La Masia - Như một viện nghiên cứu
Bài này được viết trên trang gốc ở đây :
Tiếng TBN :
http://www.sport.es/default.asp?idpublicacio_PK=44&idioma=CAS&idnoticia_PK=724176&idseccio_PK=803
Anh hóa :
http://www.totalbarca.com/2010/news/la-masia-like-a-laboratory-part-1/ và
http://www.totalbarca.com/2010/news/la-masia-like-a-laboratory-part-2/
Việt hóa bởi : mình
[JUSTIF]Trong bài viết tôi có mấy điểm ghi chú, đó là ghi chú riêng của tôi vì sợ tác giả viết tắt quá làm bà con hơi rối. Ngoài ra giữ gần đủ nội dung bài gốc, đương nhiên chỉ tầm 95%, bởi 5% còn lại là chỉnh sửa lại câu văn để đọc thuận miệng dân Vịt Nem mình. Còn ý nghĩa chính thì hoàn toàn tôn trọng ý tác giả.
La Masia - Như một viện nghiên cứu
Trong suốt hai thập kỉ gần đây, Barca đã gửi trọn niềm tin vào lò đào tạo trẻ của họ. Ý định ban đầu là của Cruyff, nhưng thú vị thay chính Nunez lại là người đưa ra quyết định thực hiện nó. Thú vị ở đây, bởi việc này đi ngược lại với quan điểm trước đây của Nunez là luôn mang về Nou Camp những tên tuổi từ thị trường chuyển nhượng. Oriol Tort chính là kiến trúc sư trưởng cho kế hoạch này, để hai mươi năm sau chúng ta đã thu được những thành quả ngọt ngào. Khi Luis Van Gaal bày tỏ nỗi khát khao được thấy Barcelona giành Champions League với 11 cầu thủ tự đào tạo, người ta đã cười vào mơ ước đó, nhưng nay giấc mơ đó đã gần như được thực hiện. Một thực tế rõ ràng là chúng ta đã mang 8 cầu thủ từ La Masia vào trận chung kết ở thành phố bất tử và thêm hai trong số đó từ băng ghế dự bị. Hơn một nửa vị trí chính ở đội một là các cầu thủ cây nhà lá vườn, như vậy có thể nói giấc mơ “không thể thực hiện được” của Van Gaal ngày xưa nay đã thành hiện thực, và càng đặc biệt hơn khi Guardiola ở thời điểm hiện tại lại tiếp tục gửi niềm tin vào Barca B hơn là mua sắm trên thị trường chuyển nhượng.
Chìm dưới địa ngục
Tháng 5 năm 2007, Barca B rơi xuống giải hạng Ba, như vậy đội Barca C khi đấy bị dồn vào thế phải giải thể (bởi không thể có hai đội tuyển từ một CLB đá ở một giải). Đây không phải là một điều bất ngờ mà nó là kết quả của sai lầm của cả hệ thống. Ở thời điểm đó, Barca B là một đội bóng mất hết nhiệt huyết, không còn là chính họ, cũng không còn tương lai bởi họ không có mục tiêu cụ thể, không có sự toan tính hợp lý, cả đội và cả ban huấn luyện chỉ tập trung cho đội một là chính (ghi chú : ở đây có thể hiểu là giai đoạn đấy, chúng ta chỉ xem Barca B như là đội lót cho Barca A chứ không phải là nơi nghiêm túc tập trung cho các tài năng trẻ, chính vì việc gấp rút để được lên A cũng như không chăm sóc kĩ B đã làm cho Barca B sụp đổ, đây chính ra lại là thất bại ghê gớm nhất bởi nó vỡ từ gốc). Một cách nhìn thiển cận, có thể gọi ngắn gọn như vậy. Hệ thống đào tạo của CLB, nơi chính là nguồn cung cấp sức mạnh thì nay bị bỏ rơi vào hoang tàn; sự cạnh tranh và phát triển của các cầu thủ trẻ ngày một mất đi, điều này làm gia tăng khoảng cách giữa đội A và B ngày càng lớn.
