KẺ SỸ: Cội nguồn cảm hứng sáng tạo & Xuất xứ
KẺ SỸ: Cội nguồn cảm hứng sáng tạo & Xuất xứ
Mùa Xuân đến đang phả những làn sương khói của mình vào mặt đời. Biết bao nhiêu ý tưởng tuyệt vời của con người đã được phôi thai để rồi bùng lên hoặc phôi pha trong sương khói ấy. Bởi trời ơi nó quá gợi cảm. Và đất ơi nó quá bao dung. Nó thật mông lung. Cái mông lung tơ trời ấy nó cứ gợi ra biết bao linh ảnh. Những là hư ảnh của Thái Cực, ảo ảnh của Vũ Trụ, quái ảnh của của những tư tưởng trác việt. Nó đích thực là một trong những nguồn yên-sỹ-phi-lý-thuần (từ Hán Việt phiên âm từinspiration, có nghĩa là cảm hứng sáng tạo) khuấy động lòng người đa đoan.
Nghĩ thương con sóng từ trong trứng
Vừa mới sinh ra… đã bạc đầu!
Giời đất bày ra đầy cảnh huống, mỗi cảnh huống trôi đi rồi ai chả có lúc luống những ngậm ngùi. Mà đứng giữa Trời và Đất thì ai cầm lòng mà không ngậm ngùi cho đặng?! Bâng khuâng đứng giữa hai ngôi vĩ đại đó là Con Người. Nó được lây hai đối mà thuận khí đấy cho nên mới sinh raai, lạc, hỷ, nộ, ái, ố, dục. Tức là gì thì gì Người vẫn phải theo Trời và Đất. Nhưng mà theo Trời hay theo Đất? Hay phải theo cả hai? Mà theo như thế nào mới được chứ? Hình như đâu đó đã có một câu mật chú của Tạo Hóa rằng Con Người được quyền sáng tạo theo ý Trời và bắt chước Đất. Thế là Trời Đất bao la đấy mà đầy khuôn phép, làm cho Người cứ phải trải bấy những bể dâu.
Ô, cái kiểu tâm tưởng như vầy rõ là đang luận về Kẻ Sỹ đấy. Kẻ Sỹ thì phải làm sao?
I – CỘI NGUỒN CẢM HỨNG SÁNG TẠO
1. Thiên nhiên
Theo các sử ký, giai thoại, ngẫm thực tế xưa nay và cả từ những lời đồn thì cái yên-sỹ-phi-lý-thuần nó đến với Kẻ Sỹ ở nhiều dạng lắm.
Nói về thi hứng thì hầu như ai cũng đã từng nghe đến yên, ba, tuyết, nguyệt, hoa của dòng Nhã Thi xưa và nay. Mà Trời bày ra thiên nhiên đẹp thế thì thiên hạ này có rất nhiều thi sỹ cũng là phải lắm.
Mỗi cảnh giới một cảnh đời phơi phới
Mà trần thế… nhiều tiếng kêu ơi ới
Kêu ơi ới là phải lắm! Đẹp quá thì phải kêu lên cho nó thỏa. Cái đẹp nó làm cho nao lòng thì phải kêu lên chứ. Rồi khi nao lòng vì cái đẹp bị bầm dập thì cũng phải kêu như kêu xe cứu thương ấy. Cũng tựa như bực quá thì phải chửi tục một câu thật đích đáng thì mới hả vậy. Chúng ta đã được nghe nhiều những lời thượng thanh khí về muôn vàn cảnh sắc thiên nhiên từ các bậc thánh thi như Bashô – người ngắm hoa rồi nhập hồn vào hoa luôn, William Wordsworth – người yêu đến mức tôn thờ Thiên Nhiên rồi được Thiên Nhiên nâng hồn mình lên thượng tầng vũ trụ như thể nhập Nát Bàn vậy; rồi Lý Bạch, Tagore, Tản Đà, Hàn Mặc Tử… A, xin hãy nghiêng mình trước Tagore – thơ của người như những cành hoa ném xuống dòng nước cuộc đời làm nó bắn lên tung tóe những hạt ngọc muôn màu.
Chính cũng từ cái tâm thế ấy đối với tự nhiên mà đã có nhiều Thánh Nhân tìm ra được cái tuyệt mật của Vũ Trụ. Không tin thì quý vị hãy đến với Trang đi. Con bướm của ông đã đi vào huyền thoại và Huyền Học của muôn năm bất diệt! Bướm thật nhảm mà thật diệu kỳ của sinh sinh hóa hóa, bướm của quy luật muôn đời, bướm của luân hồi và nghiệp chướng, bướm triết học, bướm văn chương, bướm của đau thương luân lạc, bướm thanh khinh như hạc, bướm trọc tục như đời, bướm tơi tả xù xì như gốc si già,… Ôi, bướm tuyệt vời của ngàn đời muôn kỷ. Tương truyền rằng sinh thời bản thân Trang cũng rất mê bướm nên ông mới có giấc mơ thấy mình hóa bướm huyền diệu đó.
