Bàn về báo chí và thứ văn hoá cổ vũ của Việt Nam
Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển của truyền thông và Internet, hầu hết mọi đề tài, khía cạnh của cuộc sống được đem lên mổ xẻ một cách chi tiết. Cùng với đó là sự phát triển của các mạng xã hội, các forum đã mang đến một cái nhìn đa chiều cho người Việt, chúng ta có thể thoải mái bàn luận về chính trị hay những vấn đề nóng hổi một cách công khai trên Internet mà không cần phải lo nghĩ nhiều như các bậc cha, chú vẫn coi việc đó là không nên (tự bản thân nhìn ra thì tốt nhưng nói ra thì dễ bị để ý). "Tự do ngôn luận" đã và đang giúp cho người Việt mình mở mang nhiều nhưng cùng với đó là sự "quá trớn" trong việc sử dụng ngôn từ, "Chí Phèo" trong cách tham gia bình luận hay chính xác ra là "bỏ mặc" cái mồm thoả sức tung hoành mà không chịu sự điều khiển của não bộ. Đáng buồn hơn, thứ văn hoá "phản cảm" này lại đang được cổ vũ, chống lưng bởi hàng loạt những trang tin lá cải, sống dựa vào quảng cáo và lượng view của người đọc, trá hình dưới tên gọi phổ biến là những tờ "báo mạng".
Từ một thông tin từ những nguồn không chính thống và chưa được xác định đúng sai, các tờ báo mạng đã phù phép biến hoá nó thành những cái title mà đọc qua nhiều người tưởng mình sắp được đọc một bài báo cực shock mà nạn nhân của báo chí bị biến thành thủ phạm gây ra những ảnh hưởng lớn đến văn hoá, truyền thống và những nét cổ truyền lâu đời của dân tộc. "Người mẫu Y - chân dài, óc ngắn" hay "Ca sĩ X lộ hàng", "Nam ca sĩ Z phủ nhận tin đồn về giới tính" từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Việt Nam từ những anh nhân viên công sở cho đến đám trẻ xì tin hâm mộ và cả những bậc trung niên cao tuổi hiếu kì. Có điều thứ thức ăn đó nhàm chán một cách quá lố và "nhai lại" từ ngày này qua ngày khác. Cũng dễ hiểu thôi, một khi những thứ văn hoá phẩm "láo lếu" như vậy được truyền đi với tốc độ ánh sáng của Internet và lan rộng trong cộng đồng thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ nhận thức của nhiều người, trong đó đặc biệt là giới trẻ. Quá dễ dàng để đọc được những nhận xét của không ít bạn trẻ trên mạng về một người nổi tiếng dạng như: "Con đ*" hay "Cave hạng sang" mặc dù các bạn đó nếu sử có gặp được người ta ngoài đời thì cũng tay bắt mặt mừng, nhào vô xin chữ kí và xin được chụp ảnh cùng. Hoá ra cộng đồng online mình thiếu suy nghĩ một cách ngông cuồng và tự cho mình thanh cao hơn những người họ mơ ước cũng không với đến cuộc sống như vậy. Chính xác ra phải gọi đó là một sự ghen tị vô cùng rẻ tiền mà hàng triệu bạn trẻ đang nhiễm phải. Các cô gái thành phố bây giờ nói không với những anh nhân viên công chức với mức lương trung bình hay những anh thanh niên học giỏi nhưng nhà không mấy khá giả và ngoại hình chả có gì đáng chú ý ngoài cặp kính dày cộp. Họ thích mặc váy ngắn, trang điểm loè loẹt đi những đôi guốc cao hàng chục cm để với tới những anh công tử sống bằng tiền của cha mẹ tối ngày chỉ biết đi bar và thưởng ngoạn hết em gái này đến em gái khác. Đương nhiên không thể đánh đồng rằng phụ nữ Việt Nam đều như vậy, nhưng thử hỏi có mấy cô gái thời nay dám chọn cho mình một tấm chồng mà gia đình họ không mấy giàu có. Suy cho cùng việc yêu đại gia của các chân dài chỉ là một xu hướng tất yếu của cuộc sống mà không nhiều người dám thừa nhận trong khi tự bản thân họ cũng chả khác mấy, có điều cấp độ "giàu có", "xinh đẹp" và "nổi tiếng" thì kém xa người ta hàng chục bậc.