Nhưng chính ở những thất bại và sai lầm đó, ban lãnh đạo đã nhìn ra được những thiếu sót trong cơ cấu của tổ chức. Trên thực tế, đội trẻ không đủ sức để tạo lập thành một đội bóng, ngoài ra họ cũng không đủ nhân lực để tránh việc bị xuống hạng. Ở mức độ vĩ mô cơ cấu (nhìn một cách toàn cục) thì đội trẻ thiếu mọi yêu cầu cơ bản cho một đội bóng thành công, đó là thiếu tính cạnh trạnh, không có ý chí tiến thủ, thiếu bề dầy đội hình cũng như chất lượng cầu thủ, chính vì vậy cả đội chỉ có duy nhất một mục đích là không bị xuống hạng ở cuối mùa bóng.
Họ thiếu một kế hoạch. Ở vi mô cấu trúc (nhìn chi tiết hơn), chỉ còn rất ít cầu thủ có chất lượng ở đội trẻ. Các biểu đồ theo dõi cho thấy các tài năng trẻ không còn phát triển tiếp sau khi họ vượt qua độ tuổi niên thiếu. Có thể kể ra vài cái tên mạnh khỏe, nhưng với nhóm cầu thủ suy dinh dưỡng còn lại, giấc mơ Barca B sẽ chẳng bao giờ thực hiện được
(ghi chú : khi bị rớt hạng khỏi Segunda, đội trẻ Barca không còn được dùng tên Barca B nữa, họ phải gọi là Barca Atletic như chúng ta đã thấy ở mùa trước. Cho đến khi quay trở lại Segunda thì mới được phép dùng lại tên cũ. Chính vì vậy, mùa này chúng ta lại được gọi đội hai là Barca B trở lại. Ngoài ra Segunda cũng có hai bậc là A và B, nếu còn ở B thì vẫn không được dùng tên Barca B. Trong mùa đầu tiên của Pep (2007/2008), ông giúp Barca Atletic từ giải hạng Ba lên được Segunda B, hai mùa sau (2008/2009 và 2009/2010) Lucho đưa đội lên được Segunda A. Ý tác giả ở đây là với tình hình nhân sự ở thời điểm đó, thì đừng hi vọng lên lại được Segunda). Frank Rijkaard đã trình làng Messi, Bojan và Giovani Dos Santos; các tính đồ Barca có vẻ hài lòng với những trái ngọt từ đội trẻ. Nhưng thực tế nhìn lại thì viễn cảnh tốt đẹp đó không kéo dài. Đội trẻ vẫn không đủ sức là nguồn cung cấp cầu thủ chính cho đội một, chỉ có một số nhỏ trong họ đủ sức vươn lên và bám trụ. Một mặt khác, các bản hợp đồng mới được mua về (cho đội Barca Atletic) chỉ giúp họ tại thời điểm hiện tại chứ không mang tính chất lâu dài, ngoài ra còn gây ảnh hưởng lên tiến độ phát triển của các cầu thủ trẻ. Hệ thống đào tạo trẻ của Barca vẫn chựng lại ở cấp độ thấp (giải hạng ba) và được miêu tả gói gọn : cũ kĩ, bất hợp lý, rối loạn và không thích hợp với thời cuộc.
Thay da đổi thịt
Rồi sẽ có ai đó phải thay đổi tình trạng này, bộ sậu của Laporta hiểu điều này. Và Guardiola xuất hiện, kế hoạch thay đổi cũng tới cùng ông : đầu tiên, tái kiến thiết đội B; rồi tới các cấp độ đội trẻ khác (U17, U18, U19); hoàn thành việc xây dựng đội nhí trong độ tuổi từ 9 trở lên. Sau đây là bảng kế hoạch chi tiết mà Guardiola và các đồng sự đã vẽ lên ở mùa 2007; một cách ngắn gọn dễ hiểu nhất, nó được chia làm ba phần :
1. Thiết lập hậu cần
2. Soạn thảo chương trình đào tạo
3. Các biểu đồ kĩ thuật (các bảng theo dõi thông số)
Để có hoàn thành được những mục tiêu đề ra thì CLB cần phải có cơ sở vật chất chuyên nghiệp và hiện đại. La Ciutat Esportiva (được xây năm 2006, tổng trị giá 77 triệu Euro) chính là chìa khóa, bởi nó giúp cho cầu thủ có thể tập luyện trong môi trường có tính chuyên môn cao, được trang bị những thiết bị hiện đại, hỗ trợ họ trong việc tập theo giáo án có tính chất lâu dài, xác định các phương thức sai và định hình lại cho họ. Khu vực R&D (ghi chú : sẽ được nhắc ở dưới) là nơi giảng dạy về trường phái/lối chơi của đội bóng – thứ sẽ ăn sâu vào ý thức của họ; để giúp họ bước lên đẳng cấp chuyên nghiệp.
