Một kỳ EURO “đa sắc”
TTCT - Euro 2020 sẽ là góc nhìn thú vị về thái độ của từng quốc gia với vấn đề chủng tộc trên khắp lục địa già.
Tuần trước, sau hơn một năm chơi trong những sân bóng không người, đội tuyển Anh cuối cùng cũng bước ra sân Riverside ở Middlesbrough để thi đấu với một đám đông khán giả nhỏ bé, vẫn phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội.
Đó là một trận giao hữu khởi động cho Euro 2020 tương đối lặng lẽ: Anh thắng Áo 1-0.
Các cầu thủ Anh quỳ gối trước trận giao hữu Anh - Áo. Ảnh: cnn.com
Điều còn đọng lại trong tâm trí không phải là kết quả trận đấu, mà là khi các cầu thủ Anh - một đội hình hết sức đa dạng với 5/11 người đá chính là cầu thủ da màu - quỳ gối trước giờ khai cuộc, một trận chiến nho nhỏ đã diễn ra trên khán đài.
Đã trở thành quen thuộc, khi các VĐV thể thao quỳ gối - hành động bày tỏ sự phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, trên khán đài sẽ đồng thời vang lên những tiếng huýt sáo la ó và vỗ tay khen ngợi.
Nhắc lại, vào tháng 5-2020, đáp lại vụ sát hại George Floyd và cuộc vận động bắt đầu ở Mỹ rồi lan khắp toàn cầu Black Lives Matter, các cầu thủ Premier League đã nhất trí cùng nhau quỳ gối trước các trận đấu, và trừ vài ngoại lệ, họ đã làm thế cho tới nay.
Nhiều tranh cãi đã nổ ra, như khi các CĐV Burnley thuê máy bay bay ngang sân bóng của họ trước một trận đấu, mang theo tấm băngrôn với dòng chữ “White Lives Matter”.
Trong bối cảnh đó, 24 đội hình ở Euro 2020 sẽ là bức tranh lý thú về sự đa dạng và nhân khẩu học của châu Âu ngày nay.
Các cựu cường quốc thuộc địa
Anh là 1 trong 5 nước (4 nước kia là Pháp, Bồ Đào Nha, Bỉ và Hà Lan) có đội hình rất đa dạng. Câu đố đường lên đỉnh Olympia là có điều gì giống nhau giữa họ. Trả lời: đó đều là những cường quốc thuộc địa cũ.
Dẫu vậy, Pháp và Bồ Đào Nha có những tuyển thủ da đen đầu tiên từ tận những năm 1930, Hà Lan là năm 1960, trong khi mãi tới năm 1978, tuyển Anh mới có người da đen đầu tiên: Viv Anderson. Tới Euro 2020 này, từ 1/3 tới một nửa đội hình những nước đó là các cầu thủ da màu.
Dễ hiểu là ở những quốc gia như vậy, màu da và thành tích của đội tuyển quốc gia ở các giải lớn đã nhiều lần trở thành lý lẽ cho cuộc tranh cãi ủng hộ và chống nhập cư, quyền dân sự và bình đẳng sắc tộc.
Chức vô địch của tuyển Pháp ở hai kỳ World Cup 1998 và 2018 được tuyên xưng là chiến thắng của một nền cộng hòa đa sắc tộc. Nhưng đồng thời, thất bại bẽ bàng ở World Cup 2010 bị coi là bởi xung đột nội bộ do khác biệt văn hóa và màu da.
Với Bỉ, một đội tuyển đa sắc tộc chơi thứ bóng đá hấp dẫn giúp phá vỡ thế bế tắc của tình trạng đối đầu kinh niên giữa hai vùng bản sắc Walloon và Flemish kéo dài bấy lâu nay.
Nhưng các CĐV bóng đá nổi tiếng là mắc chứng đãng trí kinh niên. “Khi thắng”, tiền đạo tuyển thủ quốc gia Romelu Lukaku viết vào năm 2018, “họ gọi tôi là Romelu Lukaku, ngôi sao tuyển Bỉ. Nhưng khi thua, họ gọi tôi là Romelu Lukaku, tiền đạo Bỉ gốc Congo”.
