Cuộc cách mạng mini từ “bàn giấy” của Tito
Có vẻ những âu lo xuất hiện trên sân Reyno de Navarra của Osasuna đã lùi vào dĩ vãng. Tại đấu trường Coliseum hôm qua, đội quân xứ Catalan đã có 1 chiến thắng cách biệt trước đối thủ khó chơi Getafe. Đã lâu lắm rồi, những cule mới được hưởng tâm trạng không màng đến diễn biến trận đấu ở những phút cuối cùng. Cũng phải thôi, trong 1 trận đấu họ ghi tới 5 bàn để có chiến thắng 4-1, khi đối phương gần như không có nổi 1 cơ hội rõ ràng nào, khi đối thủ lớn nhất của họ gục ngã tại Sevilla, khi khoảng cách đã là 8 điểm, họ có Quyền.
Ở thời điểm đó. nhân vật chính của chiến thắng này đang ngồi lặng lẽ trên khán đài và ghi chép. Ông là Tito – người đã làm nên một cuộc cách mạng mini trong phòng thay đồ của Barca.
Điểm sáng từ những sự trở lại
Đầu tiên là sự trở lại hoàn hảo của Thiago. Chẳng ai có thể nghĩ cầu thủ này đã xa sân cỏ từ lâu, nếu chứng kiến những tình huống khống chế bóng mềm mại, pha đi bóng kỹ thuật và dứt điểm hiểm hóc mà chỉ tài năng của thủ thành và xà ngang mới ngăn cản bóng vào lưới.
Tiếp đó là sự trở lại đầy cảm hứng của Villa với pha chạy chỗ, khống chế, đè người và dứt điểm chuẩn xác làm người xem đôi chút tiếc nuối với những chữ “nếu”. Quả thật, nếu có anh, nếu Tito không đặt niềm tin mù quáng vào Tello, thì Siêu Cúp đã không ở Madrid giờ này.
Tuy nhiên ở 1 chiều ngược lại, sự “mù quáng” của Tito lại đem về 1 cầu thủ “gần giống Xavi” nhất, đó là Cesc. Bị chỉ trích và hoài nghi từ đầu mùa đến giờ, tuy không thể nói phong độ trước Getafe là chói sáng, nhưng Cesc phần nào đã lấy lại được niềm tin của người hâm mộ. Không quá nổi bật, nhưng những pha điều phối bóng đĩnh đạc, nhãn quan tốt, xử lý bóng đơn giản cùng 2 lần tạo cơ hội ghi bàn cho đồng đội là thông điệp vô cùng tích cực gửi đến Tito đang ngồi trên khán đài.
Điểm sáng phong độ
Ngoài sự trở lại ấn tượng của Thiago, Villa và Cesc, không thể không nhắc đến phong độ xuất sắc của Xavi, chính anh là cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu hôm qua, với những pha xử lý uyển chuyển quen thuộc mà từ đó không những duy trì được sự mềm mại của cả hệ thống mà còn giúp Barca áp đảo tỷ lệ kiểm soát bóng (67% so với 33%, ở hiệp 1, có thời điểm Barca kiểm soát đến 71% thời gian).
Bên cạnh đó, sự vững chắc và chính xác của bộ tứ Montoya, Puyol, Pique và Adriano đã giúp Barca hầu như không chịu một sức ép nào từ phía đội chủ nhà. Đặc biệt bộ đôi trung vệ thi đấu lăn xả (trường hợp của Puyol) và thông minh (Pique) đem lại sự tự tin cần thiết cho 1 Montoya tuy trẻ tuổi nhưng thi đấu rất chững chạc mà nếu tỉnh tổng điểm công và thủ, số 19 không hề thua kém Alves.
Điểm sáng từ “cuộc sống vắng Messi”
Nếu quan sát kỹ, ở Coloseum hôm qua, Barca vận hành lối chơi khá “lạ” so với những trận đấu có mặt Messi. Ngoài hàng hậu vệ 4 người mà ở đó, vẫn thường thấy Pique có lúc thi đấu như 1 tiền vệ (chỉ để Puyol chốt dưới cùng hàng phòng ngự) thì cách bố trí hàng tấn công “không Messi” của Tito không có 1 cầu thủ cố định thay thế vị trí của số 10. Thật vậy, với Busquet đá trụ thấp nhất, ở ngay bên trên là sự có mặt của bộ 3 Cesc (cánh trái), Xavi (giữa, thấp hơn), Thiago (cánh phải) trong khi hàng tiền đạo là Tello (cánh trái) và Pedro (cánh phải). Như vậy vị trí trung tâm hàng tiền đạo “được” bỏ trống và tùy thuộc vào cách dàn xếp tấn công (theo cánh nào hoặc theo “kèo” nào của Xavi) mà hoặc Cesc hoặc Thiago sẽ nhô cao, chiếm lĩnh không gian để dứt điểm. Đó rõ ràng là một cách điều chỉnh đánh chú ý cho những ngày tháng (nếu có) “vắng Messi”.
Bên cạnh đó là tần suất đảo cánh giữa Tello và Pedro càng ngày càng nhiều, rõ ràng không phải là ngẫu nhiên mà theo người viết, đó là giải pháp khả dĩ để sử dụng tối ưu 2 cầu thủ này, cũng như tạo sự bất ngờ và khó bắt bài cho đối thủ.
Hãy tạm chưa bàn đến tính hiệu quả của lối đá này, nhưng dù sao đó là 1 nét mới trong chiến thuật của Tito, nó giúp 1 số lượng áp đảo cầu thủ tham gian tấn công cũng như phòng thủ ở tuyến giữa. Do vậy việc làm chủ hoàn toàn khu trung tuyến mặc nhiên được duy trì trong suốt trận đấu.