Huấn luyện viên khi ấy thì ai cũng biết : Guardiola và sau này là Luis Enrique (ghi chú : còn gọi là Lucho). Cho đến nay, dù đã có những thay đổi (về HLV, nhân lực) nhưng đường lối tổ chức vẫn tiếp tục phát triển theo những gì đã được đề ra vào năm 2007. HLV được chọn là người am hiểu cách huấn luyện lẫn cách đối đãi, chăm sóc các cầu thủ. HLV được xem một đầu tàu, không đơn thuần là đề ra kế hoạch mà phải bắt tay vào làm cùng mọi người. Và những việc HLV phải làm trong giai đoạn đó là định hình :
1. Tính cạnh tranh
2. Đội hình
3. Văn hóa trong thể thao
Barca B không đơn thuần là chỉ là trạm trung chuyển mà nó là một tập thể được quản lý như một đội bóng chính thức : đội trẻ nhưng được sự quan tâm như đội một. Thi đấu với mục tiêu đề ra rõ ràng đó là giành vô địch ở giải họ tham dự. Barca B sẽ tạo ra sự cạnh tranh cao, tích cực trong nội bộ đội bóng : anh sẽ mất vị trí ngay bởi luôn có người muốn giành lấy nó, anh không muốn mất nó, anh phải đổ nhiều mồ hôi hơn. Tinh thần này được thổi cho tất cả các đội U17, U18 và U19. Bên cạnh đó, giá trị của họ còn được thể hiện qua các lớp học văn hóa, các lần học nhóm hoặc tự học, để qua đó họ hiểu thêm về chiến thuật, chiến lược, cách đối nhân xử thế cả trên sân lẫn cuộc sống bên ngoài.
Sự xuất hiện của những tên tuổi trong quá khứ (Guardiola và Enrique) tiếp thêm niềm tin vào giá trị truyền thống và kế thừa của CLB. Nhưng vượt ra khỏi phạm trù thể thao, truyền thống ấy là cả một khối vĩ đại để từ đấy cho ra đời một Barca quyến rũ và huyền ảo, cũng như cho ra đời đội trẻ với những tài năng sẽ là tương lai của CLB. Mỗi ngày, mỗi bài tập, mỗi cuộc trò chuyện, họ sẽ thấp nhuần những giá trị như : sự nỗ lực, tính hi sinh, sự tôn trọng lẫn nhau, tinh thần trách nhiệm, sự khiêm tốn, sự chặt chẽ, tính chuyên nghiệp, sự khát khao, sự đoàn kết, tính kiên nhẫn và sự rộng lượng. Những giá trị đó đã theo chân thầy họ đến những thành công, và những giá trị đó sẽ là nền tảng để họ vượt qua thử thách lần này; Pep và Lucho đã hỏi đội trẻ rằng : các anh muốn chơi cho Barca B ? Trong khi các anh chưa thể thoát khỏi giải hạng Ba ?
Những trụ cột và những viên ngọc
Các giá trị định nghĩa cho tinh thần Barca được nêu ra, nó được ghi nhận bởi sự khát khao thể hiện và cạnh tranh, được hỗ trợ về kĩ thuật cũng như sự thả lỏng cho bản năng của mỗi cầu thủ được phát triển. Đó sẽ là một đội bóng nơi mà các thành viên có sự liên kết chặt chẽ, tuy nhiên vẫn luôn có sự cạnh tranh vị trí gắt gao ở mọi cấp độ. Và từ đó, bản kế hoạch đã phân loại các cầu thủ trẻ ra thành hai nhóm :
1. Những trụ cột
2. Những viên ngọc
Đầu tiên cần tạo được cảm giác gần gũi, xóa mọi khoảng cách về sắc tộc, địa lý cũng như tầm quan trọng của từng cá nhân, không có sự phân biệt giữa các cầu thủ được mua về với những cầu thủ đã gia nhập từ bé, cũng như không có sự phân biệt đối với các cầu thủ có độ tuổi trung bình cao hơn sàn chung của đội.