2.“Doping”: tửu, sắc và thuốc phiện
Chắc hiếm có ai chưa từng say rượu nhỉ. Tửu, sắc và thuốc phiện. Những biểu vật đích thực của suy đồi nhưng đồng thời cũng là yên-sỹ-phi-lý-thuần cho biết bao tuyệt tác từ chương, tư tưởng, chính trị, quân sự, cả suy đồi lẫn cách mạng. Tôn rượu làm bà đỡ cho những đứa con tinh thần xin được kính phục các bậc như Lưu Linh – một bậc Túy Vương nhưng đồng thời là cha đẻ cả một học thuyết tâm linh tụng ca cái diệu dụng của rượu; Robert Burns – thi sỹ Scotland “xỉn” nặng và có một số con ngoài giá thú nhưng chính những lời ca lộng tình của ông là một trong những nguồn yên-sỹ-phi-lý-thuần để Karl Marx viết những dòng ánh sáng cho đời cần lao (trên bàn viết của ông luôn có mặt tuyển tập thơ của Burns cùng bộ “Tấn trò đời” của Balzac); rồi quên sao được Vũ Hoàng Chương lung linh mà dung dị:
Say đi em say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bực ngả nghiêng, điên rồ xác thịt
Rượu, rượu nữa và quên quên hết!
Thi nhân chắc không ngờ rằng nhờ rượu mà ông đã thành triết nhân mất rồi. Cái “quên quên hết” của ông nghe sao mà dễ vậy, nhưng có biết bao bậc Đại Thiền Sư cỡ Bồ Đề Đạt Ma hay Lục Tổ Huệ Năng “cửu niên diện bích”, bao nhà tư tưởng cỡ Lão Tử hay Trang Tử, phải trải cả đời mình tu luyện và nghiền ngẫm mới tìm thấy được tuyệt đích của đời sống trong “tọa vong” (ngồi mà quên).
Còn về sắc thì biết có thể bàn được hết nhẽ ở đây không. Từ thuở Hồng Hoang có ông Adam vì gặp Eva mà sáng tạo ra cả một Nhân Loại đến giờ thật không biết bao nhiêu là chuyện. Chẳng biết người đẹp nào đã là yên-sỹ-phi-lý-thuần cho câu nói bất hủ “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng”? Danh tướng là bất diệt, danh tiết mãi không mòn với nước non! Xin cảm ơn người đã làm bà đỡ thượng đẳng cho câu “Bộ bộ sinh liên hoa”. Thực sự thượng đẳng, bởi nàng kiều diễm đến mức mà có người làm cả một cái sảnh bằng vàng ròng cho nàng đi, để rồi thốt lên câu thơ độc nhất vô nhị đó vì ông thấy như thể mỗi bước đi thì dưới đôi gót hồng lại nở ra những bông hoa sen vậy! Yêu người mà yêu từ gót yêu lên thế thì đệ nhất sành đời rồi còn gì, phải không ông?! Chắc quý vị đã nghe tới “bài thơ bằng đá” Taj Mahal nhỉ? Công trình kiến trúc cẩm thạch đệ nhất thế giới vì Tình Yêu với một phụ nữ bằng xương bằng thịt đó. Và công trạng lẫy lừng nhất về chuyện này phải là của các bậc tót vời như Phục Hy – nhìn thiên nhiên, nam nữ mà làm ra Kinh Dịch vạn năng với những vạch liền vạch đứt bí hiểm; Byron – cha đẻ của Don Juan – người mà mỗi khi nhắc đến thì phụ nữ nấy xuýt xoa vì bây giờ không tìm đâu ra nữa; rồi George Shaw, James Joyce, Henry Miller, Fedor Dostoyevsky, Alexandre Dumas, Sigmund Freud… – những người đã có những ý tưởng và kiến giải độc đáo, sắc sảo về phụ nữ, bản chất và động lực của loài người và thế giới. Tôi nể Shaw và Freud – người thì bảo phụ nữ là phát minh có tính kinh tế nhất của Tạo Hóa trong việc duy trì thế giới còn đàn ông là phát minh có tính kinh tế nhất của… phụ nữ để thực hiện sứ mệnh cao quý đó của Tạo Hóa; người kia thì bảo sự tồn tại và phát triển của loài người nhờ vào hai động lực căn bản nhất là Thị Dục Huyễn Ngã (muốn thấy mình là quan trọng) và Tình Dục (bản năng gốc). Còn chuyện các bậc kia thì nghe hãi lắm, không tiện kể ra đây. Vì hình như họ đã là Thánh mất rồi. Và giời ạ, dù khó tin xin cứ đọc Tố Nữ Kinh cùng tư tưởng và pháp thuật Đạo Gia quý vị sẽ thấy sắc cho phép người ta sống đến mấy trăm năm như tiên cảnh đó.