Lại nói về bóng đá và thể thao, chủ đề điển hình của hàng chục tờ báo mạng đang thường trực trong danh sách trang web của hàng vạn người Việt Nam. Phải công nhận rằng bóng đá ngày nay không còn là một môn thể thao đơn thuần nữa mà nó được nâng tầm thành một tín ngưỡng không chỉ ở nước ta mà còn cả trên toàn thế giới nữa. Tuy nhiên khó có nơi nào chúng ta có thể tìm được những cái tên nghe rất kêu đại loại như kiểu: "nguyện chết vì Mourinho", "Fan cuồng MU từ 1 tỷ năm trước" v.v... nhưng dù sao việc đặt tên cho con cũng chẳng bao giờ là đề tài mà chúng ta phải nhìn vào lắc đầu ngao ngán như vậy. Có điều những cái tên đó đã nâng tầm, trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng mà khi người ta nhìn vào là đủ biết nhận xét của họ chỉ mang tính "dìm hàng" "chửi cho sướng mồm" hay đơn giản là "nói kháy" những đội bóng mà họ không thích. Một hình thức anti vô cùng tiêu cực vẫn hiển hiện hàng ngày mà không có bất kì sự kiểm soát nào được đưa ra bởi những người mang danh hiệu nhà báo với trách nhiệm kiểm duyệt. Dù đọc bất kì bài báo hay, dở nào thì nhiệm vụ đầu tiên của họ cũng là vào CM chửi đổng cái đã, tất nhiên việc làm của một số thành viên vô công rồi nghề này cũng chỉ tạo bức xúc cho nhiều người đọc báo tìm thông tin, giải trí trong một thời gian nhất định để rồi sau đó cũng lảng lảng dần ra coi như không muốn dây vào "Chí Phèo". Nguyên nhân tạo ra những con người như thế này cũng bởi vì sự "lá cải" của những tờ báo bóng đá viết bài không nhằm mang đến sự bổ ích cho người đọc mà lại khiêu khích các fan đội bóng này chửi nhau với fan của đội bóng kia. Tất cả cái mớ hỗn độn ấy tạo ra một sự thất vọng to lớn cho những người tìm đến báo chí như một nhu cầu tất yếu của cuộc sống. Một bài báo hay hay một bài báo dở, luôn cần nhận được những nhận xét công tâm từ phía độc giả để góp phần nâng cao chất lượng cũng như thực hiện đúng nghĩa vụ của nghề báo chính là nâng cao dân trí. Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là "Tại sao có sự lá cải?" thì cũng thật dễ dàng để tìm kiếm câu trả lời, nghề báo ở Việt Nam làm dễ quá, chỉ cần đăng kí trên danh nghĩa Cộng tác viên (CTV) một người bình thường làm những nghề nghiệp không liên quan đến báo chí cũng có thể viết được những bài viết truyền tải đến cả ngàn người đọc. Vấn đề không phải là anh viết hay như nào, vấn đề là anh giật title giỏi ra làm sao.
Thật đáng buồn cho một sự thật mà chúng ta phải chấp nhận là những người làm báo tâm huyết hoàn toàn bị đánh đồng với những tay viết lá cải mà nhìn vào bài viết đã thấy một sự ngu ngốc không thể tưởng tượng. "Nghề báo bây giờ đ' cao quí gì đâu" nghe qua thì tục tĩu thật đấy nhưng ngẫm lại thì cũng chẳng sai.