Chính họ là những cầu thủ trụ cột do họ lớn tuổi hơn, kinh nghiệm hơn, được giữ lại với số lượng vừa đủ. Họ sẽ đảm nhận những vị trí quan trọng trong đội bóng để tạo sự cạnh tranh từ những lứa trẻ hơn mà không hề làm thui chột. Những viên ngọc - những cầu thủ nhí được đặc biệt chú ý bởi tài năng bẩm sinh; sẽ được tập luyện một cách bài bản, không đốt cháy giai đoạn. Điều sẽ giúp họ phát triển một cách toàn diện nhất. Bình thường một đội phải chơi cùng nhau từ hai đến hai năm rưỡi để có đủ kinh nghiệm thi đấu.
Để định hình được cầu thủ trụ cột, người ta căn cứ trên tuổi tác, các thông số theo dõi và thời gian đã tham gia đội bóng. Họ phải có độ tuổi từ tối thiểu là hai mươi mốt và tối đa là hai mươi sáu, họ sẽ được trải đều ở các tuyến, nhiệm vụ chính của họ là giúp cho các cầu thủ trẻ hơn phát triển. Họ sẽ ở đội B trong hai năm là tối đa, để tránh tình trạng làm thui chột các tài năng khác. Một mục tiêu khác của họ là tận dụng hai năm này ở Barca B để khẳng định mình nhằm có được một tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên vẫn có những ngoại lệ cho luật hai năm, đó là thời gian sẽ không được tính nếu cầu thủ đó bị chấn thương. Các cầu thủ thuộc nhóm trụ cột hiện nay là Corcoles, Espasadin, Chico, Dimas, Abraham, Longas, Xavi Torres, Victor Vazquez, Benja, Armando, Nolito, Edu, Oriol và Janathan Soriano. Người đang có số thời gian ít nhất trong đội là Chico với sáu tháng và nhiều nhất là Victor Vazquez là bốn năm, tuy nhiên có cộng luôn thời gian anh bị chấn thương. Mỗi năm, đội B lại làm mới đội hình để tạo tính cạnh tranh cũng như tạo chỗ đứng cho những ngôi sao mới nở khác (mà ở trên đã gọi họ là nhóm những viên ngọc). Từ quan điểm này, chúng ta đã thấy Luis Enrique đã yêu cầu CLB mua thêm cầu thủ từ bên ngoài cho đội B như : tiền vệ Carlos Carmona (23 tuổi, trước đá cho Recreo), và tiền đạo Saul Berjon (24 tuổi, trước đá cho Las Palmas).
Ba giai đoạn bắt buộc
Các viên ngọc đến từ các cấp đội trẻ (từ U17, U17 và U19) sẽ được chia làm hai nhóm : nhóm lính mới (có nghĩa là họ có thời gian chơi ở đội trẻ từ một đến hai năm và có một cú nhảy vọt về thành tích để được vô đội B) và nhóm trẻ theo tiêu chuẩn (nghĩa là họ đã chơi đủ số năm ở cấp độ đội trẻ và đã đến tuổi để xét vào đội B), tất cả sẽ có từ một năm rưỡi đến hai năm rưỡi để khẳng định mình. Họ sẽ trải qua ba giai đoạn :
Giai đoạn một : luân phiên vị trí. Có nghĩa rằng nhiệm vụ duy nhất của họ là cạnh tranh. Đây là giai đoạn cho họ bùng nổ bản thân nhất bởi các quan sát viên sẽ không bắt lỗi cũng như đặt kì vọng vào bất kì ai. Việc của họ là phải thể hiện được tài năng mà mình có qua từng giây phút được ra sân.
Giai đoạn hai : định hình đội hình. Bây giờ một số cầu thủ đã chiếm được vị trí nhất định trong đội bóng, anh ta phải nhận thức được sự đóng góp của mình qua việc cùng các đồng đội khác (cũng trong nhóm được chọn lựa) chịu trách nhiệm về phong độ của đội.
Giai đoạn ba : cầu thủ then chốt. Đây là giai đoạn định hình tương lai của các viên ngọc. Họ được xem như có đẳng cấp khá gần với đội A (Barca A) và là cầu thủ chủ chốt của đội B. Họ đã có hai giai đoạn thử thách nhiều hơn các đồng đội khác, bởi vậy họ phải là nòng cốt của đội cũng như đảm bảo cho tính cạnh tranh của đội ở giải đấu. Họ chính là tương lai của đội bóng. Đã có những trường hợp được gọi lên đội A khi các ngọc trai đang ở giai đoạn này, và chính việc được gọi lên đội A sớm đã quyết định tương lai của họ.