Xin kính chào nàng tiên nâu. Quyền lực kích thích sáng tạo trong “phiêu linh” của nàng ta cũng được biết thông qua các giai thoại và tác phẩm của những “con gà” tên tuổi lẫy lừng như thi sỹ Anh Coleridge – ngừời chưa bao giờ hoàn thành một tác phẩm nào mà mình đã viết ra nhưng chỉ riêng “Bài ca người thủy thủ xa xưa” viết dở đã đủ đưa ông lên tầm Hoàn Vũ; như các tay rocker thượng thặng Kurt Cobain và John Lennon – những bậc tài tình đến mức người thì tự sát kẻ thì bị fan ám sát (tài tình đến thế thì thôi!); rồi cụ Vũ Trọng Phụng “số đỏ” (nói vô phép chứ gọi là “cụ” với lại “số đỏ” cụ đừng phạt, vì cụ ra đi lúc xuân nhất của đời người), và nhiều bác nữa. Chả hiểu thế nào mà các cụ, các bác ấy tuyền đi sớm. Năm hưởng dương của các vị như sau: Cobain 26, Phụng 27, Coleridge 29, thọ nhất là bác Lennon 41. Vô phép, hay tại các bác “overdosed”? Hay “Tài Mệnh tương đố”? Hay tại “muôn nẻo đường trần vô nghĩa lý”? Dưng mà cũng có chuyện lạ, ấy là có ông Đại Nguyên Soái tên là Chu Đức trước “ở với nó” sau hơn 40 tuổi mới “về với ta” mà làm nên đến Tứ Trụ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, điều đặc biệt là ông thọ đến gần trăm tuổi và… không ngày nào không “khói”. Chắc là ngài được dùng hàng cực xịn. Rõ là chỉ ở bên Tàu mới có chuyện như thế! Các cụ ta dùng chữ ác liệt thật. Yên là khói, thế thì nó đứng đầu yên-sỹ-phi-lý-thuần là phải quá rồi còn gì?! Không biết ta có nên “bắn phiện” để được thăng hoa mà sản xuất ra những ý tưởng “khủng long” như của các bác ấy không nhỉ? Ngộ nhỡ được Nobel thì không biết giấu mặt đi đâu lúc bất cẩn?!
Ô, không biết trong trời đất còn có gì khuấy động lòng Kẻ Sỹ được nữa không?
3. Thuốc lá
Nghe chuyện á phiện ai có thể xuôi lòng mà quên đi được người anh em của nó là thuốc lá nhỉ? “Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe!”, “Hút thuốc lá gây ung thư phổi!” là những câu cảnh báo trên mọi bao thuốc bây giờ. Thế nhưng nó thuộc họ Yên đấy. Quả thật nó đứng đầu. Vì huyền thoại về nó toàn của các bậc Kẻ Sỹ đứng đầu thiên hạ. Người ta kể rằng sau cuộc Trường Chinh ở bên Tàu cả Quốc và Cộng đều thấy mình khó lòng là chúa tể duy nhất của Trung Nguyên, vì vậy Tưởng Tổng thống muốn họp với Mao Chủ tịch để bàn định thiên hạ. Quân sự, chính trị đã đấu đủ rồi, bây giờ đấu gì đây? Gặp nhau Tổng thống tặng Chủ tịch mấy cây thuốc hảo hạng vì biết ông nghiền nặng. Thế mà ngồi họp suốt mấy tiếng liền Chủ tịch chẳng hề động đến một điếu! Ý chí siêu nhân đó đủ để lung lạc anh hùng khiến Tổng thống nhận thấy rằng mình là kẻ phải ra đi. Lúc chào tạm biệt Chủ tịch còn tặng Tổng thống một câu chơi chữ: “ChữTưởng gồm chữ Tướng và bộ thảo đầu, vậy ngài là Thảo đầu Tướng Quân” (nghĩa là tướng giặc cỏ). Sau đó Tưởng Tổng thống bảo tả hữu đại ý: ta phải đi chỗ khác chơi thôi, không thể đùa với ý chí của con người này. Thế là cuộc cờ đã “dứt điểm lạnh lùng” nhờ tinh thần bất khuất của “bất ‘yên‘”. Rồi những ý tưởng cải cách kinh hoàng phát tiết ra từ vị kiến trúc sư thần sầu nhất thế kỷ XX Đặng Tiểu Bình, tên khai sinh là Đặng Tiên Thánh, thì cũng lại nhờ cái kiểu hút thuốc mà người Mỹ gọi ông là chain-smoker (người hút liên tục điếu này sang điếu khác) ngày ba bao và đánh bài. Chính ông bảo vậy. Nhưng ông có vật bất ly thân là cái… ống nhổ, kể cả lúc tiếp khách ngọai giao ông vẫn dùng liên tục, đó ắt là phụ tùng của một chain-smoker rồi. Còn nữa, cả thế giới vẫn nhớ mãi hình ảnh người anh hùng của Thế Chiến II đã góp phần cứu cả nhân loại – Thủ Tướng Anh Winston Churchill. Hình ảnh đọng lại mãi mãi trong lòng người đó là một khuôn mặt die-hard kiên gan miệng không rời điếu xì-gà. Mà lạ lắm, các ông đều cực thọ, thế mới tài.
