Câu chuyện chuyển nhượng: Khi thợ mộc còn đắt hơn cả Vua bóng đá
Câu chuyện chuyển nhượng: Khi thợ mộc còn đắt hơn cả Vua bóng đá
Pele có thể đã có mọi thứ, nhưng ông vẫn còn một điều để ước ao: Được điền tên vào danh sách những kỷ lục chuyển nhượng trong lịch sử bóng đá. Nếu một cầu thủ vô danh cách đây 100 năm vẫn nổi danh theo cách ấy, thì tại sao “Vua bóng đá” lại không làm được? Nhưng có không ít huyền thoại sân cỏ phải chịu nỗi ấm ức như Pele…
KHÔNG PHẢI CỨ TÀI NĂNG LÀ GIÁ CAO
Lịch sử bảo rằng chi phí chuyển nhượng không đi kèm với tài năng. Kỷ lục chuyển nhượng (KLCN) đầu tiên của lịch sử bóng đá thế giới là Willie Groves. Cầu thủ này chuyển từ West Bromwich sang Aston Villa với giá 100 bảng năm 1893. Bạn không biết “danh thủ” này ư? Cũng phải thôi, bởi từ đó đến nay, có 41 lần KLCN bị phá, nhưng một nửa trong số đó thuộc về những người vô danh như Groves.
Trong suốt 70 năm, KLCN cứ như chui từ dưới đất lên. Đơn cử như một KLCN khác là George Utley. Trước khi bắt đầu sự nghiệp cầu thủ trong màu áo Barnsley, anh này vốn là một… thợ mộc. 6 năm sau, anh chuyển đến Sheffield với giá kỷ lục thế giới bấy giờ là 2.000 bảng.
Tương tự là Syd Puddefoot, người ban đầu là một cầu thủ cricket chuyên nghiệp, và sau Thế chiến I mới tiếp xúc với bóng đá. Thế mà năm 1922, anh trở thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới, sau khi chuyển từ West Ham sang Falkirk giá 5.000 bảng. Ngày ấy, các CLB tìm người theo kiểu… hỏi nhau và chủ yếu định giá cầu thủ theo cảm tính.
Pele rất tài năng nhưng lại không có KLCN như chàng thợ mộc Geoge Utley
Trong khi một anh thợ mộc cũng trở thành kỷ lục thế giới, thì các huyền thoại thực sự lại long đong lận đận đến không ngờ. Năm 1957, Ferenc Puskas, trong cảnh thất nghiệp, đã từng bị các CLB Italia từ chối ký hợp đồng vì tuổi tác (thời điểm ấy, ông đã 30 tuổi) và… chiều cao khiêm tốn (1m72).
Man United cũng định mang ông về để củng cố đội hình sau thảm họa rơi máy bay ở Munich năm 1958, nhưng rốt cục lại từ bỏ vì lý do là Puskas… không biết tiếng Anh.
Một thiên tài như Garrincha thậm chí từng phải nhận lời hỏi mua khiếm nhã nhất trong lịch sử: Năm 1963, AC Milan, Inter và Juventus đã hỏi… mua chung huyền thoại này (ông sẽ đá lần lượt cho mỗi đội một mùa, theo kiểu xoay vòng). Tất nhiên là Botafogo từ chối, và Garrincha có lẽ cũng không muốn biến mình thành món hàng dùng chung kiểu ấy.
TRUYỀN HÌNH, TIỀN BẠC & CÁCH MẠNG CHUYỂN NHƯỢNG
Sau khi xem xét phần lịch sử chuyển nhượng trên, chúng ta có thể khẳng định: Chẳng có mối liên hệ nào giữa tài năng và giá trị chuyển nhượng. Puskas và Garrincha giỏi thì giỏi thật, nhưng họ chơi bóng chỉ cho… vui. Giá trị chỉ bắt đầu song hành một cách tương đối với tài năng.
Nói là tương đối, vì nó đôi khi phụ thuộc vào hình ảnh ngôi sao ấy được lăng xê thế nào, hơn là tài năng đích thực. Điều này càng rõ nét hơn khi nguồn thu của các CLB từ những ngôi sao trở nên đa dạng, từ các nguồn như tiền bản quyền truyền hình, bản quyền hình ảnh, bán áo, tài trợ, quảng cáo…
Thời đại định đoạt giá trị cầu thủ bằng cách đánh bóng họ ngày một tốt hơn. Phải đến năm 1937, bóng đá mới được truyền trực tiếp trên truyền hình (trận Arsenal gặp đội dự bị của họ tại Highbury). Cho đến trước năm 1947, một trận đấu chỉ được thu lại bằng một camera ở ngoài đường biên giữa sân, với hình ảnh mờ nhạt đến mức người ta xem mà chẳng biết ai đang chơi bóng dưới sân.
Một sự trùng hợp, năm 1992, khi truyền hình trả tiền chính thức ra đời, 3 kỷ lục chuyển nhượng thế giới bị phá chỉ trong một năm. Jean-Pierre Papin từ Marseille sang Milan giá 10 triệu bảng, Gianluca Vialli từ Sampdoria đến Juventus giá 12 triệu và Gianluigi Lentini sang AC Milan từ Torino giá 13 triệu.
