bù đắp cho sự sa sút về tốc độ, Messi đã học cách lùi sâu vào trung tuyến hơn và quan sát các chân chạy ở phía trước, sau đó tung ra những đường chuyền ch.ết chóc bằng cái chân trái thần kỳ ở mọi cự ly.
Nhưng Messi đã chẳng còn mục tiêu nào để chinh phục ở bóng đá cấp CLB nữa. Thời điểm ấy, điều mà anh mong muốn nhất là chiến thắng cùng ĐTQG Argentina sau những thất bại cay đắng ngay trước ngưỡng cửa thiên đường. Đáng buồn thay, dù xuất chúng đến vậy, nhưng Messi chưa bao giờ được chơi trong một hệ thống thực sự phù hợp với mình tại ĐTQG.
Tuy nhiên, trong vai trò một tiền vệ sáng tạo vào giai đoạn hoàng hôn của sự nghiệp, anh đã được sát cánh cùng những mảnh ghép hoàn hảo để hiện thực hóa giấc mơ cuối cùng của mình. Tại Copa America 2021 và World Cup 2022, Messi có một “tay bảo kê” luôn hết mình bảo vệ anh ở bên phải hàng tiền vệ, một chân chuyền cừ khôi ở đáy tuyến giữa để đưa bóng đến cho anh, những tiền đạo trẻ trung năng động ở phía trước anh và các chân chạy ở cánh trái. Tất cả những gì Messi phải làm là tập trung cầm trịch show diễn, xõa hết mọi tinh túy của bản thân.
Tại Copa America 2021, Messi đã chinh phục Nam Mỹ với tư cách vua phá lưới, vua kiến tạo và là cầu thủ có số pha rê bóng thành công đứng thứ hai giải đấu, sau Neymar của ĐTQG Brazil, đối thủ mà Argentina đã đánh bại trong trận chung kết.
Đến World Cup 2022, màn trình diễn của Messi ở Qatar như thể một bộ phim tài liệu về toàn bộ sự nghiệp của anh, tập hợp những đoạn “highlight” từ tất cả các phiên bản Lionel Messi tốt nhất.
Có một Messi kiệt xuất trong việc rê dắt và kéo bóng từ dưới sâu ở cánh phải, đánh bại hoàn toàn gã trung vệ trẻ đình đám Josko Gvardiol của Croatia trước khi kiến tạo cho Julian Alvarez. Có một Messi số 9 ảo thực hiện những pha phối hợp bóng ngắn tốc độ cao để xuyên phá hàng thủ tuyển Pháp và ghi bàn ở hiệp phụ trận chung kết. Có một Messi Wide Playmaker đã di chuyển cắt vào trung lộ để tung ra một cú cứa lòng vào lưới Australia và thực hiện một pha sút xa hoàn hảo vào góc dưới khung thành Mexico. Có một Messi phiên bản tiền vệ sáng tạo lùi sâu đã rê bóng qua hàng tiền vệ của Hà Lan và tung ra một pha chọc khe không tưởng kiến tạo cho Nahuel Molina.
Kết cục của trận chung kết đã được định đoạt bằng những quả penalty – một khía cạnh hiếm hoi bị đánh giá là chỉ ở mức trung bình của Messi, như thể một vết tích còn sót lại của cậu bé còn quá nhỏ để sút vào khung thành thuở xưa. Nhưng lần này, anh đã thành công – với một cú dứt điểm hiểm hóc vào góc dưới bên trái khung thành, khiến Hugo Lloris dù đoán đúng hướng nhưng chẳng thể cản phá – và ít phút sau, Argentina lên ngôi vô địch.
Trong một khoảnh khắc giữa buổi ăn mừng, Messi đã trở lại là một cậu bé, được các đồng đội cõng trên vai, diễu hành quanh sân vận động với chiếc cúp vô địch trên tay và niềm vui trẻ thơ thuần khiết trên khuôn mặt.
Nam Khánh (bongda24h)
Theo John Muller (The Athletic)