4. Sự bí hiểm
Xin cảm ơn sự bí hiểm. Đó dường như chính là cội nguồn, yên-sỹ-phi-lý-thuần và dòng sinh chất của khoa học. Nó có sức mạnh tiềm tàng nhất khơi gợi tính tò mò khoa học. Vì cuộc sống này đầy bí hiểm nên ai cũng muốn khám phá, chinh phục nó chẳng bao giờ chán. Vì biển cả đầy bí hiểm mà Long Quân đã dẫn đoàn con của mình đi xuống để quốc gia này giờ mang hình chữ S duyên dáng một dải duyên hải mấy ngàn dặm dài vỗ sóng Thái Bình Dương. Vì Châu Nam Cực bí hiểm trong mênh mông băng giá mà Thuyền trưởng Scott đã gửi thân để lưu danh dòng máu Néanderthal cùng ý chí Viking. Vì Mặt Trăng kia bí ẩn mà con người đã phải mất tiền núi để có một ngày Armstrong bay đến với Cuội nhảy điệu “choi choi choi” trên mặt Hằng Nga tuyên cáo với cõi Vô Cùng về một “bước nhảy khổng lồ của loài người” (Có nguồn tin loan rằng chuyện này là do NASA bịa ra bằng xảo thuật camera, không biết thực hư thế nào xin quý vị rán kiểm tra lại). Vì vũ trụ kia đầy bí ẩn mà con người bao ngàn năm nay dõi mắt lên các vì sao. Để rồi chúng ta có Gallile, Copernic thấy Địa Cầu quay quanh vầng Thái Dương, rồi nó lại bay quanh một Mặt Trời nào đó… Để rồi khi Ngài Newton ngồi thơ thẩn trong vườn ngắm bầu trời bị táo rơi vào đầu mà đẻ ra Luật Vạn vật Hấp dẫn (Có người suy luận rằng người phương Nam ít khi nghĩ được điều gì to tát vì táo bé quá, có rơi vào đầu cũng đâu đủ gây nên một cú “hých”). Để rồi ta có Hawking cứ say sưa với Lỗ Đen mà bảo rằng đó là nơi vạn vật đều bị hút vào. Vạn vật đều bị hút vào, kể cả ánh sáng! Thế ra tất cả chúng ta đều đang bị hút vào một cái lỗ nào đó. Cái lỗ đó lại bị hút vào một cái lỗ khác. Để rồi có lúc lại gặp phải một cái Lỗ Trắng nơi vạn vật đều bị đẩy ra. Ôi những cái lỗ bí hiểm của Vũ Trụ vô bờ đã làm hao kiệt bao tinh lực, chất xám cùng tiền của của những Kẻ Sỹ, hiền nhân tinh túy nhất.