Các giải đấu cũng là thước đo cho giá trị cầu thủ. Nếu như ở World Cup đầu tiên năm 1930, chỉ có khoảng 60 vạn khán giả theo dõi và mọi tin tức đều thông qua báo chí (bóng đá chưa được phát trên truyền hình), thì cho đến World Cup 1994, số người đến sân đã là 3,5 triệu người, chưa kể hàng tỷ thuê bao xem các trận đấu qua truyền hình.
Các cầu thủ tài năng bây giờ dễ được phát hiện hơn, vì truyền thông bùng nổ sẽ đưa họ đến với công chúng một cách nhanh nhất. Một cái hắt hơi của Gareth Bale sẽ bay đi toàn cầu nhanh hơn cả thời điểm “Vua bóng đá” Pele chạm mốc 1.000 bàn thắng trong sự nghiệp.
Cuối thập niên 1970, Kettering Town trở thành đội bóng đầu tiên in tên nhà tài trợ lên áo đấu. Cho đến năm 1993, người ta mới in tên cầu thủ lên mặt sau của áo đấu, và công nghiệp bán áo từ đó mới bùng nổ.
Năm 2009, sau lễ ra mắt của Cristiano Ronaldo tại Real Madrid, có 3.000 áo đấu của anh đã được bán ra chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, tức cứ 1 phút, khoảng 33 áo được bán. Chỉ sau 1 năm, số áo bán ra của Ronaldo đã chạm mốc 1,2 triệu. Với mỗi chiếc giá gần 80 bảng, Madrid coi như còn lãi trong thương vụ Ronaldo (giá 80 triệu bảng).
Luis Suarez
Năm 1893, khi Aston Villa bỏ ra 100 bảng mua Groves từ West Brom, các tờ báo Anh giật tít “tiền vung tung tóe” và “đầy rủi ro”. Cách đây nửa thế kỷ, khi Luis Suarez chuyển từ Barca sang Inter với giá 152.000 bảng, nhật báo Gazzetta Dello Sport đã gọi đó là “điều không tưởng”. Nhưng đến thời điểm này, một thương vụ 10 triệu bảng được coi là bình thường, và 35 triệu bảng sẵn sàng được bỏ ra cho một tiền đạo làng nhàng cỡ … Andy Carroll.
Khi Real Madrid đánh tiếng hỏi mua Gareth Bale với giá 100 triệu bảng, Cesc Fabregas bảo đó là điều “điên rồ”, còn HLV Gerardo Martino của Barcelona thốt lên đó là “sự xúc phạm với thế giới bóng đá”, nhưng nhiều người sẽ coi đó là điều bình thường. Đơn giản, giá trị của các cầu thủ không được định đoạt bởi đạo đức hay luân lý của bóng đá. Nó là một quả bóng do thị trường quyết định và hoàn toàn chỉ lăn theo thị hiếu, suốt chiều dài lịch sử bóng đá.
Tính từ thập niên 1970 đổ về trước, chỉ có Omar Sivori (từ River Plate sang Juventus năm 1957) và Luis Suarez (từ Barca sang Inter năm 1961) có thể được xếp vào hàng “danh thủ nổi tiếng” thực sự.
Dấu ấn 120 năm (1983-2013)
- Số kỷ lục chuyển nhượng: 41
- Số KLCN của Anh: 15
- Giá trị thấp nhất: 100 bảng (Willie Groves từ West Brom đến Aston Villa năm 1893)
- Giá trị cao nhất: 15 triệu bảng (Alan Shearer từ Blackburn sang Newcastle năm 1996)
- Chênh lệch giá trị: 150 nghìn lần
- Số KLCN của Italia: 18
- Giá trị thấp nhất: 52.000 bảng (Hans Jeppson từ Atalanta sang Napoli năm 1952)
- Giá trị cao nhất: 35,5 triệu bảng (Hernan Crespo từ Parma sang Lazio năm 2000)
- Chênh lệch giá trị: xấp xỉ 683 lần
- Số KLCN của TBN: 7
- Giá trị thấp nhất: 922.000 bảng (Johan Cruyff từ Ajax sang Barcelona năm 1973)
- Giá trị cao nhất: 80 triệu bảng (C.Ronaldo từ M.U sang Real Madrid năm 2009)
- Chênh lệch giá trị: xấp xỉ 87 lần
So sánh KLCN giữa Anh, Italia và TBN
Anh:
- Bán: 8
- Mua: 6
- Cầu thủ quốc tịch Anh : 5
Italia:
- Bán: 13
- Mua: 18
- Cầu thủ Italia: 9
TBN:
- Bán: 4
- Mua: 7
- Cầu thủ TBN: 1
Các mốc thay đổi giá (theo bước giá gấp 10 lần)
1893 100 bảng (Willie Groves từ West Brom đến Aston Villa)
1905 1.000 bảng (Alf Common từ Sunderland sang Middlesbrough)
1928 10.890 bảng (David Jack từ Bolton sang Arsenal)
1961 152.000 bảng (Luis Suarez từ Barca sang Inter)
1975 1.200.000 bảng (G.Savoldi từ Bologna sang Napoli)
1992 10.000.000 bảng (Jean Papin từ Marseille sang Milan)
2001 53.000.000 bảng (Zidane từ Juventus sang Real)
2009 80.000.000 bảng (C.Ronaldo từ M.U sang Real)
Nguồn:
http://bongdaplus.vn/tin-bai/65/632...khi-tho-moc-con-dat-hon-ca-vua-bong-da.bdplus