Messidependencia_Từng là bá chủ
Messidependencia- “Từng là bá chủ”
Tôi lấy nhan đề của một cuốn sách bán chạy về nước Mỹ để đặt tên cho bài báo của mình bởi tôi nhận thấy rằng, trong vài năm qua, những gì đã diễn ra với Messi và Barca cũng giống hệt như những gì đã diễn ra với nước Mỹ và thế giới trong một vài thập kỷ gần đây.
Trong thập kỷ 90 của thế kỷ 20 và những năm đầu của thế kỷ 21, nước Mỹ đóng vai trò như là siêu cường kinh tế duy nhất của thế giới. Nước Nga chìm trong hỗn loạn thời hậu Xô viết, nước Nhật vẫn chưa gượng dậy từ sau cú vỡ bong bóng bất động sản còn Trung Quốc lúc ấy vẫn chỉ ở dạng tiềm năng. Khi kinh tế thế giới khởi sắc, động lực chính là nước Mỹ. Khi kinh tế thế giới gặp những cú sốc, thường những cú sốc ấy đến từ nước Mỹ. Không một nước nào ngoài Mỹ đủ sức xoay chuyển cục diện kinh tế thế giới cả. Nói một cách hình tượng, “khi nước Mỹ hắt hơi, cả thế giới cảm lạnh”.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, trong lòng đất nước Tây Ban Nha cũng tồn tại một thế giới và một nước Mỹ như thế- Barca và Messi. Kể từ sau mùa bóng kỳ diệu 2008-2009, trong bộ ba hủy diệt làm nên thành công của Barca, Eto’o đã ra đi, Henry già cỗi, chỉ còn lại Messi tiến bộ không ngừng. Qua từng mùa bóng, báo giới lần lượt phải dùng hết bút mực để ca ngợi tài năng thiên bẩm của anh nhưng đi kèm với đó, một nỗi lo xuất hiện- hội chứng Messidependencia- chứng phụ thuộc Messi. Trận tứ kết Champions League lượt đi mùa 2009-2010, Barca bị Arsenal cầm hòa 2-2, không sao cả, lượt về Messi giải cứu họ bằng một cứ poker mà Wenger gọi là “còn hơn cả Play Station”. Trận tứ kết lượt đi mùa trước, Messi chấn thương vẫn phải ra sân trong trận gặp PSG, và anh đóng góp một pha kiến tạo quyết định giúp Pedro ghi bàn duy nhất cho Barca. Messi ghi bàn, Messi kiến tạo, Messi quấy rối, Messi khơi nguồn cảm hứng. Messi là bá chủ. Đến khi Messi bị chấn thương và không thể gắng gượng được nữa, Barca tan tát trước sức mạnh của Bayern. Khi Messi hắt hơi, cả Barca cảm lạnh.
Vài năm trở lại đây, Mỹ đã không còn là bá chủ nữa. Họ vẫn là số 1, nhưng không phải là duy nhất. Quyền lực kinh tế, chính trị bị san sẻ bớt cho châu Âu, Nga và nhất là Trung Quốc. Khi Tata lên nắm quyền tại Camp Nou mùa hè này, những cules cũng kỳ vọng ông sẽ giải quyết được vấn đề tương tự của Barca-tìm ra một (hay một vài) người san sẻ được vai trò của Messi. Cho đến thời điểm này, mùa giải vẫn còn dài và quá sớm để khẳng định chắc chắn bất cứ điều gì, tuy nhiên những nét tích cực đã bắt đầu xuất hiện, và ngày càng được củng cố vững chắc. Bản hợp đồng bom tấn Neymar, sau những chuệch choạc ban đầu, đã chứng tỏ cho người hâm mộ thấy mình xứng đáng tới từng xu trong 57 triệu euro Barca đã bỏ ra. Trong nhiều trận, điển hình là trận El Classico, chính Neymar chứ không phải Messi mới là đầu tàu, là nguồn cảm hứng đưa Barca đến chiến thắng. Sanchez, sau hai mùa giải mờ nhạt, đã bắt đầu bước ra ánh sáng và trở lại hình ảnh đích thực của mình, một tiền đạo hội đủ sức khỏe, tốc độ và cả kỹ thuật siêu việt.
Và, trong trận gặp Betis rạng sáng ngày 11.11, Messi chấn thương gân khoeo và phải ra sân sớm, một điều đáng buồn nhưng cũng là dịp để người hâm mộ kiểm chứng lại hiệu quả của Barca khi thiếu vắng anh. Cho đến khi trọng tài thổi còi mãn cuộc, các cules đã có thể thở phào nhẹ nhõm. Hãy nhìn cú nước rút từ giữa sân đầy khát khao và nhiệt huyết của Pedro, kết thúc bằng một cú cứa lòng mượt như “Titi” Henry thời đỉnh cao. Hãy nhìn cú vẩy má ngoài sắc lẹm của Iniesta loại bỏ toàn bộ hàng phòng ngự đội chủ nhà, tạo điều kiện cho Montoya kiến tạo cho Fabregas ghi bàn. Tất nhiên, không thể không nhắc đến cái tên sau cùng khi anh đã lập một cú đúp. Messi vẫn là số 1- đơn giản vì anh là tài năng có một không hai trong thế giới bóng đá đương đại nhưng khi vắng bóng anh, đã có những người hùng khác đứng lên ghé vai gánh vác. Có thể một ngày nào đó họ sẽ thua, vì đó là điều tất nhiên trong bóng đá, nhưng thua một trận bạc nhược cả về thế trận lẫn tinh thần như hai trận với Bayern mùa trước thì chắc sẽ không còn nữa.
Messidependencia- đó đã từng là một căn bệnh mãn tính của Barca, nhưng chỉ từng là…