5. Nỗi đau
Có một nguồn yên-sỹ-phi-lý-thuần vô cùng mạnh nữa quý vị có biết là gì không? Đó là nỗi đau. Khoa học đã chứng minh đó là chất kích thích sáng tạo kinh hồn. Xin không nêu tên các bậc trùm thiên hạ ở đây vì ngại rằng lại làm các bậc ấy đau thêm một lần nữa. Ôi muôn ngàn vẻ những nỗi đau. Nhân loại đã, đang và sẽ được nghe những bản giao hưởng vĩ đại của mấy kẻ bị thống phong và một ngài điếc (chuyện này cực lạ). Những vần thơ vô song của một tên thọt, một gã hủi và mấy cha pê-đê. Những bài ca tuyệt tác của một thằng tù (Rủi thay, có ai gọi là “ông tù” bao giờ). Những trang tiểu thuyết phi phàm của một con nợ khốn khổ suốt đời. Những phát minh khoa học kỳ diệu của một tay thần kinh. Những ý tưởng và lý thuyết khoa học kinh khủng khiếp của một đại ca bị liệt tất tần tật toàn thân trừ bộ não. Rồi vô kể những sản phẩm trí tuệ uyên bác khác của các ông các bà nhồi máu cơ tim, đột quỵ, lao, ung thư, chán đời “giời mờ ngao ngán một loài mây”[1], thiểu năng hormone, di – mộng tinh, lệch lạc giới tính, căng thẳng tình dục, giang mai, liệt dương, liệt rung…
Nhưng, có một nỗi đau vô cùng ấy là cô đơn. Quý vị phải đồng ý thôi. Hình như nó là bệnh của thiên tài, những thiên tài đầy sáng tạo. Ta đã nghe cái cô đơn của Hàn Phi Tử ôm một lòng cô phẫn đến khi bị trảm – ông là nhà triết học lỗi lạc đã sáng lập ra Pháp Gia bất hủ mà suốt đời không được dùng tới, ấy thế mà Lý Tư khôn lanh đã áp dụng được nó để làm nên đến chức Tể Tướng của Tần Vương; đó cũng là điều mà Ức Trai phải nhận và ông cũng đã ngâm rằng: “Hoa hay héo cỏ thường tươi!”. Ta đã nghe nỗi cô quạnh của tác giả siêu phẩm “Thần Khúc” Dante buốt uất trong ngục tối giữa đời và tình – tài năng thần thánh ấy và nỗi đau khổ mang tên Dante ấy ắt là đệ nhất. Rồi nỗi cô bạc của Khuất Nguyên dìm thân đáy nước khi thấy “Thiên hạ này đục cả, chỉ mình ta trong!”. Ngẫm nỗi cô trung của Quan Vũ tài gồm văn võ “thiên binh bất địch” mà phải mất mạng với bọn ranh con thấy tủi cho lòng yêu nước. Thôi, xin nói luôn chuyện nay cho đỡ ngậm hờn. Xin kể chuyện ông Larry King – người được phong là vua talk-show của truyền hình Mỹ thu nhập hàng năm cỡ 15 triệu Mỹ kim. Thế mà ông cô đơn lắm. Cô đơn đến mức phải lấy đến 6 vợ rồi mà vẫn chưa yên. Nghe phong thanh ông sắp lấy người thứ 7. Tức là ông chả thể chia sẻ cuộc đời với ai cả. Ôi, cô đơn quá! Một lần chơi hàng độc để câu khách, ông mời luôn kẻ thù của mình – “chúa” talk-showcủa một đài địch – đến nói chuyện truyền hình trực tiếp (live). Chả ngờ, cùng nghề cùng cảnh thế là sau ít phút “đòn phép văn vở” hai bác đâm ra “phê” nhau luôn tại chỗ, cứ nói chuyện riêng hoài hoài quá vô tư thoải mái, quên mất là mình có hàng trăm triệu người đang theo dõi. Trong thời khắc hiếm hoi ấy bác Larry bộc bạch với “cạ” thế này (ông vốn dĩ toàn chơi kiểu câu ngắn nhát gừng, và coi đó là một trong những bí kíp thượng thừa của nghề talk-show): “Chúng ta cô đơn quá phải không? Càng lên đến đỉnh cao người ta càng gặp cô đơn lạnh lẽo, có phải không? Điều đó thành quy luật mất rồi. Có phải không hả ông?!”