... Và từ sự tự tin
Hôm qua ở Coliseum không có Messi, không phải anh chấn thương, cũng không chịu án phạt, mà đó là quyết định của Tito, 1 quyết định khẳng định niềm tin vào chiến thắng và vào chính bản thân của Tito, 1 quyết định có lẽ là rất bình thường của bất kỳ HLV nào sau cơn bão Fifa đi qua những lại quá khó với Pep trong suốt mùa bóng trước.
Barca rõ ràng đã không đá hay hơn (thậm chí là tệ hơn nhiều) khi không có Messi. Ở Barca hiện nay (và có thể là mãi mãi) chẳng ai thay thế nổi anh ở vai trò “tổng hợp”: nguồn cảm hứng, người phối hợp, chân chuyền, người dứt điểm v.v và v.v nhưng để kiên quyết để dành số 10 cho những mục đích cấp thiết hơn đó là cái cách Tito đã làm từ loạt trận giao hữu đầu mùa đến giờ. May thay, đây là quyết định vô cùng đúng đắn bất chấp cách lý giải có phần ngụy biện cho nỗi sợ hãi thua trận: “Messi cần thi đấu thường xuyên để duy trì hưng phấn”.
Đó chẳng phải là cuộc cách mạng mini mà Tito đã đem lại từ khán đài sân Coliseum hay sao?
Nhưng ...
Bên cạnh những điểm sáng nêu trên, không thể không chỉ ra những hạt sạn không nhỏ trong cách dùng người và triển khai lối chơi của Tito
Thứ nhất, đó vẫn là sự tin dùng thái quá của Tito đối với Tello. Có lẽ không nhiêu người hiểu tại sao số 37 lại xuất hiện “đều đặn” và “lâu” đến thế, sau những màn trình diễn không cho thấy bất kỳ sự tiến bộ nào từ đầu mùa đến giờ.
Theo dõi kỹ Tello, càng thấy cầu thủ trẻ này quá thiếu kỹ năng chơi bóng, từ khả năng quan sát không tốt (có thể do kinh nghiệm), dắt bóng “1 kèo” rất dễ bắt bài, đi bóng quá dài, dứt điểm quá “lành”, thường chỉ là những quả sửa lòng chân phải không có độ “phê” nên bóng không cuộn vào trong mà có xu hướng đi thẳng, đó là chưa nói đến những kỹ năng “nâng cao” như chích hay lốp bóng – điều mà 1 tiền đạo cần có. 3 cơ hội khá rõ, 3 lần dứt điểm cùng 1 mẫu số chung, và đều không gây bất kỳ khó khăn nào cho thủ môn đối phương, Tello lại có 1 trận đấu đáng quên mà sự thay thế bằng Villa bị nhiều người cho là quá muộn màng. Đành rằng phải có những trận đấu thử lửa kiểu như hôm qua, thì những Xavi, Iniesta hay Messi mới có ngày hôm nay, nhưng cách “chín ép” như vậy có làm thui chột một tài năng trẻ?
Thứ hai, bên cạnh những cầu thủ đạt phong độ cao hôm qua, chợt thoáng qua là những ưu tư về phong độ của Mascherano, mấy trận gần đây “ông chủ nhỏ” đột nhiên thi đấu kém an toàn một cách đáng báo động. Không kể bàn thua duy nhất có dấu giầy của số 14 mà một loạt những tình huống “biến dễ thành khó” của anh làm thót tim Valdes.
Thứ ba, quả thực Barca không chỉ sống bằng hơi thở của Messi mà đội bóng này đang sống bằng “nỗi sợ hãi Messi” của đối thủ. Không có anh, chẳng có ai để hút hậu vệ đối phương như 1 thỏi nam châm, dù có Tello, Pedro, Cesc hay Xavi, chúng ta vẫn thấy thiếu 1 cầu thủ có thể phối hợp 1-2 dễ dàng với họ, thiếu nhãn quan phi thường để có những đường chuyền sắc lẹm cho tiền đạo ghi bàn và quan trọng hơn cả, Barca thiếu 1 cầu thủ chạy ở trục giữa có thể dứt điểm tốt bằng cả 2 chân sau những pha dàn xếp từ cánh.
Thật vậy, người xem có thể dễ dàng nhận thấy Pedro đột nhiên biến mất trong 60 phút trận đấu hôm qua. Vắng Messi, Barca đã mất đi 1 cầu thủ thu hút hậu vệ đối phương, đột nhiên, tầm hoạt động của Pedro hạn chế hẳn, sự xoay sở của số 17 cũng giảm sút vì anh chưa bao giờ nổi bật về kỹ thuật cá nhân trong phạm vi hẹp đủ để “độc lập tác chiến” tự tạo cơ hội cho bản thân. Trong khi đó 30 phút cuối cùng, sự xuất hiện của số 10 đã làm sống lại 1 Pedro (vốn bạc nhược từ trước đó), 2 cú dứt điểm liên tiếp ở cánh phải (thậm chí là cánh không phải sở trường) cũng là nhờ sự thu hút khoảng 4-5 cầu thủ hậu vệ Getafe trong 1 diện tích khoảng 30m2 xung quanh Messi.
Barca tạm thời rời Liga với 12 điểm tuyệt đối và 8 điểm xếp trên Real, nhưng tại đấu trường châu lục, một trận đấu tại Moscow đang chờ đón họ và chẳng bao giờ là dễ dàng. Nhưng với những điểm sáng của trận đấu hôm qua, chiến thắng ở nước Nga xa xôi thực sự không quá xa xôi với đoàn quân xứ Catalan.
Trung Sĩ Pepper@Facebook