Mỗi giai đoạn kéo dài từ sáu đến chín tháng. Các cầu thủ khi đặt chân đến đội B sau khi đã hoàn thành các khóa học ở các tuyến đào tạo trẻ (U17, U18, U19) sẽ có hai năm vùng vẫy tại đây; nếu họ vẫn còn một năm ở đội trẻ thì họ được tính là ba năm ở đội B (ghi chú : có nghĩa là ai tốt nghiệp đội trẻ sớm để lên đội B thì sẽ được cộng dồn thời gian còn lại ở đội trẻ với thời gian thử việc ở đội B, thường một chu kì ở đội trẻ là một năm rưỡi đến hai năm rưỡi, bởi vậy nhảy vọt thì họ sẽ dư được một năm). Họ sẽ luôn được quan sát, theo dõi quá trình phát triển của mình để xem xét khả năng được chuyển lên đội A. Nếu sau thời gian thử thách mà họ không tạo được cơ hội cho mình thì CLB sẽ cấp cho họ bằng công nhận họ đã được huấn luyện tại lò đào tạo và họ có thể tự do đi tiếp quãng đời cầu thủ chuyên nghiệp của mình.
Viện nghiên cứu và phát triển vĩ đại (R&D = Research and Development)
Các cầu thủ sẽ được định hình quá trình phát triển một cách cân bằng, không quá nhanh để làm tổn thương họ mà cũng không quá chậm để họ thui chột. Nếu tài năng của họ bộc lộ quá tốt, họ sẽ được tăng nhanh tiến độ giáo trình, những họ vẫn phải vượt qua ba giai đoạn. Nếu cần thiết thì thời gian ở từng giai đoạn sẽ rút ngắn, nhưng hoàn toàn không được bỏ bất kì giai đoạn nào. Cũng vì lý do này mà HLV trưởng có thể có những quyết định mâu thuẫn khi có thể cứ gọi lên hay đẩy xuống một cầu thủ nào đó từ đội B cho nhu cầu dụng quân ở đội A. Và như vậy, trong ba năm gần đây chúng ta đã có những viên ngọc trai sau : Marc Valiente, Victor Sanchez, Jeffren, Urbano, Rueda, Marc Crosas, Toribio, Pedro, Pau Torres, Oier, Iago Falque, Alberto Botia, Bolanos, Sergio Busquets, Jonathan, Thiago Alcantara và Gai Assulin. Một số trong họ đã tận dụng cơ hội tốt để có vị trí chính thức ở đội A – và cả cúp vô địch Thế giới; nhưng một số khác chỉ gần đạt tới mức đó, họ đã gần tới đích nhưng không thể thể hiện được tài năng của mình, và họ đã phải rời CLB.
Trong giai đoạn gần đây, các ngọc trai đang có của đội B gồm : Mino, Fontas, Martin Montoya, Carles Planas, Rochina, Oriol Romeu, Masip, Benitez, Bartra, Muniesa, Sergi Gomez, Albert Dalmau, Luque, Riverola và Sergi Roberto. Đó cũng đồng thời là những cái tên thường xuyên xuất hiện trong đội tuyển trẻ của các quốc gia và cũng là những cái tên chủ chốt trong thành công của đội B trong việc thăng hạng lên Segunda mùa này.
Tiến trình mài dũa này vẫn tiếp tục và còn phát triển mạnh mẽ hơn khi một ủy ban kĩ thuật đã được thành lập, từ cấp cao nhất (đội A) cho đến cấp thấp nhất (các đội trẻ, nhí). Ủy ban này chính là cách mà CLB đã công nhận một cách công khai bản kế hoạch của Pep và Lucho vào năm 2007 và chính nó đã tạo hình nên lò đào tạo trẻ của Barca giai đoạn gần đây. Học viện của Barca không chỉ đơn thuần là nơi đón cả tá cầu thủ đến cũng như tiễn gần từng đấy cầu thủ đi, mà nó là một lò đào tạo có thương hiệu với những kế hoạch chi tiết, những chương trình hành động, cũng như các giai đoạn được đề ra với các mục tiêu được xác định rõ ràng. Và giờ đây, học viện không gói gọn trong cái tên “nghiên cứu và phát triển” nữa mà nó được hiểu là chiến lược quan trọng nhất cho Barca trong thập niên qua và những thập niên tới.
[/JUSTIF]