6. Cái chết
Vậy nguồn yên-sỹ-phi-lý-thuần nào là cực đỉnh sướng khoái đây? Xin thưa, người Tây Tạng và người Nhật bảo rằng đó là cái chết (Không phải vì ở nước Nhật có nhiều người tự tử hay bị karoshi chết tươi tại nơi làm việc vì ham việc đến mức quá tải đâu đấy!). Họ quan niệm rằng có chết mới có sống – tỷ như trong cơ thể sống hàng ngày có hàng lô tế bào chết đi thì mới có tế bào mới ra đời, phải có người phá đi những gì hủ lậu thì mới có thể xây (hình như là bác Mao bảo thế). Rằng biết chết mới biết sống. Tôn Tử cũng dạy rằng có vào nơi đất chết mới tìm được cái sống. Người Tây Tạng đã làm hẳn một bộ kinh sách là “Tử Thư” dậy con người ta hết sức cặn kẽ về chuyện này: phải sống ra làm sao để có cái chết đúng, phải chuẩn bị cho cái chết thế nào, phải chuẩn bị cho mình sau khi chết ra sao (họ bảo rằng đời sống con người là bất diệt trong luân hồi với nhiều kiếp khác nhau),… Người Nhật thì chứng minh với thế giới sức sống mãnh liệt của họ trong tinh thần Samurai – sẵn sàng chết vì lẽ sống của mình. Vĩ đại thay! Cái chết cũng bí ẩn như đời sống, là một phần nào đó của đời sống, và ôi, dường như là phần khó nắm bắt nhất… Nhà thực dưỡng Oshawa lừng danh đã dùng phương pháp của mình cứu mạng sống cho hàng vạn con người rồi khẳng định rằng không có bệnh nào là không chữa được bằng phương pháp này. Nhận định này đã làm ông phấn khích đến độ muốn đùa với tử thần. Ông cấy tế bào ung thư vào chính cơ thể mình để tìm phương thanh quyết toán bằng được ác bệnh này. Xin chia buồn với niềm phấn khích đó bởi ông đã ra đi vì khoa học. Tôi nhớ đại thi hào Pushkin – người đã dùng cái chết để “đóng bảo hiểm nhân thọ” cho Danh Dự của mình trong một cuộc đấu súng. Còn nhà văn Nhật Kawabata với giọng văn trong sõng tinh túy đến vô cùng từng được trao Nobel, sau khi đạt đến đỉnh cao danh vọng và vật chất đã đi tìm Cực Lạc bằng cách nhốt mình trong phòng kín rồi xả khí độc vào (Không biết giáo phái Aum có định tôn ông làm cha tinh thần?!). Chắc đó cũng là tâm trạng tương tự của thi sỹ ái tình cuồng nhiệt Esenin khi ông lấy ca-vat treo cổ mình lên giữa độ thanh xuân; là tâm trạng của nhà thơ thép Maiakovsky khi ông gí.…. nòng súng thép vào đầu mình, danh tiếng choang choang ấy mới có thể cho ông là người duy nhất trên đời được viếng tang cả một vòng hoa thép; còn “Ông già xịn” Hemingway – người ngư phủ vĩ đại với tinh thần một chiếc thuyền câu sẵn sàng xông thẳng ra Đại Tây Dương để bắt được con cá to nhất (chứ không chỉ đi bắt ốc ở “Đại” Tây Hồ mà thôi), và vẫn giữ vững tinh thần đó bằng hai phát đạn súng săn vào mồm cho chắc ăn. Còn có đại văn hào Tolstoy – sau khi ban phát hết tài sản, ở tuổi 83 ông từ bỏ nốt cả cuộc đời danh tiếng cùng bà vợ khét tiếng, một mình dấn bước vào băng tuyết mùa đông nước Nga để một tuần sau thì linh hồn được giải thoát ở một ga xép trong âm hưởng của bài “Tombe La Neige”[2]. Nghe đồn rằng có một số chí sỹ còn mua cả bịch thuốc chuột treo lên để sau này dùng khi thấy cuộc sống trần thế không còn ý nghĩa.
Xin cảm ơn mọi loại hình cảm xúc. Vừa là cha vừa là mẹ. Vừa là hạnh phúc. Vì hình như hạnh phúc chỉ là khoảnh-khắc-cảm-xúc ta có khi thỏa một ước nguyện nào đó. Các giá trị duy vật dường như không có năng lực bảo hành, bảo trì cho khoảnh-khắc-ấy. Thật đấy.
II – XUẤT THẾ HAY NHẬP THẾ
1. Lời xưa
Có tiên sinh bảo rằng nước Nam có hình giống Thái Cực Đồ. Nếu thế thì dễ là rốn của Vũ Trụ lắm. Mà nhỡ khi thế thật. Quả là nền văn hiến này đã sinh ra không biết bao nhiêu nhà tư tưởng, toàn các bậc ôm trong lòng đủ cả luân hồi vũ trụ. Nhiều người phương Tây đã thấy rằng ở nướcNam ai cũng là một nhà tư tưởng, vì dường như họ đều có cá tính và quan điểm riêng. Điều đó đúng. Tuy nhiên nhiều cái riêng quá thì dễ mất thì giờ, công sức và… nhiều thứ quý giá nữa để đi đến hành động thống nhất, phải không nhỉ? Nếu thế thì cũng rách việc đây. Nhưng dầu sao nghĩ lại thì có người thấy rằng đã là Thái Cực sao lại mang cái tên thiên lệch một phương trời là Nam? Mà cũng không sao đâu nhỉ, ý Trời và ý Đất cũng phải có lúc mâu thuẫn chứ. Nhưng quả là xứ ta có nhiều Kẻ Sỹ thật.