Đội tuyển Pháp vô địch World Cup 2018. Ảnh: telegraph.co.uk
Hình ảnh một châu Âu mới?
Nhóm đa dạng sắc tộc thứ hai trong các đội châu Âu ngoài 5 cựu siêu cường thuộc địa là Scandanavia và vùng châu Âu nói tiếng Đức.
Một chút lịch sử: Đức bị tước hết thuộc địa ở châu Phi sau hòa ước Versailles 1919, Thụy Sĩ, Áo, và các nước Bắc Âu chưa bao giờ có thuộc địa. Nhưng những nước này trở nên đa dạng vì họ phản ánh một thời đại mới của nền kinh tế và tình trạng di cư toàn cầu.
Họ cũng khá thành công trong việc hòa nhập những cư dân mới. Đức chẳng hạn, có nhiều cầu thủ gốc Thổ Nhĩ Kỳ xuất thân từ các gia đình thuộc chương trình xuất khẩu lao động Gastarbeiter những năm 1960 và 1970, những người tị nạn châu Phi mới tới gần đây, và nhiều người nữa rời bỏ Nam Tư vì nội chiến những năm 1990.
Thụy Sĩ, dân số chỉ 8,5 triệu người, có các tuyển thủ gốc Kosovo, Croatia, Bosnia, Albania, Cameroon, Chile, Congo và Sudan.
Ở Đức và Thụy Điển, CLB bóng đá và hội CĐV cũng là những tổ chức rất tích cực trong việc giúp người di cư hòa nhập. Ở Thụy Điển, đó còn là một quốc sách.
Đội tuyển nước này có cầu thủ da màu đầu tiên, Thomas Dahlin, mới vào năm 1988, trong khi ngôi sao lớn nhất của họ, Zlatan Ibrahimovic, là người gốc Bosnia. Lần này, họ có trong đội hình những cầu thủ gốc Macedonia, Congo, Haiti, Ghana và Kenya.
Trong khi đó, Tây Ban Nha và Ý có gam màu rất nhợt nhạt. Dù Tây Ban Nha có các tuyển thủ da đen, sự cân bằng giữa dân xứ Basque, Catalan, và dân Tây Ban Nha (Madrid) mới là điều tối quan trọng.
Ý thì gồm toàn da trắng, trừ hậu vệ Brazil nhập tịch Emerson Palmieri. Cả Tây Ban Nha lẫn Ý, từng là những đế quốc thực dân, không đón nhận một cộng đồng nhập cư lớn.
Người di cư tới hai nước này thật ra chỉ nhiều lên rất gần đây. Người Brazil gốc Ý hay Tây Ban Nha dễ dàng hòa nhập, như Thiago Alcântara của Tây Ban Nha hay Jorginho của Ý - nhưng cầu thủ da màu từ những cộng đồng nhập cư mới vẫn rất hiếm thấy, nhất là khi văn hóa bóng đá nói chung ở các quốc gia này còn hằn dấu phân biệt chủng tộc sâu đậm.
Khi Mario Balotelli, ngôi sao da đen đầu tiên của bóng đá Ý, chơi cho đội tuyển quốc gia, trên khán đài sẽ nghe các CĐV đồng thanh hát vang “Làm gì có người Ý da đen”.
Dù kết quả trên sân có thế nào, Euro 2020 vẫn sẽ cho thấy một lục địa đang bước vào thời kỳ chuyển giao nhân khẩu học.
Làn sóng nhập cư mới từ châu Phi và Caribe đang thay đổi mạnh mẽ hơn bao giờ hết tầng lớp lao động trẻ - cũng là thành phần xã hội chính để săn tìm các tài năng bóng đá.
Đã có ít nhiều tiến bộ. Một thế hệ cầu thủ mới đã tự tin và quyết đoán hơn những người đi trước trong việc lên tiếng về phân biệt chủng tộc. Nhưng tiếc là chưa thể nói như thế về mọi HLV, chủ tịch CLB, hay cơ quan điều hành bóng đá ở châu Âu.