Lòng những muốn noi theo người xưa xuất thế cho thỏa chí mà e mình chẳng dám
Thân đành phải gửi vào cuộc đời danh lợi giúp vợ con nhưng sao ta cứ phẫn?!
Ai đã nói thế nhỉ? A nhớ rồi, đó là một bậc cao sỹ giỏi văn chương đến mức được dân tộc tôn làm Thần. Trời ạ, có căn cớ gì mà tiến thoái lưỡng nan vậy thưa Tiên Sinh? Nhưng rất cảm ơn Ngài vì tâm sự đó cũng chính là của Kẻ Sỹ xưa nay thì phải. Bâng khuâng giữa hai ngả Xuất Thế hay Nhập Thế. Các cụ bảo rằng Xuất Thế thì ta có cả Vũ Trụ thỏa chí con Tâm có đủ cả Vua lẫn Trời, nhất là đối với những người tâm hồn lồng lộng “phong nguyệt vô biên”[3]. Nhưng đời trần tục chả còn gì nữa sao? Còn nhiều lắm. Đó là nơi của thất tình, lục dục, ngũ thường, tứ khoái, tam cương; của danh dự chiêu chương, của bổng lộc mãn đường. Nhưng, quả thật tất cả đều trong cái vòng kim cô của Tham Sân Si cả. Mà hình như đê tiện nữa. Kẻ thấp mạt thì thường được hưởng cao, người chí cao thì hay hưởng mạt. Ô! Phải chăng đó là Luật Trời đắp đổi, thưa Tiên Sinh?!
2. Lịch sử
Nước Việt có biết bao đại nhân vật đủ để làm sáng cái lẽ Xuất Xử ấy của Kẻ Sỹ. Trước hết xin được vinh danh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn – người mà tài đức lẫn xuất xử thật bậc Chân Nhân. Là trưởng nam thuộc dòng chính thất để kế truyền ngôi Vua nhưng ông cương quyết không màng nhằm tránh cho xã tắc một cuộc “nồi da xáo thịt” và đoàn kết tổng lực để chống đại thù. Tài kiêm văn võ, định quốc an bang, nghiền nát quân hung bạo máu xối như sông tanh hôi khôn rửa mà “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”, cho từ ấy “Non sông nghìn thuở vững âu vàng”. Để trở thành bậc Thánh duy nhất của dân tộc. Chúng ta có Vua Trần Nhân Tông sau khi chấn hưng đất nước và bao lần đánh tan cường tặc đã nhất quyết vứt lại ngai vàng lên núi xuất thế, để lại bao cung nữ mang thân mỹ miều mà phận mỏng cắt duyên oan uổng nơi khe suối, để rồi dân tộc này có Trúc Lâm. Thế là Ngài đủ cả hai đường tuyệt đỉnh. Theo con đường này còn có Ngô Thì Nhậm, sau khi phò Tây Sơn đối nội đối ngoại, việc văn việc võ, đại phá quân phương Bắc và bình định thiên hạ, ông đã xuất thế trở thành Tổ thứ tư của Trúc Lâm. Còn một Tổ khác của Trúc Lâm là Huyền Quang Tôn Giả thì đã giũ bỏ mọi tước lộc và ham mê trần tục, quyết tâm xuất thế vì thấy cõi trần không có hạp với cái sáng láng của mình. Ôi cái cõi trần “Lúc khó thì chẳng ai nhìn, đến khi đỗ Trạng cả nghìn nhân duyên”[4]. Nước ta còn có hai vị Phu Tử là Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Thiếp, vừa Xử vừa Xuất để thành bậc vĩ nhân – Sấm Ký và những tiên tri huyền nhiệm cùng cái sự Hành của các ông vẫn âm vang mãi trong tâm trí đồng bào suốt 500 năm qua. Trí huệ thì quán thông vạn đại mà vẫn săn sóc từ việc trừ ác cho dân cho đến khuyến cáo, sắp đặt cho các triều đại được an định, cho đất nước được mở mang. Về Nhập Thế mà đạt đến ngưỡng siêu phàm phải là Đại trượng phu Nguyễn Công Trứ – gửi thân nơi quan trường để kinh bang tế thế mà không bị cái danh lợi và cái đê tiện nó lụy đến Đại Ngã. Hôm trước còn là Thượng Thư hôm sau đã bị truất xuống hàng lính tẩy ông vẫn bình thản đi vác lọng hầu các quan. Nhưng gặp đại sự chẳng ai kham nổi thì Triều đình lại phải vời ông về nhậm chức. Cả một đời đầy thăng trầm mà ông vẫn nhiên nhiên vừa dẹp loạn vừa làm Dinh Điền Sứ dốc sức mở mang bờ cõi cho giờ đây hàng triệu con dân đang làm ăn sinh sống, vừa làm thơ phú vừa đi hát “karaoke” ả đào. Xin Ngài nhận cho một lạy. Nhập mà như Ngài thì các bậc Xuất cũng phải nghiêng mình mất thôi.
3. Bi hài kịch
Quả là xứ ta có nhiều Kẻ Sỹ thật. Dưng mà phận Kẻ Sỹ cũng bi lắm. Có câu chuyện truyền miệng ở thành Gia Định xưa kể rằng khi Chúa Nguyễn Ánh lên làm vua đã bảo Kẻ Sỹ Bắc Hà ngàn năm văn hiến rặt một bọn bất đắc chí ốm o, dòi chồ lại còn thối mồm. Nghe khiếp quá! Có nhẽ lúc này Sỹ và Quyền chẳng hiệp. Mà có riêng gì ở đâu, phương Tây cũng có bi kịch khủng khiếp của anh chàng trí thức Hamlet còn gì. Lòng Kẻ Sỹ ôm đầy mộng tưởng xây một cái gì đấy thật ý nghĩa cho đời, nhưng đời thường đa phần lại chỉ cần “nắm xôi Bờm cười” thôi. Ô hô! Tôi nhớ Vũ Như Tô. Người kiến trúc sư muốn dựng Cửu trùng Đài cho non sông được vẻ vang, đó là nghĩa trọng. Nhưng việc dựng xây tốn kém làm mất “nắm xôi” của đồng bào thì còn gì tình thâm. Một Kẻ Sỹ Việt Nam kiệt xuất cỡ Tolstoy đã phải thốt lên một câu thân phận: “Không biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Vũ Như Tô phải?!” Ai phải không biết chứ Vũ Như Tô làm tôi nhớ tới Đạo Gia Tô. Cái Nhà-thờ-đá nguy nga ở Phát Diệm mà họ xây đã được một Kẻ Sỹ nhận định rằng: có lẽ lịch sử mấy ngàn năm nước Việt chỉ có duy nhất công trình này. Không biết họ có sức mạnh huyền bí gì mà làm được như vậy, mà không rõ đã có ai tìm hiểu chưa.
Nói đến đá tôi chợt nhớ tới cái tháp đá nơi ngàn năm linh thiêng Bờ Hồ – nó được ghi nhận như là để biểu dương văn hóa và cái sự Học của Kẻ Sỹ nước nhà. Có nhẽ là như thế. Mà chắc là ắt rồi. Vì, tôi nhớ ra rồi, đây là công trình của tác giả hai câu tự thán trên – Nguyễn Siêu – người giỏi văn thơ đến bậc được người đời gọi là Thần Siêu. Ông đã cho làm tháp đề ba chữ “Tả Thanh Thiên” (được dịch là viết lên trời xanh) có dáng chọc trời đặt trên nền đá xếp tầng tầng lớp lớp (?), rồi Vua Minh Mệnh đặt tên là Tháp Bút. Nhưng có nhà Việt Nam Học người Mỹ thắc mắc rất khách quan là không biết bút gì mà rõ ràng lại có hình sinh thực khí đàn ông?! Dường như Thần Siêu muốn chửi Trời? To gan? Có khi phải dịch lại ba chữ trên cũng nên. Âu cũng là địa linh sinh vật linh. Thật tình, nếu đọc kỹ hai câu tự thán của ông thì sự việc hẳn đâu vô lý. Ôi! “Phũ phàng chi bấy Hóa Công”[5]! Mà chuyện Tháp Rùa nay đã thành thiêng liêng giữa lòng Hồ Gươm chẳng đã được dựng bởi một động cơ thậm ích kỷ đó sao. Mong làm sao mọi sự không phải vậy.
4. Tâm tưởng
Ấy nhưng liệu có sao không nhỉ, khi mà Lão Tử đã dạy lâu rồi:
Quý Tiện cùng Gốc
Cao Thấp cùng Chiều
Vinh Nhục đều là Sợ Hãi
Nếu thấu đáo được như Ngài thì tức khắc ta nhập Thái Cực hay là Niết Bàn gì đó, còn phải ngôn gì. Nhân mùa Xuân đến, muốn chúc một câu nhưng khí Xuân lâng lâng làm tôi quên hết mọi điều. Xin mạo muội chép tặng quý vị đôi câu gọi là câu đối của một bậc Đạt Nhân cho có hương vị Tết:
Dòng Đời phù vinh hạ phẩm
Bến Tâm trầm mặc thượng thừa
Viết bởi: Đặng Thân